1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lính Ukraine vượt sông Dnieper trong mưa bom, bão đạn: Giờ phút sinh tử

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Súng cối là thứ đầu tiên mà những người lính Ukraine phải đối mặt sau khi may mắn sống sót vượt qua sông Dnieper tới bờ trái do Nga kiểm soát.

Lính Ukraine vượt sông Dnieper trong mưa bom, bão đạn: Giờ phút sinh tử - 1

Binh sĩ Ukraine sơ tán thương binh trong một trận chiến khốc liệt (Ảnh: New Yorrk Times).

Những giờ phút sinh tử

Dù các đơn vị Ukraine có cố gắng âm thầm đến đâu họ vẫn dễ dàng bị quân Nga trấn giữ bờ đông phát hiện ra họ đang tiến tới. Máy bay không người lái (UAV) của Nga luôn tuần tra săn lùng, động cơ xuồng cao tốc ồn ào và rất ít điểm đổ quân thích hợp.

Một khi toán lính Ukraine bị phát hiện, người Nga sẽ đuổi theo bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) hoặc bắn đạn cối vào họ. Những người lính cho biết thi thể bị mất trên sông gần như không lấy lại được.

Vượt qua nó chỉ là sự khởi đầu. Di chuyển hàng trăm mét qua đầm lầy và vùng nước cao đến đầu gối mà không có sự yểm trợ của súng cối, pháo binh, xe tăng, UAV và máy bay, cũng đáng sợ không kém.

Lính Ukraine duy trì khoảng cách với nhau để ít nhất một người trong số họ sống sót và gọi điện sơ tán.

"Bom dẫn đường trên không KAB ít đáng sợ nhất vì bạn hiểu rằng nếu bị ném trúng bạn sẽ không cảm thấy gì", lính trinh sát Oleksandr, 25 tuổi, nói.

Tất cả những rủi ro này nhằm phục vụ cái mà các binh lính gọi là một hoạt động nhỏ, có tính rủi ro cao nhằm thăm dò các công sự của Nga trên bờ phía đông của con sông lớn nhất Ukraine, rộng khoảng 1km ở phần phía nam của nó, chảy qua vùng Kherson.

Quân đội Nga đã buộc phải rút khỏi phía tây Kherosn vào mùa thu năm 2022.

Theo những người lính và chỉ huy, sau gần nửa năm triển khai chiến dịch tấn công vào phía do Nga kiểm soát, Ukraine đã trấn giữ được một số đầu cầu mỏng và dài, dọc bờ sông với chiều rộng từ 2,5km hoặc chỉ 300-500m ở một số điểm.

Theo các binh sĩ, ngôi làng Krynki vốn đã bị phá hủy là nơi Ukraine đạt được nhiều thành công nhất, xâm nhập được sâu khoảng 2,5km tính từ bờ sông. Họ cần sự hỗ trợ của pháo binh và tên lửa tầm xa cũng như hệ thống phòng không mạnh mẽ để tiến xa hơn, nhưng những thứ này đang thiếu ở miền Nam.

Ngay cả việc giữ vững đầu cầu hiện tại cũng đòi hỏi người lính phải chấp nhận rủi ro rất lớn vì đạn, UAV, thuyền và các thiết bị đặc biệt như khí tài quan sát ảnh nhiệt đang bị thiếu trầm trọng. Nhiều người trong số họ gọi đó là hành động "tự sát".

Oleh, người điều khiển UAV 32 tuổi, quan sát các tuyến phòng thủ vững chắc của Nga từ bờ tây, nói: "Qua sông thực tế là không thể".

"Bạn sang bên kia (sông Dnieper), và sau đó thì sao? Họ (lính Ukraine) có thể làm gì? Bạn không thể tiến lên vì có người Nga trấn giữ, lùi cũng không xong vì dòng nước mênh mông chặn phía sau".

Việc củng cố bờ đông vô cùng phức tạp. Không có thời gian để đào hầm hào và việc đó chẳng có ý nghĩa gì vì bạn chỉ cần đào xuống nửa mét là nước bắt đầu lõng bõng.

Rõ ràng, bất kỳ bước đột phá nào ở bờ đông hiện nay đều không thực tế, đặc biệt khi thiếu vũ khí hạng nặng, nhiều binh lính và chỉ huy coi hoạt động này là sự cố gắng của Ukraine nhằm trấn an một số tiến bộ đối với các đồng minh phương Tây.

Quan sát sân khấu chính trị từ xa nhưng cái chết lại ở rất gần, những người lính nói rằng họ bị tổn thương khi mạng sống bị đe dọa bởi một "quyết định chính trị" với kỳ vọng đạt được một thành công mang tính biểu tượng trên chiến trường.

Trung sĩ Petro, 47 tuổi, người chỉ huy một trung đội tình báo vô tuyến gồm khoảng 20 người thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến độc lập 38 Ukraine, nói: "Mọi người đang phải hy sinh để giữ lấy đống đổ nát".

Sau khi cuộc phản công rất được mong đợi vào mùa hè năm 2023 không đạt được mục tiêu, các chính trị gia Ukraine và phương Tây đã sử dụng đầu cầu nhỏ này để gieo hy vọng cho các đồng minh của họ.

