1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Mỹ "bật đèn xanh" gửi loại vũ khí gây tranh cãi tới Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ giải thích lý do quyết định gửi bom chùm - loại vũ khí gây tranh cãi - tới Ukraine sau thời gian dài cân nhắc.

Vì sao Mỹ bật đèn xanh gửi loại vũ khí gây tranh cãi tới Ukraine? - 1

Ukraine đang đối mặt thách thức để xuyên qua phòng tuyến kiên cố của Nga trong chiến dịch phản công (Ảnh: Reuters).

Lầu Năm Góc ngày 7/7 thông báo sẽ cấp bom chùm cho Ukraine trong khuôn khổ gói viện trợ mới nhất trị giá 800 triệu USD. Tổng cộng, từ đầu chiến sự tới nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine 40 tỷ USD.

"Hôm nay, Bộ Quốc phòng đã công bố hỗ trợ bổ sung để đáp ứng các nhu cầu quốc phòng và an ninh quan trọng của Ukraine. Gói này sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo và đạn dược, bao gồm đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) hiệu quả cao và đáng tin cậy", thông báo viết, đề cập tới thuật ngữ khác của bom chùm.

Mỹ cho biết, giới chức quốc phòng đã tham vấn rộng rãi với quốc hội, các đồng minh và đối tác của Washington khi ra quyết định này.

Vũ khí gây tranh cãi

Đạn chùm hay bom chùm khi kích nổ sẽ phân tán các viên đạn nhỏ ra khu vực rộng lớn. Các viên đạn nhỏ có thể không phát nổ hết khi được giải phóng ra và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.

Đạn chùm đã bị 123 quốc gia cấm vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với thường dân, bao gồm hầu hết các thành viên NATO. Theo CNN, cả Nga và Ukraine được cho đều sử dụng bom chùm/đạn chùm kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ cuối tháng 2.

Cả Mỹ, Nga, Ukraine đều từ chối tham gia vào một hiệp ước năm 2008 cấm sản xuất, sử dụng và cất trữ bom, đạn chùm.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 7/7 thừa nhận: "Chúng tôi hiểu rằng bom chùm gây ra rủi ro cho dân thường từ các vật liệu chưa nổ (nằm rải rác trên các khu vực). Đó là lý do vì sao chúng tôi chần chừ với việc cấp loại vũ khí này cho Ukraine".

Mỹ giải thích lý do

Vì sao Mỹ bật đèn xanh gửi loại vũ khí gây tranh cãi tới Ukraine? - 2

Hình ảnh bên trong một quả bom chùm (Ảnh minh họa: Wikipedia).

Ông Sullivan đồng thời giải thích lý do Mỹ cấp đạn chùm: "Nhưng cũng có nguy cơ về mối đe dọa lớn cho dân thường Ukraine nếu quân đội và xe tăng Nga tiếp tục tiến tới các vị trí của Kiev, giành thêm quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine vì Kiev không có đủ pháo binh. Điều đó không thể chấp nhận được đối với chúng tôi".

Ông Sullivan đảm bảo rằng việc cung cấp bom chùm cho Kiev không phải là trang bị vũ khí cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga.

"Mỹ sẽ không gây chiến với Nga ở Ukraine, và Mỹ không cung cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công Nga. Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga từ Ukraine", quan chức này nói.

Ông Sullivan nói rằng bom chùm được gửi đến Kiev sẽ có tỷ lệ phát nổ "không cao hơn 2,5%".

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho hay, Kiev đã đưa ra cam kết bằng văn bản với Washington rằng họ "sẽ không sử dụng các quả bom chùm trong khu đô thị dân cư và họ sẽ lưu lại thông tin về nơi họ sử dụng các quả bom. Điều này sẽ đơn giản hóa các nỗ lực rà phá bom mìn sau này".

Theo Lầu Năm Góc, việc cấp bom chùm do Mỹ nhận thấy tính cấp bách của thời điểm hiện tại. Ukraine đang trong cuộc phản công và rất khó khăn để vượt qua phòng tuyến của Nga vì Moscow đã có 6 tháng để chuẩn bị vành đai phòng thủ. Bất cứ quân đội nào cũng khó có thể chọc thủng chúng.

Mỹ cho biết, khi phản công, Ukraine đang sử dụng nhiều đạn pháo hơn khả năng mà các đối tác phương Tây có thể cung cấp. Vì vậy, Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí để tiếp tục tấn công phòng tuyến của Nga. 

Theo ông Kahl, việc cấp đạn chùm cho Ukraine không có tính lâu dài mà được xem như "câu giờ" cho tới khi Mỹ và các đồng minh gia tăng năng lực sản xuất đạn 155mm thông thường để viện trợ đủ cho nhu cầu của Kiev.

Theo các chuyên gia, đối với Ukraine, đạn chùm/bom chùm có thể giải quyết 2 vấn đề chính cho Kiev là cung cấp thêm đạn dược cho các hệ thống pháo và tên lửa mà Mỹ và các nước khác viện trợ, cũng như ngăn chặn ưu thế của Nga về số lượng pháo.

Phản ứng của các bên

Bình luận về động thái của Mỹ, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói, việc viện trợ đạn chùm cho Ukraine như một lời thừa nhận của Washington rằng Ukraine phản công bị đình trệ và Mỹ đang cố gắng cứu vãn tình hình.

Ông Antonov cáo buộc, động thái của Mỹ là hành vi khiêu khích "vượt quá quy mô, đẩy nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới".

Đại sứ Nga chỉ ra rằng động thái của Mỹ đã phớt lờ những lo ngại đến từ các đồng minh của Washington, cũng như sự quan ngại của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về sự nguy hiểm của bom chùm.

Ngày 7/7, ông Farhan Haq, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã lên tiếng phản đối việc sử dụng bom chùm trong chiến sự.

Theo ông Haq, ông Guteres "ủng hộ Công ước về bom, đạn chùm đã được thông qua 15 năm trước. Và ông ấy mong muốn các quốc gia tuân thủ các điều khoản của công ước đó. Vì vậy, ông ấy không muốn đạn chùm tiếp tục được sử dụng trên chiến trường".

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh này không có lập trường chung về việc viện trợ bom, đạn chùm cho Ukraine. Ông nhấn mạnh, các quyết định về vấn đề này do chính các quốc gia thành viên đưa ra.

"NATO, với tư cách là một liên minh, không có quan điểm đối với công ước về đạn chùm vì một số đồng minh đã ký vào công ước, nhưng một số đồng minh đã không ký vào công ước. Các đồng minh riêng lẻ sẽ đưa ra quyết định về chuyển giao vũ khí và vật tư quân sự cho Ukraine," ông Stoltenberg nói.

Theo Reuters, Sputnik, RT