Lãnh đạo Pháp - Australia lần đầu điện đàm sau khủng hoảng tàu ngầm
(Dân trí) - Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Australia Morrison đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên kể từ khi bùng nổ căng thẳng quanh thỏa thuận AUKUS, với việc Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm lịch sử với Paris.
BBC đưa tin, cuộc điện đàm diễn ra vào ngày 28/10, trong đó Tổng thống Emmanuel Macron đã nói với Thủ tướng Scott Morrison rằng, cuộc khủng hoảng hồi tháng trước "đã phá vỡ mối quan hệ tin cậy giữa hai nước chúng ta".
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Morrison, hai nhà lãnh đạo đã có "một cuộc thảo luận thẳng thắn" về mối quan hệ song phương. Tuyên bố cũng nói rằng Thủ tướng Morrison "rất vui khi được trò chuyện với Tổng thống Macron".
Trong khi đó, tuyên bố của văn phòng chính phủ Pháp cho biết, sau cuộc điện đàm ngày 28/10, Tổng thống Macron đã nhắc lại quyết định của Canberra hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của Pháp để quay sang tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, nói rằng quyết định này đã làm xấu đi mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ông Macron nêu rõ: "Giờ đây, chính phủ Australia cần đề xuất các hành động cụ thể nhằm thể hiện thiện chí trong việc xác định lại các cơ sở hàn gắn mối quan hệ này".
Paris thật sự rất nổi giận sau khi Canberra bất ngờ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm lịch sử trị giá hàng tỷ USD để đổi lại mua 12 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh theo thỏa thuận AKUS.
Thỏa thuận AUKUS khiến Pháp giận dữ tới mức Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng". Pháp cũng phản ứng mạnh mẽ với quyết định triệu hồi đại sứ tại Australia và Mỹ về nước để bày tỏ sự phản đối.
Paris cũng đang yêu cầu phía Canberra bồi thường thiệt hại tài chính.
Thỏa thuận AUKUS, được xem là một nỗ lực nhằm chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, sẽ cho phép Australia lần đầu tiên đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ do Mỹ cung cấp. Thỏa thuận cũng sẽ liên quan tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác.