1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lộ bằng chứng thủy thủ và quan chức Hàn Quốc do dự sơ tán hành khách

(Dân trí) - Một đoạn hội thoại được công bố hôm nay (20/4) cho thấy cả thủy thủ đoàn lẫn cảng vụ Jindo đã bối rối và lưỡng lự trước quyết định sơ tán hành khách khi phà bắt đầu nghiêng. Trong khi đó thuyền phó thứ ba từ chối lí giải vì sao bẻ lái quá mạnh.

Cho đến thời điểm này, số lượng nạn nhân được xác định tử nạn sau vụ chìm phà Sewol hôm thứ Tư tuần trước đã lên đến 58 người. Tuy nhiên nếu toàn bộ số người mất tích đều đã tử nạn bên trong chiếc phà này, con số thương vong có thể vượt 300 người.

30 phút sau khi liên lạc với đất liền, tàu Sewol mới phát lệnh di tản
30 phút sau khi liên lạc với đất liền, tàu Sewol mới phát lệnh di tản

Một đoạn băng ghi lại đối thoại giữa thủy thủ phà Sewol và Trung tâm dịch vụ giao thông tàu biển Jindo (VTS) cho thấy, trong vòng khoảng 30 phút sau khi phà nghiêng, một thủy thủ đã 3 lần hỏi liệu hành khách có được giải cứu hay không nếu họ rời bỏ tàu ngoài khơi bờ biển phía Nam Hàn Quốc.

Những câu hỏi này được đặt ra sau một loạt những khẳng định của thủy thủ trên tàu rằng, mọi người trên tàu thậm chí không thể di chuyển. Trong một đoạn đối thoại thủy thủ tàu còn nói “không thể đưa chỉ dẫn” tới hành khách.

Theo ghi nhận của các điều tra viên, phà Sewol đã duy trì liên lạc trong vòng 31 phút với VTS sau khi phát tín hiệu cấp cứu tới VTS trên đảo Jeju vào lúc 8 giờ 55. Ngay đầu cuộc liên lạc cảng vụ Jindo đã yêu cầu thủy thủ đoàn thực hiện các bước sơ tán khẩn cấp hành khách, nhưng thủy thủ đoàn không thực hiện biện pháp này.

Liên lạc bị cắt đứt lúc 9 giờ 37 phút và thủy thủ đoàn có vẻ như ngay lập tức thoát khỏi chiếc phà đang đắm, bỏ lại hàng trăm hành khách phía sau, các điều tra viên cho biết.

“Ngay cả khi không thể phát thông báo, hãy ra ngoài và cho các hành khách mặc áo phao và thêm quần áo”, một quan chức của VTS hối thúc vào thời điểm 9 giờ 24 phút, 29 phút sau tín hiệu cấp cứu.

“Nếu phà di tản hành khách, các ông có thể giải cứu họ không?” một thành viên thủy thủ đoàn không rõ danh tính hỏi. Đáp lại VTS nói: “Ít nhất hãy bảo họ mặc áo phao và đưa họ thoát ra”.

“Nếu phà này sơ tán hành khách, họ sẽ được giải cứu ngay lập tức chứ?” thủy thủ đoàn lại hỏi. Và câu trả lời từ VTS vẫn tương tự: “Đừng để họ thoát ra người không – ít nhất hãy cho họ mặc áo phao và đưa họ thoát ra ngoài”.

Số lượng thi thể được đưa lên đang tăng từng giờ
Số lượng thi thể được đưa lên đang tăng từng giờ

“Việc giải cứu sinh mạng từ phà Sewol…thuyền trưởng phải đưa ra quyết định của ông ấy và sơ tán họ. Chúng tôi không nắm rõ tình hình. Thuyền trưởng cần là người đưa ra quyết định cuối cùng, và quyết định liệu các anh có sơ tán hành khách hay không”.

“Tôi không nói về chuyện đó”, thủy thủ đoàn lại nói “Tôi hỏi, liệu họ sơ tán ngay bây giờ thì có được giải cứu ngay lập tức không?”

Nhân viên VTS sau đó nói rằng tàu tuần tra sẽ có mặt trong vòng 10 phút, nhưng không đề cập đến một tàu dân sự đã có mặt gần đó, và tàu này từng thông báo với VTS 10 phút trước đó rằng sẽ giải cứu bất kỳ ai nhảy khỏi phà.

Cuối cùng chỉ có 174 người được cứu sống. Thuyền trưởng ban đầu đề nghị hành khách ngồi lại trong phòng của họ, và phải hơn nửa giờ sau đó mới ra lệnh di tản, nhưng nhiều hành khách nói chưa bao giờ nghe thấy lệnh đó.

Người nhà nạn nhân đi bộ tới Seoul biểu tình

Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi các thợ lặn vào được bên trong chiếc phà, số người tử nạn được xác định đã tăng từ 33 lên 58 người.

Người nhà nạn nhân xô đẩy với cảnh sát sau khi có ý định lên Seoul biểu tình
Người nhà nạn nhân xô đẩy với cảnh sát sau khi có ý định lên Seoul biểu tình

Trong ngày 16/4, phà Sewol xuất phát từ Incheon tới Jeju mang theo 476 người, trong đó có 323 học sinh từ trường trung học Ansan. Hiện mới chỉ có 75 em được cứu sống. Ít nhất 23 em đã được xác định thiệt mạng. Một thủy thủ hải quân Hàn Quốc họ Cho, 21 tuổi, cũng đã hy sinh do các vết thương gặp phải hôm thứ Tư, trong lúc làm nhiệm vụ giải cứu hành khách.

Nhiệm vụ đau lòng là xác định danh tính các thi thể cũng khiến nhiều gia đình nạn nhân càng thêm tức giận với chính phủ. Thông tin về các thi thể được dán lên tường của một nhà thi đấu tại Jindo, nơi gia đình các nạn nhân đang chờ đợi, trong đó liệt kê các thông tin bao gồm giới tính, chiều cao, độ dài của tóc và trang phục...

Dù vậy chừng đó thông tin là quá ít. Lee Joung-hwa, bạn của một thành viên thủy thủ đoàn bị mất tích nói: “Giá mà họ có thể chụp ảnh khuôn mặt của thi thể. Làm sao có thể phân biệt ai vào ai chỉ bằng chiều cao và cân nặng”, Lee nói.

Một phụ nữ có người thân mất tích đã quát mắng các nhân viên chính phủ ngồi gần đó: “Tôi không thể sống thế này nữa! Tôi quá sốt ruột! Làm sao tôi có thể tin tưởng cảnh sát đây?”

Gia đình các nạn nhân cũng đã chặn ô tô của thủ tướng Hàn Quốc trong một chuyến thăm, và còn tìm cách rời đảo Jindo để diễu hành lên phủ Tổng thống tại Seoul, cách đó chừng 400km. Sau khi không thể đi bằng ô tô do bị ngăn cản, những người này đã đi bộ khoảng 6 tiếng trước khi khoảng 200 cảnh sát chặn họ lại. Xô đẩy đã xảy ra.

Công tố viên cấp cao Yang Jung-jin thì cho biết thuyền phó thứ ba đã từ chối cho các điều tra viên biết vì sao người này thực hiện cú bẻ lái gấp như vậy. Ông Yang cho biết nữ thuyền viên này “bị sang chấn tâm lý”, và ngất trong lúc thẩm vấn.

Thanh Tùng
Theo AP, Yonhap