1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lệnh bắt Tổng thống Putin của ICC làm khó Nam Phi

Minh Phương

(Dân trí) - Nam Phi tiến thoái lưỡng nan khi các lãnh đạo nhóm BRICS, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến đến nước này dự hội nghị trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ ông Putin.

Lệnh bắt Tổng thống Putin của ICC làm khó Nam Phi - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc hội đàm hồi tháng 6 (Ảnh: RIA).

Nam Phi là một trong những nước đã ký vào Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Nghĩa là, Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Putin khi ông đến Johannesburg dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào 22-24/8 tới theo lệnh của ICC.

Nam Phi đã miễn trừ ngoại giao cho tất cả các lãnh đạo dự hội nghị. Do đó, ông Putin có thể không bị bắt nếu đến Johannesburg theo kế hoạch. Giới chức Nam Phi và Nga hiện chưa khẳng định liệu ông Putin có dự cuộc họp trực tiếp này không.

Mặc dù vậy, Nam Phi vẫn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

"Chúng tôi đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tất nhiên, chúng tôi không thể bắt ông ấy bởi điều đó giống mời bạn đến nhà rồi bắt họ", Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile cho biết hôm 14/7.

Trước đó, Pravda dẫn lời Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile cho biết, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã đề nghị phái đoàn Nga dự hội nghị do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu thay vì Tổng thống Putin. Tuy nhiên, đề xuất đã bị bác bỏ.

Nam Phi được cho là cũng đã đề nghị dời địa điểm họp đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rõ rằng: "Bắc Kinh ủng hộ Nam Phi với vai trò chủ tịch luân phiên, sẽ tổ chức thành công các hoạt động hợp tác của BRICS trong năm nay". Ngoài ra, Ấn Độ và Brazil cũng phản đối việc thay đổi địa điểm.

Paul Nantulya, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược về châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Washington, việc di dời địa điểm tổ chức đến Trung Quốc là "thách thức hậu cần rất lớn" ở thời điểm này.

Theo ông, một lựa chọn khác của Nam Phi là vẫn tổ chức sự kiện theo đúng kế hoạch và đối mặt với những hậu quả sau đó. Ông nói rằng cách tiếp cận đó được một số thành viên cấp cao của đảng cầm quyền Nam Phi ủng hộ để tránh cho nước này có vẻ như chịu khuất phục trước áp lực của phương Tây. Ông Nantulya nhận định thêm, Trung Quốc có thể hỗ trợ về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao cho Nam Phi.

Hiện chưa rõ ông Putin có quyết định đến Nam Phi hay không, song giới quan sát tin rằng khả năng này rất thấp. Họ cũng nhận định, Nam Phi sẽ không bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC.

"Nam Phi là nước nhỏ nhất trong BRICS và họ không muốn làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết của BRICS ở thời điểm họ có cơ hội đầu tiên để gắn kết và tư cách thành viên lớn hơn", Francois Vrey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quản trị tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) nói.

ICC ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Về lý thuyết, 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu Tổng thống Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước này. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau. Nam Phi nhiều lần phát tín hiệu họ sẽ không bắt giữ người đứng đầu chính phủ Nga.

Theo SCMP, Moscow Times, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine