1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Iran khó bất chấp tất cả để tấn công tàu dầu

(Dân trí) - Iran được cho là sẽ chịu không ít thiệt hại nếu tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu tại vùng biển gần lãnh thổ của mình.

Lý do Iran khó bất chấp tất cả để tấn công tàu dầu - 1

Khói bốc lên từ tàu Front Altair của Na Uy trên vịnh Oman. (Ảnh: AFP)

Khi khói bốc lên sau các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu tại vịnh Oman, giới buôn dầu và các nhà ngoại giao bắt đầu lo lắng về tình hình căng thẳng tiếp theo sẽ xảy ra tại Trung Đông.

Những gì diễn ra đã khá rõ ràng khi hai tàu chở dầu bị tấn công trong lúc di chuyển qua tuyến hàng hải chiến lược và nhộn nhịp. Tuy nhiên, vì sao các vụ tấn công xảy ra và ai đã thực hiện chúng lại là câu hỏi không dễ trả lời, bởi lẽ vụ việc này dường như không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào trong khu vực.

Chủ sở hữu của tàu chở dầu Kokuka Corageous (Nhật Bản) cho biết con tàu đã nhanh chóng bốc cháy khi bị tấn công hai lần liên tiếp bởi loại vũ khí giống như “đạn pháo”. Một trong số 21 thành viên thủy thủ đoàn người Philippines đã bị thương.

Trong khi đó, toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy đã được sơ tán an toàn sau khi tàu bị tấn công. Tàu khu trục USS Bainbridge thuộc Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ ở gần đó đã nhanh chóng tới giải cứu sau khi tàu Front Altair phát tín hiệu báo động.

Sau khi các hoạt động giải cứu hoàn tất, câu hỏi được đặt ra là tại sao vụ việc này xảy ra. Rõ ràng, có những điểm tương đồng giữa vụ tấn công hôm 13/6 với vụ việc xảy ra trước đó một tháng, khi 4 tàu chở dầu cũng bị tấn công gần Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Trong cả hai vụ việc, Mỹ và một số nước đều cáo buộc Iran là “thủ phạm”.

Iran đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ liên quan tới vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng cáo buộc của Mỹ là một chiến thuật ngoại giao để gia tăng sức ép lên Tehran sau các lệnh trừng phạt. Iran còn nghi ngờ các vụ tấn công là kết quả của âm mưu do các nước đối thủ của Tehran trong khu vực như Ả rập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất hay Israel thực hiện.

Giới phân tích cũng nhận định Iran dường như không có nhiều lý do để thực hiện các vụ tấn công này, theo CNN.

Lợi bất cập hại?

Tàu chở dầu bốc cháy sau khi bị tấn công trên vịnh Oman

Nếu Iran thực sự tấn công hai tàu chở dầu ở khu vực gần lãnh thổ của họ, các vụ việc này sẽ càng thổi bùng thêm căng thẳng, khiến cộng đồng quốc tế cô lập Iran nhiều hơn, đồng thời tạo động lực cho các nước khác gia tăng sức ép quân sự đối với Tehran.

Nền kinh tế Iran đang trong tình trạng bết bát. Trước khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái, Tehran từng có tầm ảnh hưởng rất lớn trong khu vực. Tuy nhiên, khi các nguồn lực kinh tế không còn, tiếng nói của Iran cũng trở nên yếu ớt hơn.

Các vụ tấn công xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang có chuyến thăm tới Iran với mục đích làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu, trong đó có một tàu thuộc sở hữu của Nhật Bản, rõ ràng đã làm mất đi bầu không khí vui vẻ của chuyến thăm. Đương nhiên, Iran không hề mong muốn một kịch bản khó xử như vậy.

Một giả thuyết khác được đưa ra, đó là những người có lập trường cứng rắn tại Iran muốn tiến hành cuộc tấn công để khuấy động những nỗ lực hòa bình. Tuy nhiên, ngay cả những tiếng nói cứng rắn nhất tại Iran, đặc biệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, cũng đủ thông minh để nhận ra rằng, việc đánh bom các tàu chở dầu tại tuyến hàng hải quốc tế trong khi đang diễn ra một cuộc gặp ngoại giao quan trọng là điều không khôn ngoan chút nào.

Theo Reuters, Iran đang tăng cường xuất khẩu số dầu mỏ còn lại trước khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được siết chặt. Liệu các vụ tấn công gần đây có thể khiến giá dầu tăng lên và mang lại lợi ích cho Iran hay không? Có thể có.

Tuy nhiên khi các vụ tấn công xảy ra, tuyến hàng hải vận chuyển dầu mỏ ở vùng biển gần Iran có thể bị gián đoạn. Khi đó, chính Iran cũng sẽ bị thiệt hại. Do vậy, rất khó để tưởng tượng rằng những người mang tư tưởng cứng rắn tại Iran sẵn sàng bất chấp mọi rủi ro để thực hiện các vụ tấn công tại vịnh Oman.

Lý do Iran khó bất chấp tất cả để tấn công tàu dầu - 2

Vị trí eo biển Hormuz và vịnh Oman. (Ảnh: BBC)

Giới phân tích cũng chỉ ra một thuyết âm mưu nữa xung quanh vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu tại vịnh Oman. Giả thuyết này cho rằng Ả rập Xê út cũng muốn gia tăng xung đột trong khu vực để đẩy giá dầu lên cao. Do vậy, nước này có thể “bật đèn xanh” cho một vụ tấn công để thực hiện mọi toan tính của mình.

Tuy vậy, tương tự Iran, Ả rập Xê út cũng phải gánh chịu thiệt hại nếu xung đột xảy ra sau các vụ tấn công ở vùng biển gần lãnh thổ của họ.

Khoảng 20% dầu mỏ thế giới đi qua eo biển Hormuz, trong đó dầu xuất khẩu của Ả rập Xê út chiếm tỷ lệ lớn. Trước mắt, giá dầu tăng cao có thể mang lại lợi nhuận cho Ả rập Xê út. Sau vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu tại vịnh Oman, giá dầu thô thế giới hôm nay đã tăng 3%.

Tuy nhiên về lâu dài, Ả rập Xê út có lẽ cũng không muốn tuyến hàng hải vận chuyển dầu tại vùng Vịnh bị coi là không an toàn. Thậm chí, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn và quân đội Mỹ nhận ra rằng họ cần vào cuộc để bảo vệ các tàu đi lại qua eo biển Hormuz, mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và chính quyền Trump chắc chắn sẽ gặp trở ngại dù hai nước là đồng minh thân thiết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm