1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ký ức ám ảnh của người "chiến thắng tử thần" vụ chìm tàu ngầm Liên Xô

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chayim Sheynin nhớ như in những ký ức kinh hoàng từng đối mặt khi mạng sống của ông đặt trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" do tàu ngầm của ông chìm xuống biển.

Ký ức ám ảnh của người chiến thắng tử thần vụ chìm tàu ngầm Liên Xô - 1

Một tàu ngầm thuộc dự án 613 (Ảnh minh họa: RT).

Đó là vào tháng 3/1960, khi Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng, tàu ngầm dự án 163 của Liên Xô của ông Sheynin đã chìm 274 mét xuống đáy biển Barents. 

Sheynin, khi đó là một thiếu sinh quân 22 tuổi tại Học viện Hải quân ở Leningrad, cùng 2 học viên khác tham gia huấn luyện với thủy thủ đoàn gồm 14 người tại khu vực nằm giữa bán đảo Kola và Novaya Zemlya thuộc Liên Xô cũ.

Vụ tai nạn xảy ra khi thủy thủ đoàn diễn tập phóng ngư lôi nhưng quả đạn đầu tiên lại không bay ra khỏi ống phóng.

"Điều đó thật kỳ lạ nên chúng tôi đã kéo quả ngư lôi khỏi ống trở lại khoang đầu tiên", Sheynin kể lại với đài ABC hồi năm 2000.

Sau khi tiến hành quá trình kiểm tra, 3 học viên được điều động xuống cuối tàu ngầm để ăn tối. Khi họ đang dùng bữa, chuông báo động kêu lên và một vụ nổ lớn rung chuyển con tàu.  

"Chúng tôi đã nghe thấy âm thanh tồi tệ, một tiếng va chạm của kim loại, mọi thứ rung lên bần bật và tàu ngầm bắt đầu chìm xuống theo một góc nghiêng. Chỉ trong 15 phút, con tàu chìm xuống đáy biển", Sheynin cho biết.

Ông Sheynin cho rằng, quả ngư lôi đã phát nổ và các mảnh vỡ từ vụ nổ đã xuyên qua đáy tàu, khiến nó chìm lệch xuống một góc nguy hiểm.

Mọi người ngay lập tức khẩn trương rời tàu ngầm. Toàn bộ 17  người mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ dưỡng khí và tăng tốc để có thể thoát ra ngoài theo một ống phóng ngư lôi trống ở phía sau tàu ngầm.  

Tuy nhiên, con đường thoát hiểm này rất nguy hiểm. Các thủy thủ chen chúc nhau trong một đường ống hẹp. Khi họ đi vào trong, phần nắp đằng sau của ống bị đóng lại và nước bắt đầu tràn vào khiến cho áp lực trong ống gần như tương đồng với áp lực ở đáy biển.

Các thành viên buộc phải tìm cách đến phần nắp trước của ống để có thể thoát ra ngoài. Ông Sheynin là người thứ 7 rời tàu ngầm.

Ký ức kinh hoàng

Ký ức ám ảnh của người chiến thắng tử thần vụ chìm tàu ngầm Liên Xô - 2

Các thủy thủ chui qua ống phóng ngư lôi để thoát hiểm khi tàu chìm (Ảnh minh họa: Wikimedia).

"Từ độ sâu như vậy, bạn cần tối thiểu 3 giờ để nổi được lên mặt nước (tránh bị "sốc" do chênh lệch áp suất giữa 2 môi trường), nhưng nước liên tục đẩy bạn lên trên và bạn phải chống lại nó. Tôi nổi lên trong khoảng 2 giờ", ông Sheynin cho hay.

Do nổi lên quá nhanh, Sheynin bị mắc hội chứng chấn thương có tên là "barotrauma", vốn xảy ra khi áp suất cao làm vỡ phổi. Thêm vào đó, những con sóng lớn liên tục tạt vào mặt khiến tầm nhìn của ông trở nên mờ mịt và không thể biết các đồng đội đang ở đâu.

"Khi tôi nổi lên, tôi cảm thấy ngực khó chịu. Tôi cảm thấy miệng mình đầy chất lỏng và nhận ra đó là máu từ lá phổi đã bị tổn thương của mình. Tôi quyết định giật mặt nạ dưỡng khí và ôm lấy bình ô xy để làm phao cho tới khi mất hoàn toàn nhận thức", Sheynin nhớ lại.

Người đàn ông này không còn nhớ đã trôi nổi bao lâu trên dòng nước Bắc Cực lạnh giá.

"Đó là tháng 3, khu vực này luôn tối lờ mờ và tôi không có đồng hồ, không thể nhận thức được ý thức về thời gian. Đó có thể là một ngày, hoặc 5 ngày cho tới khi một tàu huấn luyện của Liên Xô trục vớt tôi lên từ biển".

Toàn bộ 17 thủy thủ đều được giải cứu. Sheynin sau đó đã giành 3 tháng trời trong buồng nén tại một bệnh viện quân sự ở căn cứ Poliarny của Hạm đội Biển Bắc. Nằm trong buồng này giúp ông giảm áp lực đè lên lá phổi đã bị tổn thương cho tới khi nội tạng này bình phục. Sau đó, ông lại vào nằm 7 tháng ở một bệnh viện tại Leningrad.

Khi kể về ký ức kinh hoàng của vụ tai nạn, Sheynin cho rằng đó là một phép màu khi ông có thể sống sót sau một vụ tai nạn khủng khiếp như vậy.