Nó trùng hợp với các cam kết viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 8-10/2023, chạm mức thấp nhất kể từ khi xung đột bắt đầu bùng nổ, với mức giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 11 tới, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak chia sẻ: "Bất chấp mọi khó khăn, Ukraine đã giành được chỗ đứng ở bờ trái (phía đông) của Dnieper".

Trong cuộc phỏng vấn với Kyiv Independent, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng đầu cầu ở bờ đông là một trong hai lý do khiến ông nghĩ rằng cuộc phản công của Ukraine không thất bại.

Ông Michel nói: "Những tiến bộ gần đây đạt được ở bờ trái (phía đông) của sông Dnieper là rất quan trọng".

Trung tướng về hưu Ben Hodges, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu cho biết, điều quan trọng về mặt chính trị và chiến lược đối với Ukraine là vẫn cố gắng giữ thế chủ động, ngay cả khi khả năng thành công trong một cuộc tấn công qua sông vô cùng thấp.

Michael Kofman, nhà phân tích quốc phòng và thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment, nói rằng hoạt động trên sông Dnieper có một số mục tiêu.

Ông nói: "Hoạt động này dường như cũng có mục tiêu chính trị, tạo cảm giác rằng Ukraine vẫn đang ở thế tấn công".

Lính Ukraine vượt sông Dnieper trong mưa bom, bão đạn: Giờ phút sinh tử - 2

Lính Ukraine ngồi trên một chiếc xuồng cao tốc trước khi vượt sông Dnieper tại vùng Kherson ngày 14/9/2023 (Ảnh: Getty).

Thiệt hại về người

Petro vẫn còn nhớ cảm giác rùng mình khi nhìn thấy hai thi thể trên kính ngắm ảnh nhiệt, ngay sau một cuộc tấn công bằng súng cối của Nga.

Suốt buổi tối một ngày cuối tháng 10, từ một căn cứ gần Kherson, qua UAV, Petro hồi hộp quan sát chuyến triển khai đầu tiên qua sông.

Nhóm 11 người bị trúng đạn cối ngay sau khi đổ bộ. Theo Petro, thường phải mất vài phút để trinh sát Nga chuyển tới các đơn vị súng cối về tọa độ nơi các xuồng Ukraine đổ bộ.

Hai người mới đến ở độ tuổi 20 đã thiệt mạng và một người bị thương.

Điều đau đớn nhất là nhìn thấy mọi thứ từ xa mà không thể giúp đỡ, Petro nói.

Khi cuộc pháo kích dừng lại, Petro và ba người khác sơ tán những người thiệt mạng trong chiến đấu (KIA). Người chết khó mang hơn người sống.

"Với mã số 200 (mã quân sự với người thiệt mạng), mọi việc luôn phức tạp hơn", người lính kỳ cựu Petro nói, nhớ lại cách họ sơ tán các tử sĩ bằng cáng di động. "Khi còn mới 200, anh ấy rất mềm và dễ sụp xuống".

"(Một người lính đã chết) không giúp được gì cho bạn. Nhưng mã 300 (mã quân sự dành cho người bị thương), anh ấy giữ tay bạn và bạn có thể dìu hoặc bế anh ấy".

Kể từ khi được điều động về phía nam vào mùa thu năm nay sau một cuộc phản công trên trục Velyka Novosilka ở Donetsk mà hầu như không có bất kỳ sự gián đoạn nào, thủy quân lục chiến Ukraine, bao gồm Lữ đoàn thủy quân lục chiến độc lập số 35 kỳ cựu và các đơn vị mới thành lập, đã phải chịu tổn thất nặng nề.

Chẳng hạn, một trung đội trinh sát gồm 30 người của đại đội Petro đã biến mất trong tháng đầu tiên, anh nói và cho biết thêm, chỉ có hai người trong trung đội còn hoạt động tính đến cuối tháng 11 và đa phần những người khác đã thiệt mạng trong nhiệm vụ.

Petro, người đã dành gần 10 năm qua chiến đấu ở những điểm nóng nhất của cuộc xung đột, cho biết: "Tôi gần như đạt đến giới hạn, không còn sức lực (để tiếp tục cảm xúc)... Cảm xúc chồng chất, và sẽ có lúc nó trào dâng. Thành thật mà nói, tôi sợ điều này".

Đối với Petro, không có gì đáng sợ hơn việc tưởng tượng bao nhiêu người nữa có thể bị thiệt mạng khi hoạt động tiếp tục kéo dài.

"Họ sẽ không từ bỏ mục tiêu"

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc Ukraine giữ vững đầu cầu bằng mọi giá vẫn có ý nghĩa.

Tướng Hodges cho biết tầm quan trọng chiến lược của đầu cầu sẽ phụ thuộc vào những gì Ukraine có thể làm với nó.

Một số mục tiêu khả thi trong hoạt động của Ukraine ở bờ đông có thể bao gồm việc đưa các loại vũ khí tầm xa như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) đến gần hơn để chúng tấn công Crimea hoặc thu hút quân Nga từ một mặt trận khác.

