Lính Triều Tiên bị Ukraine bắt giữ muốn sang Hàn Quốc
(Dân trí) - Tháng 1 năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng tải một đoạn clip cho thấy 2 binh lính Triều Tiên đã bị phía Kiev bắt giữ trong quá trình giao tranh ở khu vực Kursk của Nga.

Binh lính Triều Tiên tham gia huấn luyện tác chiến đổ bộ đường không (Ảnh: Reuters).
Theo báo Chosun Ilbo, một trong hai người lính Triều Tiên bị quân đội Ukraine bắt giữ đã bày tỏ mong muốn được đến Hàn Quốc.
Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là trường hợp đầu tiên một tù nhân Triều Tiên lên tiếng về ý định đào tẩu sang Hàn Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Chosun Ilbo, binh sĩ Triều Tiên được xác định với danh xưng là Ri cho biết, khi nhận nhiệm vụ anh ta chỉ được thông báo sẽ đến Nga để tham gia khóa đào tạo như một sinh viên nước ngoài.
"Tôi đã quyết định 80%. Tôi sẽ tìm nơi tị nạn và đang nghĩ tới việc đến Hàn Quốc. Nếu tôi nộp đơn xin tị nạn, liệu họ có chấp nhận tôi không?", binh sĩ Ri nói khi được hỏi về kế hoạch tương lai của mình.
Binh sĩ Ri là một trong hai lính Triều Tiên bị thương và bị lực lượng Ukraine bắt giữ hồi tháng trước trong cuộc giao tranh ở khu vực Kursk của Nga.
Tháng 1 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã đăng tải một đoạn clip cho thấy 2 lính Triều Tiên đã bị phía Kiev bắt giữ.
Đây là lần đầu tiên một người lính Triều Tiên bị Ukraine bắt giữ bày tỏ ý định đào tẩu sang Hàn Quốc. Theo tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã cử khoảng 11.000 quân nhân đến hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Thỏa thuận này đạt được sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước quốc phòng song phương nâng quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện.
Binh sĩ Ri sinh năm 1999 và từng là lính bắn tỉa thuộc Tổng cục Trinh sát, cơ quan tình báo của Triều Tiên. Người này đã bị thương nặng ở quai hàm và cánh tay, hậu quả từ các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh của Ukraine.
Hiện chưa rõ liệu chính phủ Hàn Quốc có tham vấn với Ukraine về vấn đề đào tẩu của binh sĩ Ri hay không.
Cũng chưa biết quá trình đưa những tù nhân Triều Tiên như vậy đến Hàn Quốc có diễn ra suôn sẻ hay không vì Công ước Geneva về Tù nhân Chiến tranh (POW) quy định, tù nhân chiến tranh sẽ được thả và hồi hương không chậm trễ sau khi chấm dứt các hoạt động thù địch.
Bình Nhưỡng không công khai thừa nhận vai trò trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng Tổng thống Putin vào tháng 10/2024 không phủ nhận việc các lực lượng Triều Tiên đã tới Nga.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Jong-gyu cũng nói rằng, bất cứ hoạt động triển khai nào như vậy đều vẫn phù hợp với luật pháp quốc tế.