Kỳ vọng của người Triều Tiên về thượng đỉnh Trump - Kim tại Việt Nam
(Dân trí) - Những người Triều Tiên sống ở nước ngoài hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Việt Nam sẽ mang lại những kết quả tích cực, bao gồm sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên.
Sae In Han, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Cô bỏ trốn khỏi Triều Tiên cùng mẹ và em gái vào năm 2012.
Không giống số đông người Triều Tiên rời khỏi đất nước, Han tràn đầy hy vọng về kết quả của cuộc hội đàm sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Kỳ vọng của cô gái trẻ này là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ mang lại sự thay đổi cho đất nước của cô.
“Mặc dù tôi đang sống ở Hàn Quốc, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra tại Triều Tiên. Đó là lý do tôi rất kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp tại Việt Nam. Thậm chí ngay cả những người đang sống ở Triều Tiên cũng kỳ vọng như tôi vậy, đặc biệt trong việc cải thiện nền kinh tế và sau đó là cuộc sống của họ”, Han nói với trang tin Al Jazeera.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore vào năm ngoái, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến sẽ gặp nhau tại Việt Nam vào ngày 27-28/2. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiếp tục là vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự của cuộc gặp khi Mỹ đang tìm cách dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh cho Bình Nhưỡng.
Theo Sae In Han, trên khắp nẻo đường tại Triều Tiên, người dân đều khao khát về sự thịnh vượng của nền kinh tế. Han cho rằng vấn đề này nên được xem là trọng tâm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.
Theo số liệu ước tính của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, năm 2017 khi Triều Tiên tăng cường các vụ thử hạt nhân và tên lửa, nền kinh tế Triều Tiên sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ. Thời điểm đó, Triều Tiên đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế và đối mặt với tình trạng hạn hán trong bối cảnh điều kiện sống của người dân bắt đầu đi xuống trầm trọng.
“Triều Tiên nên phi hạt nhân hóa để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Càng cô lập, Triều Tiên càng thiệt hại. Tôi nghĩ ông Kim Jong-un nhận thức được điều này và đó là lý do ông ấy tuyên bố coi phát triển kinh tế là một mục tiêu”, Han cho biết thêm.
Những tiến triển trên mặt trận kinh tế của Triều Tiên có thể bao gồm việc nối lại thương mại với Hàn Quốc, kết nối tuyến đường sắt qua biên giới và mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong. Khu công nghiệp này từng bị đóng lại cách đây 3 năm khi quan hệ Hàn - Triều căng thẳng xuống mức gần như thấp nhất trong lịch sử.
Việc mở lại khu công nghiệp Kaesong sẽ kết hợp giữa trình độ quản lý và đầu tư của Hàn Quốc với nhân công của Triều Tiên. Điều này cũng cho thấy viễn cảnh về một nền kinh tế thống nhất liên Triều.
Theo Chu Hwan Kang, chủ tịch Trung tâm Chiến lược Triều Tiên, nếu các cuộc đàm phán với Mỹ có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, đây sẽ là một quá trình kéo dài. Kang mô tả hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam là “cơ hội cuối cùng” cho Triều Tiên và là cơ hội mà Mỹ nên “tận dụng một cách khôn ngoan”.
Thành Đạt
Theo Al Jazeera