1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lãnh đạo thế giới hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah, vốn có hiệu lực vào sáng 27/11, xem đây là bước tiến quan trọng giúp khôi phục hòa bình và ổn định cho Trung Đông.

Lãnh đạo thế giới hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah - 1

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ sáng 27/11 (Ảnh: Reuters).

Từ 4h ngày 27/11 giờ địa phương (9h Việt Nam), một lệnh ngừng bắn giữa Israel và nhóm Hezbollah tại Li Băng đã chính thức có hiệu lực. Lệnh ngừng bắn được thiết lập sau khi cả hai bên chấp thuận thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian, mở đường cho việc chấm dứt xung đột xuyên biên giới vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Phản ứng trước lệnh ngừng bắn mới nhất này, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lên tiếng hoan nghênh đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp chấm dứt bạo lực trong suốt thời gian qua.

"Hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp chấm dứt bạo lực, sự tàn phá và đau khổ mà cả người dân Li Băng và Israel đang phải hứng chịu", Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh trong một tuyên bố. Ông đồng thời kêu gọi các bên khẩn trương thực hiện các bước nhằm triển khai đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc từng chấm dứt vòng xung đột đẫm máu giữa Israel và phong trào Hamas vào năm 2006.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận ngừng bắn là "tin tức rất đáng khích lệ".

Tổng thống Joe Biden của Mỹ, quốc gia đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy thỏa thuận, khẳng định đây là bước đi cần thiết để mang lại ổn định cho khu vực, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Li Băng sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn Hezbollah tái lập hạ tầng quân sự.

"Mỹ, với sự hỗ trợ toàn diện của Pháp và các đồng minh khác, đã cam kết hợp tác với Israel và Li Băng để đảm bảo rằng thỏa thuận này được thực thi đầy đủ và toàn diện... Chúng tôi, cùng với Pháp và các nước khác, sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng thỏa thuận ngừng bắn được thực thi đầy đủ và hiệu quả", Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm nói.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn lần này sẽ bảo vệ Israel khỏi mối đe dọa từ nhóm quân sự Hezbollah ở Li Băng và tạo điều kiện cho một "sự bình yên lâu dài".

Tổng thống Macron còn hy vọng rằng, lệnh ngừng bắn ở Li Băng sẽ "mở đường" cho việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza. "Thỏa thuận này không nên khiến chúng ta quên đi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Gaza, nơi Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực chấm dứt các hành động thù địch, giải thoát các con tin và đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến với quy mô lớn và tất nhiên là một giải pháp chính trị công bằng và lâu dài thông qua giải pháp hai nhà nước", ông Macron nói thêm.

"Thông báo hôm nay sẽ chấm dứt giao tranh ở Li Băng và bảo vệ Israel khỏi mối đe dọa từ Hezbollah và các nhóm quân sự khác hoạt động ở Li Băng", cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp cho biết trong một tuyên bố chung.

Từ Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảm ơn Tổng thống Biden vì "vai trò tham gia tích cực của ông trong việc đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn".

Thủ tướng Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, trong đó nói rằng, ông đánh giá cao "sự thấu hiểu của nhà lãnh đạo Mỹ về việc Israel sẽ duy trì quyền tự do hành động khi thực thi thỏa thuận", theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Netanyahu.

Trước khi Israel chấp thuận thỏa thuận, Thủ tướng Netanyahu cho biết "thời gian ngừng bắn phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Li Băng" và lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Tel Aviv "tăng cường" áp lực lên Hamas và tập trung vào "mối đe dọa từ Iran".

Thủ tướng Li Băng Najib Mikati lên tiếng khẳng định, lệnh ngừng bắn là "bước cơ bản" hướng tới việc khôi phục sự ổn định trong khu vực. Trong khi cảm ơn vai trò của Pháp và Mỹ, Thủ tướng Mikati nhắc lại cam kết của chính phủ của ông trong việc "tăng cường sự hiện diện của quân đội ở phía nam".

Iran, quốc gia ủng hộ cả Hezbollah và Hamas, lên tiếng hoan nghênh việc chấm dứt hành động của Israel ở Li Băng, sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tehran đồng thời nhấn mạnh "sự ủng hộ vững chắc của Iran đối với chính phủ, quốc gia và các lực lượng quân sự ở Li Băng".

Nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Anh, Đức, Thụy Điển, Hà Lan... cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn được thực thi như một bước quan trọng hướng tới hòa bình.  

"Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc xoa dịu căng thẳng và đạt được hòa bình, đồng thời hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mà các bên liên quan đã đạt được", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm