1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Le Monde:

Liên minh Nga - Mỹ cùng tháo ngòi nổ Syria, tại sao không?

(Dân trí) - Câu hỏi trên được nhà báo Renaud Girard, tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Đông nêu ra trong bài viết có tựa đề "Cần giúp đỡ Nga tại Syria", đăng trên nhật báo Pháp Le Monde ngày 15/9.


 

Cảnh đổ nát tại Kobane, miền bắc Syria sau các cuộc giao tranh với lực lượng PKK. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Cảnh đổ nát tại Kobane, miền bắc Syria sau các cuộc giao tranh với lực lượng PKK. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo ông Girard, tại Syria đã từ lâu Nga vẫn duy trì căn cứ quân sự ở Tartous và nay đang giúp đỡ quân đội Syria vốn đang trong thế bị tấn công tứ bề, từ cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lẫn từ lực lượng nổi dậy được Mỹ và phương Tây hỗ trợ.

Dịp tưởng niệm lần thứ 14 các nạn nhân vụ khủng bố New York hôm 11/09/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Nga tăng cường hỗ trợ hậu cần và quân sự cho chế độ của Tổng thống Syria Bachar al-Assad. Ông Obama khuyến cáo Nga: “nên thông minh” hơn trong chiến lược Trung Đông.

Nhà báo Girard đặt ra loạt câu hỏi phản biện: Phải chăng từ sau thế chiến 2 đến nay, chính sách về Trung Đông của Mỹ đã thành công và thể hiện “thông minh”? Trung Đông liệu có phải là khu vực thể hiện tinh thần bài Mỹ mạnh nhất? Phải chăng qua các cuộc can thiệp không đúng lúc, chính Mỹ đã đẩy khu vực này chìm vào cảnh đổ máu và khói lửa chiến tranh từ nhiều thập niên qua?...

Cũng theo ông Girard, thay vì chỉ trích, Mỹ nên cùng Nga tìm biện pháp tháo gỡ mớ bòng bong Syria bởi Nga hiểu rõ Syria hơn nhờ mối quan hệ hợp tác Moskva - Damas đã có từ gần nửa thế kỷ qua. Thời gian gần đây Moskva cũng đã khuyến cáo Damas giảm bớt quyền lực của tổng thống, ủng hộ một chính phủ đoàn kết dân tộc bao gồm mọi thành phần (ngoại trừ các đối tượng khủng bố, Hồi giáo cực đoan).

Ông Girard nêu 1 dẫn chứng cụ thể. Đó là vào năm 1942, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã đưa ra một quyết định chiến lược: cung cấp vũ khí giúp Liên Xô chống phát xít. Trước hiểm họa cực kỳ nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít, liên minh khi đó rõ ràng là rất cần thiết. Tình hình hiện nay tại Syria được cho là cũng tương tự, với mối hiểm họa IS đe dọa ngày càng bạo ngược hơn.

“Do vậy về mặt lịch sử và địa chính trị, thật là phi lý khi phương Tây và Nga không liên minh, liên kết với nhau để đối phó với hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng IS” - nhà báo Renaud Girard nhấn mạnh.

Quý Cao (theo Le Monde)

Liên minh Nga - Mỹ cùng tháo ngòi nổ Syria, tại sao không? - 2