1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ lạ sân bay 7 tỷ USD xây xong 5 năm vẫn “đắp chiếu”

Sân bay Berlin Brandenburg chưa biết bao giờ đi vào khai thác, vì sao có chuỵện kỳ lạ này tại một quốc gia kỷ luật như nước Đức?


Toàn cảnh thiết kế sân bay Berlin Brandenburg

Toàn cảnh thiết kế sân bay Berlin Brandenburg

Sân bay Berlin Brandenburg từng được đánh giá là “viên ngọc kiến trúc” của nước Đức - quốc gia nổi tiếng về kỹ thuật và tính kỷ luật đã lỡ hẹn khánh thành đến nay đã 5 năm và chưa biết bao giờ có thể mở cửa. Vì sao lại có sự kỳ lạ như vậy?

Xây xong nhưng không thể khánh thành

Lễ khánh thành sân bay Berlin Brandenburg hoành tráng được lên kế hoạch tổ chức hồi tháng 6/2012 trước sự mong đợi và kỳ vọng từ ngành Hàng không thế giới. Hàng nghìn người tình nguyện bắt tay thực hiện các cuộc chạy thử suốt nhiều ngày trước khi ngày trọng đại diễn ra theo dự kiến.

Truyền thông Đức chuẩn bị kỹ càng để đưa tin từng phút về sự kiện khánh thành có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều quan chức, khách VIP khác. Thậm chí, hãng hàng không Lufthansa còn đưa một trong những chiếc máy bay mới nhất Airbus A380 tới tham gia vào lễ ra mắt tại Frankfurt.

Tuy nhiên, sự việc không mong đợi đã diễn ra khi lễ ra mắt “viên ngọc kiến trúc mới” nước Đức đã bị hủy bỏ vào phút cuối vì lý do kỹ thuật. Tính đến nay, đã hơn 5 năm nhưng sân bay vẫn đóng cửa im lìm, chưa có mốc thời gian cụ thể nào được giới chức ấn định.

Nhà ga được đánh giá hiện đại nhất chưa một lần được sử dụng. Những điều kỳ lạ này khiến câu chuyện xây dựng sân bay Berlin Brandenburg không chỉ trở nên khó hiểu mà còn là “cú giáng” vào uy tín của một quốc gia có tính kỷ luật và trình độ cao như Đức.


Nội thất bên trong sân bay vẫn được che phủ bằng túi bóng

Nội thất bên trong sân bay vẫn được che phủ bằng túi bóng

Berlin Brandenburg được xây dựng như thế nào?

Sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhu cầu cần gấp một sân bay quốc tế hiện đại tại thủ đô mới của Đức là điều dễ hiểu. Vì thế, kế hoạch xây dựng sân bay bắt đầu được phác thảo.

Ba sân bay của Berlin vốn đã để lộ những dấu hiệu tuổi tác và hạn chế khi thế giới bước vào kỷ nguyên giao thông hàng không bùng nổ.

Tờ báo Đức Tagesspiegel cho rằng, sân bay Brandenburg có thể không mở cửa cho đến tận năm 2021 sau khi nhà chức trách thanh tra, xác định và giải quyết xong một loạt các vấn đề còn đang tồn đọng.

Tempelhof được thiết kế và xây dựng từ năm 1923, là sân bay già cỗi nhất của Berlin. Bất chấp những ý nghĩa về lịch sử và kỹ thuật đầy ấn tượng, sân bay bị đóng cửa vào năm 2008.

Chỉ còn phi trường duy nhất ở Đông Berlin - cảng hàng không yêu thích của các hãng bay khai thác các dịch vụ giá rẻ là Tegel, sân bay quốc tế chính của thành phố.

Tuy nhiên, cả hai sân bay này đều được thiết kế từ trong giai đoạn Chiến tranh lạnh và không đủ sức để tiếp đón lượng khách tăng đột biến. Vì vậy, Berlin tiến hành kế hoạch xây dựng một sân bay mới trên khu đất gần sân bay Schönefeld, khởi công từ năm 2006. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra dễ dàng như kế hoạch.

Chuyện gì đã xảy ra?

Quay trở lại thời khắc đáng nhớ vào tháng 5/2012, khi lễ khánh thành dự kiến của sân bay Berlin Bandenburg bị trì hoãn. Người ta cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do lỗi hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hệ thống này được cho là quá phức tạp.

Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, khói sẽ bị đẩy xuống dưới bề mặt nhà ga, thay vì đẩy lên trên thông qua trần theo dòng khí nóng tự nhiên.

Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là vấn đề duy nhất. Tính đến thời điểm này, rất nhiều vấn đề khác đã được phát hiện như hệ thống dây dẫn điện không chịu được nhiệt độ cao bất thường, thang máy quá ngắn và một loạt lỗi kỹ thuật nghiêm trọng trong thiết kế hạ tầng… Cuối cùng, công trình được đánh giá không đạt yêu cầu quy định.

Nếu chỉ nói đến vấn đề kỹ thuật là chưa đủ, dự án này còn gặp khó khăn vì các thách thức liên quan tới các cáo buộc tham nhũng, việc thuê một số nhà thầu chính, tranh chấp pháp lý xung quanh vấn đề tài chính của dự án. Một số trở ngại về chính trị và nạn quan liêu vốn không phổ biến ở Đức cũng góp phần tạo thêm nhiều rắc rối cho dự án.

Ước tính, Chính phủ Berlin đã đổ hơn 7 tỉ USD vào sân bay này, vì hai bang lớn của Đức tham gia vào dự án nên suốt quá trình xây dựng, sân bay liên tục gặp các vấn đề rắc rối giữa quan chức ở các cấp.

Ông Andreas Spaeth, nhà phân tích hàng không Đức cho biết: “Dự án này chưa bao giờ được cấp Trung ương giám sát và quản lý tổng thể một cách phù hợp. Vì vậy, không ai hiểu tình hình thực tế của dự án như thế nào.

Rất khó khăn để đánh giá một cách hợp lý và thực tế tình hình xây dựng, những vấn đề còn tồn đọng. Do đó, đến thời điểm này, chưa có ai đứng ra tuyên bố hay xác định một ngày khánh thành cụ thể”.

Sân bay Brandenburg bị trì hoãn đi vào hoạt động gián tiếp gây ra hàng loạt vấn đề mới mà chính quyền nước Đức phải đau đầu tìm cách giải quyết, điển hình là tương lai của Tegel Airport khi sân bay già cỗi này tiếp tục phải chịu gánh nặng là một trung tâm hàng không quốc tế chính của Berlin.

Tegel được hoạch định sẽ đóng cửa vào ngày sân bay Brandenburg đi vào hoạt động và được sử dụng cho nhiều hoạt động khác như chuyển đổi thành công viên thương mại và sáng tạo.

Nhưng dư luận địa phương hoài nghi kế hoạch này và đã bỏ phiếu đồng thuận để tiếp tục mở cửa sân bay trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 24/9.

Chưa biết ngày mở cửa

Cho dù có giải quyết được vấn đề kỹ thuật thì những nghi ngại về triển vọng dài hạn của sân bay này có lẽ cũng khó có thể giải quyết thoả đáng. Mặc dù Berlin đã trở thành thỏi nam châm thu hút các ngành công nghiệp sáng tạo và xuất phát từ công nghệ nhưng thành phố này vẫn là thủ đô nghèo hơn các thành phố khác trên cùng lãnh thổ.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng cao nhưng chủ yếu là dịch vụ đi từ điểm này tới điểm kia, do các hãng hàng không giá rẻ phục vụ như Easyjet và Ryanair. Vì vậy, triển vọng một lưu lượng hành khách cấp cao hơn và tuyến dài mang về lợi nhuận lớn cho ngành Hàng không vẫn khá mỏng manh.

Chưa kể, gần đây, hãng hàng không địa phương Air Berlin nộp đơn phá sản gây ra một sự thụt lùi không thể phủ nhận dù Lufthansa có nhảy vào bù đắp phần nào khoảng trống. Theo ông Andreas Spaeth, đây là vấn đề thuộc về cấu trúc.

Ông cho rằng, “kