1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lơ lửng số phận của phóng viên ném giày vào Tổng thống Bush

(Dân trí) - Phóng viên Iraq, người ném giày vào Tổng thống Mỹ Bush tại một cuộc họp báo, đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của các cuộc bàn luận ở Iraq. Trong khi chính phủ gọi Muntazer al-Zeidi là người thô lỗ thì những người ủng hộ tôn vinh anh là anh hùng dân tộc.

Muntazer al-Zeidi, 28 tuổi, người được cho là rất giận dữ với Tổng thống Bush vì cái chết của hàng nghìn người Iraq kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến năm 2003, trước đó đã từng một lần gây sự chú ý, khi anh bị những tay súng không rõ danh tính bắt cóc năm 2007.

Phóng viên truyền hình ít tên tuổi nói trên hiện đang bị tạm giữ kể từ ngày 14/12 do có “hành động thô lỗ”. Theo cố vấn truyền thông của Thủ tướng, ông Yasin Majeed, Al-Zeidi có thể phải ra hầu hoà vì đã vi phạm luật pháp.

 

Đài truyền hình al-Baghdadiya có trụ sở ở Cairo (Ai Cập) đã yêu cầu thả Muntazer Zeidi - một phóng viên của đài. Những người biểu tình ủng hộ anh hôm qua đã xuống đường tại thành phố Sadr thuộc Baghdad, nơi một đoàn hộ tống của Mỹ cũng bị “ăn” giày.

 

Lơ lửng số phận của phóng viên ném giày vào Tổng thống Bush  - 1

Báo chí Ảrập đưa tin về sự cố ném giày

 

“Hành động của Muntazer đã khiến người Iraq rất tự hào”, người anh trai Udai al-Zeidi nói. “Tôi chắc chắn nhiều người Iraq muốn làm điều mà Zeidi đã làm. Zeidi thường nói rằng tất cả những đứa trẻ mồ côi có cha bị giết là do ông Bush”.

 

Zeidi buông những lời lẽ nặng nề về phía Tổng thống Bush khi ông đang có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki trong chuyến công du chia tay Baghdad. Phóng viên này đã lột giày đang đi và ném 2 chiếc liên tiếp về phía ông Bush, buộc ông phải cúi người để tránh. Ném giày được coi là một hành động lăng mạ trong văn hoá của người Ảrập.

 

Ngay sau đó, Zeidi đã bị các nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp. Người ta vẫn nghe thấy tiếng anh hét lớn bên ngoài khi cuộc họp báo tiếp diễn bên trong.

 

Chính phủ Iraq nói rằng Zeidi đã có “hành động dã man và xấu xa”, không phù hợp với một phóng viên và yêu cầu lời xin lỗi chính thức từ đài truyền hình của anh. Trong khi đó, đài truyền hình Al-Baghdadiya liên tiếp phát đi bài hát chiến thắng, kèm theo đó là gương mặt của Zeidi xuất hiện trên màn hình.

 

Một phát thanh viên của đài đã đọc tyên bố kêu gọi thả Zeidi “phù hợp với thời đại dân chủ và sự tự do ngôn luận mà các nhà chức trách Mỹ đã hứa với người Iraq”. Al-Baghdadiya còn nói rằng, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Zeidi cũng là biểu hiện của chế độ độc tài.

 

“Đó là cú ném của thế kỷ. Tôi tin rằng hành động đó xứng đáng với ông Bush vì ông ấy đã không giữ lời hứa với người Iraq”, Abu Hussein, 48 tuổi, một người sinh sống tại Baghdad, nói.

 

Tại một trường đại học ở Baghdad, các sinh viên đã không ngừng thảo luận về Zeidi và pha ném giày của anh.

  

Lơ lửng số phận của phóng viên ném giày vào Tổng thống Bush  - 2

Muntazer al-Zeidi đã không giấu nổi sự tức giận trong cuộc họp báo đến nỗi anh đã tháo ngay đôi giày đang đi và ném về phía Tổng thống Bush

 

Quốc hội Iraq phản ứng trái ngược. Một số người nói rằng Zeidi đã chọn nhầm cách phản kháng. Những người khác tỏ ra vui mừng. “Chiếc giầy của Zeidi là chiếc giầy nổi tiếng nhất thế giới”, nghị sĩ Fawzi Akram nói.

 

Tại thành phố Sadr, vài nghìn người ủng hộ đã tổ chức một cuộc biểu tình chống ông Bush và yêu cầu thả phóng viên ngay lập tức. Những người ủng hộ Zeidi cũng tuần hành ở Basra, thành phố phía nam kiểm soát xuất khẩu dầu mỏ của Iraq. Tại Najaf, những người biểu tình đã ném giày vào một đoàn hộ tống của Mỹ đi ngang qua.

 

Zeidi, người Shiite, từng bị bịt mắt 2 ngày khi các tay súng có vũ trang bắt cóc anh trong lúc tác nghiệp hồi tháng 11/2007. Khi đó, Zeidi cho biết những kẻ bắt cóc đã đánh anh đến bất tỉnh và dùng cà vạt để bịt mắt anh. Nhưng Zeidi không biết danh tính của những kẻ bắt cóc, vốn chỉ vặn vẹo anh về chuyện công việc nhưng không đòi tiền chuộc.

 

Các đồng nghiệp của Zeidi cho hay anh tức giận với Tổng thống Bush, đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Mỹ vì tình trạng đổ máu đã bao trùm Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến.

 

VTH

Theo Reuters