DNews

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sử dụng một khu vực chiến lược mà cả Washington và Nga cùng quan tâm để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin đàm phán về chiến sự Ukraine.

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine

Kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử, lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử về việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine dường như ngày càng xa vời khi căng thẳng ngày càng leo thang giữa các bên.

Theo giới quan sát, rất khó tưởng tượng rằng việc Mỹ gửi thêm vũ khí đến Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ thành công trong việc đạt được hòa bình.

Quân đội Nga vẫn tiếp tục đà tiến không quá nhanh nhưng chắc chắn trên tiền tuyến, vì vậy ông Putin có thể tin rằng nước này nên thúc đẩy một chiến thắng quân sự toàn diện hơn và bác bỏ bất kỳ đề nghị hòa bình ngắn hạn nào từ phương Tây.

Vì vậy, theo Responsible Statecraft, Nga cần có một thỏa thuận có lợi cho họ để họ có thể chấp nhận nhượng bộ cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Nếu ông Trump và phương Tây quá cứng rắn với Nga, hoặc gia tăng áp lực, điều này cũng có thể khó làm ông Putin lay chuyển.

Theo chuyên gia, ông Trump và phương Tây có thể sử dụng Bắc Cực như một lá bài để thu hút sự quan tâm của ông Putin. Một phương án như vậy cũng có thể rất hấp dẫn với ông Trump, người điều hành đất nước với tư duy như một doanh nhân và mong muốn các thỏa thuận có lợi cho Mỹ.

Cạnh tranh nóng dần lên ở Bắc Cực

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine - 1

Bắc Cực đang trở thành cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn (Đồ họa: News.com.au).

Trong những năm qua, NATO và khối phương Tây nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về hoạt động hợp tác ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.

Nga, nước có phần đất liền phía đông chỉ cách bờ biển Alaska 88km qua eo biển Bering, trong nhiều năm đã ưu tiên mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực bằng cách sửa chữa lại các sân bay, xây thêm căn cứ, huấn luyện quân đội và phát triển mạng lưới hệ thống phòng thủ quân sự ở biên giới phía bắc.

Trong nhiều thế kỷ, vùng biển rộng lớn ở ngoài khơi Bắc Cực phần lớn là vùng đất không có người ở, bị bao phủ trong băng giá, mà vấn đề phân chia ranh giới chính xác giữa Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland vẫn chưa được giải quyết.

Với khí hậu ấm lên, băng trong khu vực đang thu hẹp lại, các nguồn cá có giá trị đang di chuyển về phía bắc, trong khi các khoáng sản quý hiếm và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kể của Bắc Cực đang trở thành mục tiêu thăm dò ngày càng tăng.

Băng biển tan chảy đã mở ra những con đường vận chuyển mới và khi các quốc gia chú ý đến trữ lượng hydrocacbon dưới đáy biển Bắc Cực, các tranh chấp tiềm tàng đã manh nha hình thành.

Nga đã nói rõ rằng họ có ý định kiểm soát Tuyến đường Biển phương Bắc ngoài khơi bờ biển phía Bắc, một tuyến đường rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Âu. Mỹ cáo buộc Nga đang yêu cầu các quốc gia khác phải xin phép khi đi qua khu vực này và cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự với các tàu không tuân thủ.

NATO cho rằng, năng lực của Nga ở Bắc Cực là "thách thức chiến lược cho toàn bộ liên minh". Khối liên minh cho rằng, Nga gia tăng hoạt động xây dựng quân sự ở khu vực này, bao gồm mở "hàng trăm cơ sở quân sự ở Bắc Cực" và "thử nghiệm các loại vũ khí tiên tiến nhất bao gồm tên lửa siêu vượt âm".

Trong khi Trung Quốc không liên quan tới các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, nước này đã bày tỏ rõ ràng sự quan tâm tới các lợi ích kinh tế tại đây. Trung Quốc đã đề xuất hợp tác với Nga trong dự án "Con đường Tơ lụa trên băng" nhằm kết nối với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Bắc Kinh đang triển khai để nối tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu.

Tuyến đường vận tải qua Bắc Cực có thể cắt giảm 30% thời gian so với các tuyến đường hiện tại từ Ấn Độ Dương đi qua kênh đào Suez.

NATO cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận Bắc Cực để vận chuyển và thăm dò tài nguyên, với kế hoạch xây dựng hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới. Điều này thách thức các lợi ích của phương Tây tại khu vực.

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine - 2

Tàu phá băng hạt nhân Chukotka của Nga (Ảnh: Reuters).

Việc ông Putin tham dự lễ ra mắt tàu phá băng hạt nhân Chukotka vào tháng 11 đã ít được chú ý ở phương Tây nhưng lại thể hiện sự tập trung của Tổng thống Nga vào việc phát triển khu vực Bắc Cực.

Con tàu này được cho là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới, dài 173m, nặng 33.500 tấn, với hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp 350 megawatt điện năng, cho phép nó phá vỡ lớp băng dày gần 3m.

Những con tàu như vậy không rẻ, và Chukotka được định giá khoảng nửa tỷ USD.

Chukotka là chiếc thứ 4 trong loạt tàu phá băng hạt nhân của Nga, với một tàu cùng loại là Yakutia cũng đang gần hoàn thiện và một tàu khác sẽ được đóng vào năm 2025. Vào tháng 10, một dòng tàu phá băng hạt nhân uy lực hơn đã được bật đèn xanh để sản xuất tại một xưởng đóng tàu gần Vladivostok, với chi phí 1 tỷ USD, một con số khổng lồ trong bối cảnh nền kinh tế Nga hiện nay đang gặp thách thức.

Đích đến của các tàu phá băng là Tuyến Hàng hải Phương Bắc (NSR), một tuyến vận tải biển chạy về phía bắc Nga và kết nối Tây Âu với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm nay, nhiều kỷ lục mới đã được thiết lập trên NSR, bao gồm tàu container lớn nhất từng đi qua tuyến này vào tháng 9 và lượng dầu được vận chuyển nhiều nhất.

Đối với nhà lãnh đạo Nga đang đối mặt với cả khó khăn chính trị và kinh tế, Bắc Cực luôn là ưu tiên hàng đầu vì khu vực này chiếm khoảng 10% GDP và 20% kim ngạch xuất khẩu của Nga.

Nga đang đặt mục tiêu tăng lượng xuất khẩu tài nguyên qua NSR gấp 6 hoặc 7 lần lên 200 triệu tấn trong 5 năm tới. Theo một báo cáo giữa năm 2024, "Nga chắc chắn có đủ tài nguyên ở Bắc Cực để thúc đẩy sự mở rộng xuất khẩu khổng lồ này".

"Lá bài" đàm phán Bắc Cực

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine - 3

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận "Cold Response" ở Bắc Cực (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Tuy nhiên, tham vọng của Điện Kremlin tại Bắc Cực không chỉ dừng lại ở dầu mỏ và khí đốt. Như mọi nhà lãnh đạo Nga đều hiểu, tăng trưởng kinh tế của nước này luôn bị kìm hãm bởi thực tế đơn giản rằng hầu hết các con sông lớn của Nga, như sông Ob, Yenisei, và Lena, đều chảy về phía bắc vào Bắc Cực.

Do đó, một NSR hoạt động hiệu quả với khả năng đi lại quanh năm chính là chìa khóa mở ra sự phát triển lớn trong nội địa giàu tài nguyên của Nga và rộng hơn là vùng Siberia.

Ông Putin hiểu rõ rằng việc sản xuất xe tăng và tên lửa không tự nó làm cho Nga trở nên mạnh mẽ và thịnh vượng trong tương lai, nhưng dự án khổng lồ ở Bắc Cực có thể mở ra cơ hội đó.

Trung Quốc cũng đã chấp nhận NSR thông qua "Con đường Tơ lụa Bắc Cực" và tìm cách hợp tác chặt chẽ với Điện Kremlin tại khu vực Bắc Cực. Một phân tích của Trung Quốc năm 2024 cho rằng Bắc Kinh nên đảm bảo rằng các tập đoàn Trung Quốc và Nga đầu tư vào hành lang vận tải Bắc Cực đều có lãi.

Lá bài có thể giúp ông Trump thu hút ông Putin tới bàn đàm phán về Ukraine - 4

Tuyến Hàng hải Phương Bắc (NSR) (Ảnh: TC).

Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc và Nga đều nhận thức rằng tuyến đường Bắc Cực sẽ khó đạt được tiềm năng thực sự nếu không có sự hợp tác của phương Tây.

Đây là lý do tại sao việc tập trung vào Bắc Cực có thể có ảnh hưởng lớn nhất trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực từ lâu vẫn được coi là một trong những lợi ích về địa kinh tế mà Điện Kremlin đánh giá ngang tầm với Ukraine.

Chắc chắn, Trung Quốc sẽ mạnh mẽ ủng hộ kế hoạch này. Ngoài ra, một số quốc gia khác có lợi ích trong khu vực, hiện có quan hệ lạnh nhạt với Nga, ví dụ Canada, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển ở phương Tây, hoặc Hàn Quốc và Nhật Bản ở phương Đông cũng có thể hưởng lợi từ NSR, với tiềm năng làm dịu căng thẳng toàn cầu trên khắp Âu-Á.

Một số khu vực của Mỹ cũng có thể hưởng lợi về kinh tế, bao gồm Alaska, rõ ràng nhất, nhưng cả các cảng phía bắc như Seattle và thậm chí cả Boston. Các nước phương Tây tham gia vào NSR cũng sẽ giúp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tốt hơn.

Để thỏa thuận này mang lại kết quả ý nghĩa, Mỹ cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp dụng đối với các dự án NSR. Họ cũng nên tạo điều kiện để các công ty vận tải biển lớn của châu Âu như Hapag Lloyd và Maersk chấp thuận tuyến đường này.

Những bước đi này có thể là đủ, nhưng Mỹ và châu Âu cũng có thể thêm động lực bằng cách khuyến khích và thậm chí hỗ trợ đầu tư của phương Tây dọc theo NSR.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có một số động thái táo bạo trong chính sách đối ngoại và chấp nhận một số rủi ro chính trị để đạt được mục tiêu. Khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ 2, giới quan sát cho rằng, việc phương Tây hợp tác kinh tế với Nga ở Bắc Cực sẽ là một phương án không phải là bất khả thi do Tổng thống đắc Mỹ là một người có quan điểm thực dụng.

Thứ nhất, các ràng buộc lớn về mặt kinh tế có thể khiến Nga suy nghĩ lại về mục tiêu chiến lược có tính chất dài hạn để xuống thang căng thẳng với phương Tây.

Thứ hai, Trung Quốc, đối tác quan trọng hàng đầu của Nga, nhiều khả năng sẽ ủng hộ dự án như vậy.

Thứ ba, đây là dự án nhiều bên cùng có lợi, kể cả Mỹ và châu Âu vì tiềm năng rất lớn của khu vực.

Cuối cùng, nếu việc hợp tác có thể mang lại triển vọng hòa bình cho Đông Âu, thì qua lăng kính doanh nhân của ông Trump, thay vì đối đầu thì việc hợp tác ở khu vực nhiều tiềm năng như Bắc Cực cũng có thể là một lựa chọn đáng để xem xét.

Theo RS, AFP, Newsweek

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine