1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ quyết định cấp bom chùm cho Ukraine thời điểm này

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Mỹ cho biết, quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine đã được thảo luận và tham vấn kỹ lưỡng nhằm giúp Kiev giải quyết tình trạng cạn kiệt nguồn cung đạn dược.

Lý do Mỹ quyết định cấp bom chùm cho Ukraine thời điểm này - 1

Bom chùm trên một tàu sân bay của Mỹ ở Địa Trung Hải vào năm 1986 (Ảnh minh họa: Reuters).

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ngày 7/7 xác nhận Mỹ sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD.

"Hôm nay, Bộ Quốc phòng đã công bố hỗ trợ bổ sung để đáp ứng các nhu cầu quốc phòng và an ninh quan trọng của Ukraine. Gói này sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo và đạn dược, bao gồm đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) hiệu quả cao và đáng tin cậy", thông cáo của Lầu Năm Góc đề cập tới thuật ngữ khác của bom chùm.

Giới chức cấp cao của Mỹ thừa nhận những lo ngại xung quanh quyết định trên của Washington, song nhấn mạnh việc này là cần thiết nhằm giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói, kế hoạch cấp bom chùm cho Ukraine được phê chuẩn sau quá trình thảo luận, tham vấn kỹ lưỡng của chính quyền Tổng thống Joe Biden với quốc hội và các đồng minh, cũng như dựa vào tình hình thực tế ở chiến trường Ukraine.

Ông cũng nhấn mạnh, Ukraine đã có văn bản đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng loại vũ khí này một cách thận trọng để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Bom chùm là gì?

Lý do Mỹ quyết định cấp bom chùm cho Ukraine thời điểm này - 2

(Đồ họa: Guardian).

Bom chùm là một quả bom nổ trong không trung và giải phóng các quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng. Những quả bom nhỏ được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, thiết bị và quân lính, đồng thời có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Bom chùm được phóng bằng cùng loại vũ khí pháo binh mà Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại. Loại bom chùm mà Washington dự định gửi cho Kiev dựa trên loại đạn 155mm thông thường đã được sử dụng rộng rãi trên khắp chiến trường Ukraine.

Trong các cuộc xung đột trước đây, bom chùm có tỷ lệ sát thương cao. Hàng nghìn quả bom nhỏ hơn chưa nổ vẫn sẽ tồn tại và có thể gây thiệt mạng trong nhiều thập kỷ sau đó. Lần cuối cùng Mỹ sử dụng bom chùm là trong trận chiến ở Iraq vào năm 2003, và họ quyết định không tiếp tục sử dụng chúng khi chiến trường chuyển vào đô thị với dân số đông đúc hơn.

Ngày 6/7, Tướng Pat Ryder cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ có "nhiều biến thể" của loại vũ khí này và những loại mà họ đang xem xét cung cấp cho Ukraine sẽ không bao gồm các biến thể cũ hơn, loại mà có tỷ lệ bom nhỏ chưa phát nổ cao hơn 2.35%.

Lý do Mỹ cấp cho Ukraine thời điểm này

Lý do Mỹ quyết định cấp bom chùm cho Ukraine thời điểm này - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine là quyết định rất khó khăn (Ảnh: AP).

Nói về quyết định gửi bom chùm cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đây là một "quyết định khó khăn".

"Đó là một quyết định vô cùng khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cũng đã thảo luận với các đồng minh… Ukraine đang cạn kiệt đạn dược", chủ nhân Nhà Trắng giải thích.

Ông lưu ý thêm, bom chùm sẽ đóng vai trò trong "giai đoạn chuyển tiếp" cho đến khi Mỹ có thể sản xuất thêm lựu pháo 155mm. Bom chùm sẽ tương thích với lựu pháo 155mm mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine. Đây từng là vũ khí giúp Ukraine giành lại một số phần lãnh thổ năm ngoái.

Trong suốt hơn một năm qua, Mỹ và các đồng minh sử dụng kho dự trữ đạn và lựu pháo truyền thống để viện trợ cho Ukraine.

Đạn 155mm có thể tấn công các mục tiêu cách xa 24-32km, nên chúng là loại đạn được lựa chọn khi bộ binh Ukraine tìm cách tấn công mục tiêu của đối phương từ xa. Ukraine tiêu thụ hàng nghìn viên đạn pháo mỗi ngày trong cuộc xung đột với Nga.

Yehor Cherniev, một thành viên quốc hội Ukraine, hồi đầu năm nay cho biết Kiev có thể sẽ cần bắn 7.000-9.000 viên đạn mỗi ngày trong chiến dịch phản công. Trong trường hợp này, kho đạn dược của Mỹ và các đồng minh sẽ chịu áp lực rất lớn.

Ryan Brobst, một nhà phân tích nghiên cứu của Foundation for Defense of Democracies, cho biết, bom chùm cho phép Ukraine phá hủy nhiều mục tiêu hơn với số lượng đạn ít hơn. Vì Mỹ không sử dụng chúng trong các cuộc xung đột kể từ sau chiến tranh Iraq, nên họ vẫn còn một lượng lớn bom chùm trong kho để có thể nhanh chóng triển khai, ông cho hay.

Trong một lá thư vào tháng 3 năm nay gửi chính quyền Tổng thống Biden cho biết, các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng và Hạ viện Mỹ nói, Washington có thể còn tới 3 triệu quả bom chùm có sẵn để sử dụng. Họ hối thúc Nhà Trắng gửi các loại đạn này tới Ukraine để giảm bớt áp lực đối với nguồn cung đạn dược.

Ông Brobst nhấn mạnh: "Đạn chùm hiệu quả hơn đạn pháo đơn lẻ vì chúng gây sát thương trên diện rộng hơn. Điều này rất quan trọng đối với Ukraine khi họ cố gắng giành lại các vị trí mà Nga đang phòng thủ nghiêm ngặt".

Ông cho biết, việc triển khai bom chùm của Mỹ có thể giải quyết tình trạng thiếu đạn của Ukraine và giảm bớt áp lực lên các kho dự trữ đạn 155mm ở Mỹ và các nơi khác.

Nga và các bên lên tiếng

Lý do Mỹ quyết định cấp bom chùm cho Ukraine thời điểm này - 4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)

Phản ứng về động thái của Mỹ, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng quyết định của Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine là thừa nhận sự thất bại và là một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn thất bại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói, quyết định của chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga và nhằm kéo dài xung đột ở Ukraine.

Bà Zakharova bình luận, động thái của Washington thể hiện Ukraine và các đồng minh phương Tây đang "bất lực" trong việc thay đổi tình hình trên chiến trường. Bà khẳng định, việc sử dụng bom chùm của Ukraine sẽ gần như không tác động đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, song sẽ gây hậu quả nặng nề cho dân thường.

Nhà ngoại giao Nga lưu ý, kinh nghiệm sử dụng loại đạn như vậy ở Trung Đông và các cuộc xung đột khác cho thấy chúng có thể không phát nổ trong một thời gian dài và phát nổ sau khi chiến sự kết thúc.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng phản đối kế hoạch của Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine.

"Tổng thư ký Antonio Guterres ủng hộ Công ước về bom, đạn chùm đã được thông qua 15 năm trước. Ông ấy muốn các quốc gia tuân thủ điều khoản của công ước đó", phát ngôn viên Farhan Haq của Tổng thư ký nói với truyền thông tại trụ sở Liên hợp quốc hôm 7/7.

Các đồng minh của Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về động thái của Washington. "Chúng tôi không ủng hộ sử dụng bom, đạn chùm. Canada cam kết ủng hộ chấm dứt tác động của bom, đạn chùm đến dân thường, đặc biệt là trẻ em", chính phủ Canada tuyên bố.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng khẳng định với truyền thông rằng London không ủng hộ triển khai bom chùm. "Anh là bên đã ký vào công ước cấm sản xuất và sử dụng bom chùm", ông nói và nhấn mạnh Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhưng bằng các biện pháp khác.

Bản thân việc sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng sử dụng chúng để chống lại thường dân bị coi là phạm pháp. Trong bất kỳ cuộc tấn công nào, việc xác định tội ác chiến tranh đòi hỏi phải xem liệu mục tiêu có hợp pháp hay không và liệu các biện pháp phòng ngừa có được thực hiện để tránh gây thương vong cho dân thường hay không.

Hơn 120 quốc gia đã ký vào công ước cấm sản xuất, sử dụng, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine đều chưa ký kết.

Theo AP, Reuters, ABC News