1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lo ngại khủng bố trỗi dậy sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều người hoan nghênh việc Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh nhóm Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tại Afghanistan gần đây. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về nguy cơ bùng nổ các vụ khủng bố trả thù.

Lo ngại khủng bố trỗi dậy sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt - 1

Ayman al-Zawahiri (trái) trong bức ảnh chụp cùng trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng 11/2001 tại một địa điểm không được tiết lộ tại Afghanistan (Ảnh: Getty).

Thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã bị tiêu diệt tại nhà riêng tại thủ đô Kabul của Afghanistan trong một trận không kích bằng máy bay không người lái hôm 30/7 do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành.

Zawahiri là nhân vật mới nhất trong nhóm cấp cao của Al-Qaeda bị Mỹ tiêu diệt trong nhiều năm qua, giáng đòn nặng nề nhất giáng vào Al-Qaeda sau khi thủ lĩnh khét tiếng của nhóm này là Osama bin Laden bị tiêu diệt tại Pakistan vào năm 2011.

Vụ việc này đánh dấu thắng lợi mới nhất trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là mức độ phá vỡ các tổ chức khủng bố này như thế nào và có hiệu quả hay không.

Những cái tên khét tiếng bị tiêu diệt

Một số "mục tiêu giá trị cao" trong nhóm Al-Qaeda đã bị quân đội Mỹ hoặc CIA tiêu diệt kể từ năm 2001. Trong số đó có thủ lĩnh Al-Qaeda tại Iraq, Abu Musab al-Zarqawi (2006); trùm khủng bố Osama bin Laden (2011); Anwar al-Awlaki, thủ lĩnh của Al-Qaeda ở Bán đảo Ả Rập (2011); thủ lĩnh Taliban tại Afghanistan Mullah Akhtar Mansour (2016); Thủ lĩnh Taliban tại Pakistan Mullah Fazlullah (2018); thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi (2019) và người kế nhiệm Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi (2022); và thủ lĩnh Al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập Qasim al-Raymi (2020).

Theo giới phân tích, những cuộc không kích trên đã làm gián đoạn các hoạt động khủng bố và giúp ngăn chặn một cuộc tấn công kiểu 11/9 khác, nhưng hầu như không mang lại chiến thắng triệt để trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo kéo dài hơn 20 qua.

Theo con số ước tính, tổng số tay súng Hồi giáo đã tăng gấp 4 lần kể từ sau vụ 11/9/2001, bất chấp mọi tổn thất mà hai nhóm Hồi giáo cực đoan hàng đầu là Al-Qaeda và IS phải gánh chịu.

Một Al-Qaeda yếu hơn nhưng các mối đe dọa vẫn còn

Các cuộc tấn công trên được cho là không gây nhiều thiệt hại cho các tổ chức khủng bố lớn, vì chúng có thể dễ dàng thay thế các thủ lĩnh cao nhất.

Taliban ở Afghanistan không bị cản trở đáng kể khi mất đi thủ lĩnh Mansour. Năm năm sau khi y qua đời, nhóm này mở chiến dịch tấn công, tiến vào kiểm soát Kabul khi Mỹ kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Al-Qaeda ở Iraq thực sự phát triển mạnh hơn sau khi Zarqawi chết năm 2006. Tổ chức khủng bố này chỉ bắt đầu suy giảm sau khi Mỹ tăng quân ở Iraq và Hội đồng "Sự thức tỉnh Anbar" ra đời vào năm 2007-2008.

Đối với IS, cái chết của Baghdadi và Qurayshi chỉ là "một triệu chứng" chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của tổ chức.

Cả hai vụ việc trên đều xảy ra sau khi lực lượng IS tại Iraq và Syria đã bị tiêu diệt phần lớn trong các hoạt động tấn công tổng hợp của hàng chục nghìn quân Iraq và lực lượng người Kurd tại Syria, được hỗ trợ bởi hỏa lực, tình báo và các lực lượng hỗ trợ khác của Mỹ.

Tất nhiên, việc mất đi những kẻ cầm đầu gây nhiều tổn hại nhiều hơn cho các tổ chức khủng bố, chẳng hạn như Al-Qaeda, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào sự lãnh đạo có uy tín.

Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì hắn là một biểu tượng nổi tiếng của chủ nghĩa thánh chiến. Người kế nhiệm hắn là Zawahiri không có uy tín cao như vậy.

Mặc dù có thể mất nhiều thời gian để tiêu diệt 2 trùm khủng bố này (11 năm trôi qua giữa cái chết của Bin Laden và Zawahiri), sự đầu tư của Mỹ cho việc truy lùng 2 nhân vật này là đáng giá vì chiến dịch săn lùng đã làm giảm hiệu quả hoạt động của nhóm này.

Bin Laden và Zawahiri từng phải bận tâm và dành nhiều thời gian cho kế hoạch lẩn trốn, liên lạc phần lớn bằng chuyển phát nhanh. Điều đó khiến các hoạt động của Al-Qaeda bị chậm và dễ bị phát hiện hơn. Tổ chức trung tâm của Al-Qaeda có thể sẽ bị chia cắt nhiều hơn sau cái chết của Zawahiri, vì không có thủ lĩnh nổi tiếng nào thay thế y.

Nhân vật số 3 của Al-Qaeda, Saif al-Adel, được cho là đang cư trú tại Iran và không được tin tưởng nhiều.

Mặc dù Zawahiri đã bị tiêu diệt, giới phân tích lại lo ngại, sau cái chết của hắn, Al-Qaeda sẽ có hành động trả thù bằng khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Sau cái chết của Zawahiri, những người ủng hộ Al-Qaeda hoặc các tổ chức khủng bố liên quan, có thể tìm cách tấn công các cơ sở, nhân viên hoặc công dân Mỹ".

Tại Afghanistan, kể từ khi Taliban lên nắm quyền, các chính sách hà khắc lại tái diễn khiến người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, lâm vào cảnh khốn khó.

Do vậy, đến thời điểm này, cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp nên vẫn chưa có sự hỗ trợ thích đáng nào cho Afghanistan. Việc Taliban lên án vụ tấn công của Mỹ nhằm tiêu diệt Zawahiri vừa qua sẽ khiến khoảng cách giữa Afghanistan và quốc tế ngày càng xa hơn. Nếu không có sự hợp tác của Afghanistan - từng là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố khét tiếng, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ khó có hiệu quả triệt để.

Theo CFR