1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ chật vật tìm phương án đối phó Iran

(Dân trí) - Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có nhiều phương án đáp trả nếu Iran đứng sau vụ tấn công các cơ sở dầu của Ả rập Xê út, nhưng thực tế có thể không phải vậy khi các chiến lược đối phó trước đó không thực sự hiệu quả.

Mỹ chật vật tìm phương án đối phó Iran - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Zuma Press)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công rúng động nhằm vào các cơ sở dầu của Ả rập Xê út hôm 14/9 - một vụ việc làm gián đoạn nguồn cung dầu thế giới và góp phần thổi bùng căng thẳng ở Trung Đông. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ có "rất nhiều phương án" đối phó nếu Iran thực sự đứng sau vụ tấn công.

Trong một bình luận đăng tải trên tài khoản Twitter trước đó, Tổng thống Trump viết, Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên nòng", sẵn sàng đáp trả những thế lực gây ra vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu của Ả rập Xê út. Chủ nhân Nhà Trắng một mặt nhấn mạnh ông không muốn "chiến tranh với bất cứ ai" và rằng Washington chỉ hành động sau khi tham vấn Ả rập Xê út và các nước lớn trong khu vực, song mặt khác cũng khẳng định: "Chúng tôi (Mỹ) đã chuẩn bị hơn bất cứ ai".

Mỹ chật vật tìm phương án đối phó Iran - 2
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Abqaiq của tập đoàn dầu khí quốc gia Ả rập Xê út Aramco sau vụ tấn công hôm 14/9. (Ảnh: Reuters)
Mỹ chật vật tìm phương án đối phó Iran - 3
Ảnh chụp vệ tinh cơ sở lọc dầu Ả rập Xê út sau vụ tấn công hôm 14/9. (Ảnh: Getty)

Lầu Năm Góc lên phương án

CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết, trong một cuộc họp ngày 16/9 với Tổng thống Trump, giới chức quốc phòng Mỹ đã được giao nhiệm vụ thảo sẵn các phương án đối phó vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu của Ả rập Xê út. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chờ phản ứng từ giới lãnh đạo Ả rập Xê út trước khi thực thi một kế hoạch cụ thể. Hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã được chỉ đạo "kế hoạch" tại cuộc họp ở Nhà Trắng, nhưng chưa có lựa chọn cụ thể nào.

Trong một diễn biến liên quan khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên đường tới Ả rập Xê út vào tối 17/9 để thảo luận với giới chức nước này. Một nguồn thạo tin cho biết, Washington sẽ chưa có bất cứ động thái nào cho đến khi Ngoại trưởng Pompeo trở về và giới chức an ninh nhóm họp.

Giới chức quốc phòng Mỹ cũng cho biết, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ chưa đưa thêm bất cứ chỉ thị nào cho lực lượng của mình ở khu vực Trung Đông kể từ sau vụ tấn công, quân đội Mỹ trong khu vực cũng không có dấu hiệu “động binh”.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/9 tuyên bố rõ ràng rằng, Washington không loại trừ phương án quân sự. “Sau vụ tấn công cuối tuần qua nhằm vào các cơ sở dầu của Ả rập Xê út, tôi hứa chúng tôi luôn sẵn sàng. Như Tổng thống đã nói, chúng tôi không muốn chiến tranh với bất cứ ai, nhưng Mỹ vẫn sẵn sàng, chúng tôi đã khóa mục tiêu và lên nòng”, Phó Tổng thống Pence nói. Ông Pence cũng cho biết, cộng đồng tình báo Mỹ đang “xem xét lại bằng chứng” về vụ tấn công.

Mỹ chật vật tìm phương án đối phó Iran - 4
Phó Tổng thống Mike Pence (Ảnh: AP)

Mỹ sắp cạn phương án đối phó Iran?

Business Insider nhận định, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Trump, thực tế Mỹ dường như không có nhiều phương án hiệu quả cho vấn đề Iran. Dưới đây là những phương án mà chính quyền của ông Trump có thể tính đến.

Gia tăng trừng phạt

Chính quyền Tổng thống Trump đã thực thi chính sách "gây sức áp tối đa thông qua lệnh trừng phạt" đối với Iran. Chiến lược này nhằm gây sức ép về kinh tế với Tehran, song đến nay dường như không có nhiều tác dụng. Đáp lại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với Mỹ và các cường quốc phương Tây, Iran tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.

Trừng phạt giới lãnh đạo

Chính quyền Tổng thống Trump đã liệt kê Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRCG) và Lực lượng tinh nhuệ Quds là tổ chức khủng bố nước ngoài hồi tháng 4 năm nay và áp lệnh trừng phạt đối với Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei, lãnh đạo IRCG hồi tháng 6. Mặc dù vậy, giới lãnh đạo Iran vẫn không đáp ứng các yêu sách của Mỹ.

Chiến tranh toàn diện

Kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã tuyên bố rằng ông không muốn thêm bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nếu Mỹ rơi vào một cuộc chiến với Iran vì vấn đề của Ả rập Xê út, cơ hội tái đắc cử của ông Trump sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia về an ninh quốc gia chỉ trích việc ông Trump dường như vẫn chờ phía Ả rập Xê út xác nhận trước khi có hành động đáp trả thủ phạm vụ tấn công các cơ sở dầu của họ.

Hòa hoãn với Iran

Tổng thống Trump từng đề nghị đối thoại “không điều kiện” với giới chức Iran hồi tuần trước. Tuy nhiên, Iran nhiều lần từ chối đàm phán trừ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Lãnh đạo tối cao Iran Khamenei hôm 16/9 tuyên bố, Tehran tiếp tục từ chối đối thoại với Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết với các phóng viên rằng, ông sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.

Đối phó Iran có lẽ sẽ tiếp tục là bài toán khiến chính quyền Tổng thống Trump đau đầu. Thời báo Phố Wall nhận định: "Tổng thống Trump sắp cạn phương án để gây thêm sức ép tài chính với Iran. Chính quyền Trump đã áp một trong những lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có với ngành dầu mỏ của Iran". Tờ báo cũng chỉ ra một thách thức nữa đó là đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của ông Trump tiếp tục thu hẹp với sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hồi đầu tuần này.Hiện giờ, chính quyền của Tổng thống Trump có thể đang hy vọng dùng thông tin tình báo buộc tội Iran đứng sau vụ tấn công Ả rập Xê út để thuyết phục thêm các đồng minh châu Âu ủng hộ chiến lược đối phó Tehran.

Ngày 14/9, hai nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Ả rập Xê út bất ngờ bị tấn công. Vũ khí dùng trong vụ tấn công được cho là các tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Vụ việc khiến sản lượng dầu của Ả rập Xê út giảm một nửa và làm gián đoạn nguồn cung dầu thế giới.

Phiến quân Houthi ở Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc và cho rằng các tên lửa được phóng đi từ miền nam của quốc gia Trung Đông này.

Minh Phương

Theo Business Insider, CNN, WSJ