1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lỗ hổng Ấn Độ có thể gặp phải trong cuộc chiến dập "sóng thần" Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã chỉ ra một lỗ hổng mà Ấn Độ có thể gặp phải trong nỗ lực chiến đấu với "cơn ác mộng" Covid-19.

Lỗ hổng Ấn Độ có thể gặp phải trong cuộc chiến dập sóng thần Covid-19 - 1

Người dân Ấn Độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ trong những ngày qua đang trải qua đợt bùng dịch thứ 2 nghiêm trọng khi liên tiếp trong 14 ngày đều ghi nhận trên 300.000 ca bệnh Covid-19/ngày. Vùng dịch lớn thứ 2 thế giới hiện có trên 21 triệu người mắc Covid-19 và số người thiệt mạng vì dịch đã vượt 230.000.

Tin tốt cho Ấn Độ là các vắc xin Covid-19 đang được tiêm chủng ở Ấn Độ đang hoạt động hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm, dễ lây lan.

Tuy nhiên, tin xấu chính là chúng không phải là những biến chủng duy nhất và điều này sẽ khiến tình hình dịch bệnh được dự đoán tiếp tục phức tạp trong thời gian tới. Giới khoa học bày tỏ lo ngại rằng, năng lực còn hạn chế của Ấn Độ trong việc phát hiện và truy dò các đột biến mới xuất hiện trong các đợt bùng dịch ở nước này có thể trở thành trở ngại đối với nỗ lực dập dịch ở quốc gia Nam Á. 

Chuyên gia William Haseltine, người đứng đầu tổ chức "Tiếp cận Y tế toàn cầu" (Mỹ), cho biết thế hệ thứ hai hoặc thậm chí thứ ba của biến chủng B.1.617 có thể đang lây lan ở Ấn Độ và một số chủng có thể có độc lực hoặc khả năng lây nhiễm mạnh hơn.

"Ấn Độ hiện có khả năng giải trình tự bộ gen nhưng nước này cần phải có một chương trình giám sát hàng loạt (với các biến chủng của SARS-CoV-2)", ông Haseltine nhận định.

Theo giới chuyên gia, tốc độ xuất hiện của nhiều biến chủng nguy hiểm mới đang có xu hướng vượt mặt tốc độ tiêm chủng tại nhiều nơi trên thế giới. Điều này đặt ra mối lo ngại về việc dịch Covid-19 chưa thể sớm khép lại.

Lỗ hổng Ấn Độ có thể gặp phải trong cuộc chiến dập sóng thần Covid-19 - 2

Dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn đang diễn biến phức tạp (Ảnh: Reuters).

Đợt bùng dịch thứ 2 ở Ấn Độ được xem có liên quan tới biến chủng B.1.617, virus sở hữu đột biến kép ở phần gai protein giúp mầm bệnh xâm nhập vào tế bào người. Một số chuyên gia nhận định rằng, B.1.617 có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng nguyên bản trước đó.

Giới khoa học cũng chỉ ra rằng, các vắc xin đang được tiêm chủng ở Ấn Độ như Covaxin hay Covidshield đều có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn chặn chủng virus trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý tới tầm quan trọng của việc "giám sát bộ gen virus", nhấn mạnh kỹ thuật này có thể giúp Ấn Độ dự đoán và phát hiện từ sớm nếu có các biến chủng nguy hiểm khác xuất hiện để ngăn chặn kịp thời một đợt bùng dịch kế tiếp. Kỹ thuật giám sát bộ gen này đã được ứng dụng tại Mỹ hay Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đang thực hiện để theo dõi diễn tiến của dịch bệnh.

Các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ hiện thiếu thiết bị để có thể giám sát hiệu quả sự biến đổi của các virus. Giới quan sát cảnh báo, điều này có thể đẩy Ấn Độ vào "điểm mù" trước diễn biến phức tạp của mầm bệnh.

Các mô hình dự báo 

Trong lúc Ấn Độ đang chống đỡ diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, một số nhà nghiên cứu sử dụng các mô hình đưa ra dự đoán về tình hình dịch của Ấn Độ.

Một nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Ấn Độ ở Bangalore đã sử dụng một mô hình toán học để dự đoán rằng, Ấn Độ có thể ghi nhận 404.000 ca tử vong vào ngày 11/6 nếu xu hướng dịch bệnh hiện tại tiếp tục diễn ra. 

Trong khi đó, một mô hình từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington (Mỹ) dự báo, nếu tình hình diễn biến nghiêm trọng, Ấn Độ có thể ghi nhận hơn 1 triệu người tử vong vì Covid-19 vào cuối tháng 7.

WHO hôm qua cho biết, trong tuần qua Ấn Độ chiếm tới 46% tổng số ca Covid-19 mới trên toàn cầu và 25% số người tử vong vì dịch trên thế giới. Các chuyên gia cảnh báo 4-6 tuần tới sẽ là thời điểm rất khó khăn với Ấn Độ.