Nga cảnh báo nguy cơ "chiến tranh thế giới" khi Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine
(Dân trí) - Các quan chức Nga cho rằng quyết định của Mỹ về việc viện trợ bom chùm cho Ukraine là nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn sự thất bại.
"Bom đạn chùm là một biểu hiện của sự tuyệt vọng. Một động thái như vậy cho thấy nhận thức của Mỹ và các nước vệ tinh về sự bất lực của họ. Tuy nhiên, họ không muốn thừa nhận thất bại của mình cũng như thất bại trong nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm tiến hành một cuộc phản công vào các khu vực của Nga. Do vậy, họ thực hiện những hành động điên cuồng mới", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố hôm 7/7.
Ông Antonov cảnh báo mức độ khiêu khích hiện tại của Mỹ "thực sự vượt quá quy mô, đưa nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới".
Nhà ngoại giao Nga cho rằng Mỹ bị ám ảnh bởi ý tưởng đánh bại Nga đến mức họ không nhận ra mức độ nghiêm trọng của hành động cấp bom đạn chùm, vì điều này chỉ khiến số nạn nhân gia tăng và kéo dài sự khó khăn của chính quyền Kiev.
"Chính quyền Mỹ hoàn toàn phớt lờ những cảnh báo về sự vô nhân đạo của bước đi như vậy, vốn được các chuyên gia, nhà hoạt động nhân quyền và các nhà lập pháp lên tiếng, và nhắm mắt làm ngơ trước thương vong của dân thường. Bây giờ, do sai lầm của Mỹ, trong nhiều năm tới sẽ có nguy cơ dân thường vô tội bị thương vong do bom đạn chưa phát nổ", ông Antonov nói.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ sẽ cấp bom chùm cho Ukraine trong khuôn khổ gói viện trợ mới nhất trị giá 800 triệu USD. Đây là loại vũ khí gây tranh cãi vì mức độ nguy hiểm và sát thương nếu được sử dụng.
Đạn chùm hay bom chùm khi kích nổ sẽ phân tán các viên đạn nhỏ ra khu vực rộng lớn. Các viên đạn nhỏ có thể không phát nổ hết khi được giải phóng ra và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn. Đạn chùm đã bị 123 quốc gia cấm vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với dân thường.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Chính sách Colin Kahl nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc rằng, quyết định viện trợ bom chùm được đưa ra bởi "sự cấp bách của thời điểm" và mong muốn tiếp tục chiến đấu của Ukraine.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Ukraine có đủ đạn pháo để tiếp tục chiến đấu trong cuộc phản công hiện nay, và bởi vì mọi thứ đang diễn ra chậm hơn một chút so với kỳ vọng", ông Kahl nói.
Bất chấp những tổn thất lớn của Ukraine trong chiến dịch phản công, ông Kahl tuyên bố các lực lượng Ukraine đang "thăm dò các điểm yếu" trong mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Nga, đồng thời khẳng định phần lớn sức mạnh chiến đấu của Ukraine "chưa được huy động".
Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch phản công được chuẩn bị từ lâu của Ukraine mang lại rất ít hoặc không đạt được kết quả nào trong hơn một tháng giao tranh, trong đó Ukraine mất rất nhiều xe tăng và các phương tiện bọc thép khác do phương Tây cung cấp và hơn 10.000 người thương vong.
Ông Antonov chỉ ra rằng, động thái của Mỹ đã phớt lờ những lo ngại từ các đồng minh của Washington, hầu hết trong số họ đã phê chuẩn Công ước về Bom đạn chùm, cũng như sự nghi ngại của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov cũng cho rằng, ý định cung cấp bom chùm của Mỹ cho Ukraine là "một động thái tuyệt vọng" vì cuộc phản công của Kiev không diễn ra theo kế hoạch.
"Giờ đây, phương Tây đã nhận ra rằng cuộc phản công được hô hào rầm rộ của các lực lượng vũ trang Ukraine đã không diễn ra theo kế hoạch, vì vậy họ đang cố gắng bằng mọi giá để tạo ra ít nhất một số động lực cho cuộc phản công đó, đó là một động thái tuyệt vọng", Đại sứ Gryzlov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga.