1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Chiến trường mới" có thể khiến Mỹ - Nga đối đầu nảy lửa

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc Nga mở rộng hiện diện ở Bắc Cực, khu vực giàu tài nguyên khi băng bắt đầu tan, đã buộc Mỹ phải tăng tốc chạy đua tại đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu căng thẳng giữa 2 cường quốc.

Chiến trường mới có thể khiến Mỹ - Nga đối đầu nảy lửa - 1

Quân nhân Mỹ tập trận hồi giữa tháng tại Alaska (Ảnh: New York Times).

Sau khi nhảy dù xuống vùng nội địa Alaska lạnh giá, Đại úy Weston Iannone và các binh sĩ dưới quyền đã di chuyển hàng km qua lớp tuyết dày để thiết lập một tiền đồn tạm thời trên một sườn núi.

Bầu trời tăm tối, nhiệt độ rơi xuống dưới 0 độ C và 120 quân nhân cả nam và nữ tham gia một cuộc tập trận lớn ở vùng cận Bắc Cực vẫn chưa thể dựng lều. Tuyến hậu cần cung cấp nhiên liệu và đồ thiết yếu để giữ ấm vẫn đang kẹt lại phía sau.

"Mọi thứ đều là thách thức, từ nguồn nước, nhiên liệu, lương thực tới việc chuyển quân", ông Iannone cho biết, nhấn mạnh cuộc tập trận là phép thử để xem giới hạn chịu đựng về thể xác và tinh thần mà quân nhân Mỹ có thể chịu được thế nào.

Cuộc tập trận đầu tiên diễn ra vào tháng này, với sự tham gia của khoảng 8.000 quân gần Fairbanks thuộc miền Trung Alaska, đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân khiến Mỹ quyết định hành động là việc cáo buộc Nga trong những năm qua đang quân sự hóa Bắc Cực, khu vực mà Mỹ và Nga có chung đường biên giới kéo dài trên biển.  

Căng thẳng đã gia tăng trong khu vực trong nhiều năm, khi các quốc gia liên quan tuyên bố chủ quyền đối với các tuyến đường vận chuyển và nguồn dự trữ năng lượng đang xuất hiện do hậu quả của biến đổi khí hậu. Giờ đây, với sự thay đổi trật tự địa chính trị sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, sự cạnh tranh về chủ quyền và tài nguyên ở Bắc Cực có thể ngày càng gay gắt.

Trên bờ biển phía tây của Alaska, Mỹ đang đầu tư hàng trăm triệu USD để mở rộng cảng tại Nome, nơi có thể biến thành một cảng nước sâu phục vụ các tàu tuần duyên và hải quân đi vào Vòng Bắc Cực. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ dự kiến sẽ triển khai 3 tàu phá băng mới - mặc dù Nga đã có hơn 50 tàu đang hoạt động.

Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch gia tăng hiện diện và năng lực quân sự ở Bắc Cực. Mỹ đã chuyển hàng chục tiêm kích F-35 tới Alaska, nhấn mạnh rằng, bang này sẽ là nơi "có nhiều máy bay chiến đấu hiện đại hơn bất cứ nơi nào trên thế giới".

Quân đội Mỹ năm ngoái đã công bố kế hoạch chiến lược đầu tiên của họ với mục tiêu "giành lại ưu thế dẫn đầu tại Bắc Cực". Hải quân Mỹ tháng này đã tiến hành các cuộc tập trận trên và dưới biển băng bên trong Vòng Bắc Cực. Mỹ cũng tung ra một kế hoạch để bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực, cảnh báo rằng sự thua kém ở Bắc Cực sẽ khiến Nga và Trung Quốc vươn lên nắm ưu thế.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong khi đội ngũ của ông Iannone vẫn có thể dựng lều và sống sót qua đêm, những quân nhân khác không may mắn như vậy. Có 8 quân nhân đã bị thương do thời tiết quá lạnh và 4 người được đưa tới bệnh viện sau một vụ hỏa hoạn trong phương tiện cá nhân.

Tại Na Uy, 4 quân nhân thủy quân lục chiến Mỹ đã thiệt mạng trong một cuộc tập trận trong thời tiết lạnh giá khi máy bay của họ bị rơi.

Căng thẳng tăng nhiệt

Chiến trường mới có thể khiến Mỹ - Nga đối đầu nảy lửa - 2

Bắc Cực đang trở thành cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn (Đồ họa: News.com.au).

Nga, nước có phần đất liền phía đông chỉ cách bờ biển Alaska 88 km qua eo biển Bering, trong nhiều năm đã ưu tiên mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực bằng cách sửa chữa lại các sân bay, xây thêm căn cứ, huấn luyện quân đội và phát triển mạng lưới hệ thống phòng thủ quân sự ở biên giới phía bắc.

Với khí hậu ấm lên, băng biển trong khu vực đang thu hẹp lại, các nguồn cá có giá trị đang di chuyển về phía bắc, trong khi các khoáng sản quý hiếm và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kể của Bắc Cực đang trở thành mục tiêu thăm dò ngày càng tăng.

Trong nhiều thế kỷ, vùng biển rộng lớn ở ngoài khơi Bắc Cực phần lớn là vùng đất không có người ở phủ trong băng giá mà vấn đề phân chia ranh giới chính xác giữa Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland vẫn chưa được giải quyết.

Nhưng khi băng biển tan chảy đã mở ra những con đường vận chuyển mới và khi các quốc gia chú ý đến trữ lượng hydrocacbon và khoáng sản khổng lồ dưới đáy biển Bắc Cực, các tranh chấp tiềm tàng đã manh nha hình thành.

Canada và Mỹ chưa bao giờ đạt được thỏa thuận về tình trạng của Đoạn Tây Bắc giữa Bắc Đại Tây Dương và Biển Beaufort. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để tạo dựng chỗ đứng, tuyên bố mình là "quốc gia cận Bắc Cực" và hợp tác với Nga để thúc đẩy phát triển "bền vững" và mở rộng sử dụng các tuyến đường thương mại ở Bắc Cực.

Nga đã nói rõ rằng họ có ý định kiểm soát Tuyến đường Biển phương Bắc ngoài khơi bờ biển phía Bắc của họ, một tuyến đường rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Âu. Mỹ cáo buộc Nga đang yêu cầu các quốc gia khác phải xin phép khi đi qua khu vực này và cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự với các tàu không tuân thủ.

Trọng tâm trong những năm gần đây là mở rộng các kênh ngoại giao, hợp tác thông qua Hội đồng Bắc Cực. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị tạm dừng sau khi Nga tiến quân vào Ukraine. Trước những tình hình này, Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xử lý các kịch bản leo thang căng thẳng trong tương lai và những diễn biến cạnh tranh dự kiến sẽ không ngừng được "đốt nóng" hơn nữa.

Theo https://www.straitstimes.com/world/united-states/with-eyes-on-russia-us-military-prepares-for-an-arc