Dù bằng cách nào, điều quan trọng là phải tiếp tục gây áp lực lên các lực lượng Nga, theo ông Hodges.

Kể từ khi rút khỏi bờ Tây vào tháng 11 năm ngoái, quân Nga đã tấn công mạnh mẽ vào Kherson và các vùng lân cận bằng các cuộc không kích, máy bay không người lái, pháo binh và xe tăng.

Lính Ukraine ước tính rằng họ cần phải đẩy quân Nga ra xa con sông từ 10 đến 12km nhằm giảm bớt pháo kích và xây dựng một thứ mà họ gọi chính xác là "đầu cầu".

Theo học thuyết quân sự, điều quan trọng là sử dụng phòng không để bảo vệ xuồng, thuyền và cầu phao, đồng thời "xây dựng sức mạnh ở phía bên kia nhanh nhất có thể để ngăn chặn đối phương phản ứng hoặc tấn công khi bạn đang rất dễ bị tổn thương", theo ông Hodges.

Với những gì lính Ukraine mô tả là nguồn nhân lực và vũ khí dường như vô tận của Nga, không rõ tại sao đối phương vẫn chưa thể chiếm lại chỗ đứng mỏng manh này ở bờ đông.

Tướng Hodges nói: "Nga không thể phản ứng (vì họ cần ưu tiên dự trữ đạn dược của mình trên các mặt trận khác), hoặc họ chưa coi đây là mối đe dọa cần phải loại bỏ".

Theo cựu đại tá Ukraine và nhà phân tích quân sự Serhiy Hrabskyi, cho đến khi các quốc gia phương Tây cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho một cuộc tấn công ở bờ đông, Ukraine sẽ phải chờ đợi, ngay cả khi phải trả giá đắt.

Ông cho biết mục tiêu hiện tại dường như là nhằm thu hút nguồn cung cấp và nhân lực của Nga từ các mặt trận khác. Ukraine không có đủ nguồn lực cho một cuộc tấn công quy mô lớn qua sông.

Đại tá Hrabskyi nói: "Bất kỳ cuộc tấn công nào ở bờ trái (phía đông) chỉ có thể xảy ra khi chúng tôi có đủ quân số và nguồn lực ở khu vực này", đồng thời nhấn mạnh rằng, hoạt động này vẫn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược để đẩy quân Nga ra xa bờ phía tây, bảo vệ thường dân.

Hiện tại, binh sĩ Ukraine được triển khai ở mặt trận cho biết họ chủ yếu ở thế phòng thủ, cố gắng giữ vững những gì đã đạt được.

Không có tiến bộ nào ở một số khu vực dọc sông vì về mặt vật lý, không thể có được chỗ đứng trên đầm lầy và các vị trí cày xới.

Lính Ukraine vượt sông Dnieper trong mưa bom, bão đạn: Giờ phút sinh tử - 3

Binh sĩ Ukraine sử dụng xuồng cao tốc hoạt động trên sông Dnieper tại vùng Kherson ngày 14/9/2023 (Ảnh: Getty).

"Chúng tôi sắp bị mất sạch quân"

Chiến dịch tốn kém này đã bắt đầu khoảng một năm trước, khi binh sĩ Ukraine nói rằng họ đã đổ bộ lên các cù lao nằm giữa bờ tây và bờ đông vào tháng 2/2023.

Mô tả các nhiệm vụ khi đó là "các cuộc đột kích", những người lính cho biết họ biết rất ít thông tin về nơi họ sẽ đến và công việc của họ là tìm hiểu trên đường đi.

Oleksandr, 23 tuổi, khi đó đang làm lính trinh sát, nhớ lại khả năng liên lạc và hậu cần kém ngay cả khi trận chiến giành những cù lao này vẫn tiếp tục.

Lần cuối cùng anh thực hiện nhiệm vụ vượt sông vào tháng 3, Oleksandr cho biết nhóm của anh đã bị tấn công bằng UAV, nhưng họ phải trực tiếp làm nhiệm vụ thêm 5 ngày nữa mặc dù bị chấn động nặng.

Sau đó là trận lũ lụt vào tháng 6 khi một con đập lớn ở phía nam bị vỡ khiến cả hai bên phải rút lui, nhưng lính Ukraine cho biết họ đã nhanh chóng đổ bộ lên bờ đông, gần cầu Antonov. Trong suốt mùa hè, giao tranh dữ dội diễn ra ác liệt gần cây cầu, bị phá hủy khi quân Nga rút lui khỏi bờ tây.

Cuộc giao tranh gần cây cầu kết thúc trong những tháng tới bởi dưới thời tiết lạnh giá, các binh sĩ cho biết họ không mong đợi chiến tuyến sẽ có nhiều thay đổi.

Sau nhiều tháng xâm nhập vào bờ phía đông và chứng kiến đồng đội của mình thiệt mạng, những người lính lo sợ về những gì đang chờ đợi họ, và điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với nỗ lực chiến tranh nói chung.

"Chúng tôi vừa bị mất quân", Petro nói. "Chúng tôi có thể hết sạch người… ở mọi nơi".

Theo Kyiv Indpendent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine