Báo Mỹ: Ông Kim Jong-un quan tâm tới con đường phát triển của Việt Nam
(Dân trí) - Khi Triều Tiên đánh tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng mở cửa nền kinh tế quản lý tập trung, sự phát triển của Việt Nam được cho là hình mẫu mà Bình Nhưỡng có thể học hỏi và đạt được thành công trong tương lai.
Đài CNBC (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích cho biết, năng lực của Việt Nam trong việc duy trì chế độ chính trị một đảng lãnh đạo và hệ thống quản lý từ trên xuống dưới sau khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là một triển vọng hấp dẫn đối với Triều Tiên.
Theo báo Mỹ, để rút ra những bài học cho tương lai, Triều Tiên từ lâu đã nghiên cứu mô hình phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam và Trung Quốc - hai quốc gia có tăng trưởng kinh tế nằm dưới sự quản lý của nhà nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Khi Hà Nội chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào cuối tháng này, các chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có xu hướng nghiêng về mô hình tự do hóa kinh tế theo kiểu Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong tuần này đã có chuyến đi tới Bình Nhưỡng sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đến Hà Nội vào năm ngoái. Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), chuyến đi của ngoại trưởng Triều Tiên được cho là nhằm nghiên cứu mô hình cải cách của Việt Nam.
Trước đó, những chuyến thăm tương tự đã diễn ra từ năm 2012 khi một đoàn công tác Triều Tiên tới thăm tỉnh Thái Bình để tham quan mô hình phát triển nông thôn tại Việt Nam.
Điểm tương đồng
Theo các chuyên gia, xét trên nhiều khía cạnh, Triều Tiên ngày nay có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam thời kỳ những năm 1980.
“Cả hai quốc gia đều từng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, viện nghiên cứu Lowy tại Australia, bình luận.
Các chuyên gia tại viện nghiên cứu Lowy cho rằng điểm tương đồng lớn nhất giữa Việt Nam và Triều Tiên là khát vọng của Bình Nhưỡng trong việc cải cách nền kinh tế, tương tự Việt Nam cách đây hàng chục năm.
Điểm lại lịch sử, CNBC cho biết Việt Nam đã thực hiện chương trình cải cách, mở cửa thị trường với tên gọi “Đổi Mới” từ cuối thập niên 1980. Điều này đã dẫn tới sự mở cửa của Việt Nam và đưa Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
CNBC đánh giá Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhờ tầng lớp trung lưu mở rộng, ngành sản xuất phát triển mạnh mẽ và dân số trẻ.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới bắt đầu cam kết cải thiện tốc độ phát triển của Triều Tiên từ cuối năm 2011.
“Triều Tiên bắt đầu sẵn sàng thử nghiệm chương trình cải cách từ thời ông Kim Jong-un”, Bradley Babson, thành viên của hội đồng cố vấn thuộc Viện Kinh tế Hàn - Triều của Mỹ, nhận định.
Năm 2014, ông Kim Jong-un đã áp dụng một số biện pháp chia nhỏ ruộng đất và cho phép các hộ gia đình tự canh tác cũng như bán các sản phẩm do mình làm ra ở ngoài thị trường.
“Kể từ năm 2016, những biện pháp cải cách như vậy đã được mở rộng và (Triều Tiên) đã đặt trọng tâm nhiều hơn vào các quyết sách phi tập trung hóa”, Bradley Babson, cựu chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Chiến lược của Triều Tiên
Ông Kim Jong-un chỉ đạo tại một công trường xây dựng. (Ảnh: KCNA)
Theo báo cáo do hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions công bố hồi tháng 1, con đường phát triển từng bước của Việt Nam thực sự hấp dẫn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Việt Nam bắt đầu nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào thập niên 1990 sau khi tiến hành cải cách. Sau đó, Việt Nam đón nhận nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài vào giữa thập niên 2000 và trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Fitch nhận định ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách quy mô nhỏ và ưu tiên cách tiếp cận từng bước để đạt được thành tựu kinh tế nếu điều đó đảm bảo sự ổn định của chính trị Triều Tiên.
“Việt Nam duy trì được sự linh hoạt về địa chính trị và xây dựng các mối quan hệ - hai yếu tố được Bình Nhưỡng ngưỡng mộ”, báo cáo của Fitch cho biết.
Chẳng hạn, Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với Mỹ dù hai nước khác biệt về hệ tư tưởng và trải qua hàng chục năm chiến tranh. Việt Nam cũng thành công trong việc khai thác các mối quan hệ với nhiều quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ.
Xét đến việc đặt trọng tâm vào sự ổn định chính trị, Trung Quốc và Singapore cũng được ca ngợi là hình mẫu cho Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Fitch, cả hai nước này đều “có những điểm yếu trong mắt nhà lãnh đạo Kim Jong-un”. Triều Tiên muốn khẳng định sự độc lập, thay vì phụ thuộc, vào Trung Quốc, trong khi con đường của Singapore có vẻ không phù hợp với Bình Nhưỡng do quốc đảo Đông Nam Á có quy mô nhỏ hơn.
Tất nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Triều Tiên nhằm tự do hóa nền kinh tế đều phụ thuộc vào tiến trình của các cuộc đàm phán hạt nhân. Nếu ông Kim Jong-un thực hiện đúng cam kết phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ và mở đường cho Bình Nhưỡng nối lại giao thương với nước ngoài.
Việc dỡ bỏ trừng phạt, kết hợp với cải cách kinh tế và thay đổi về chính sách an ninh quốc gia cũng như quan hệ quốc tế có thể giúp đưa nền kinh tế Triều Tiên đi vào quỹ đạo phát triển ổn định và hòa nhập với thế giới.
Thành Đạt
Theo CNBC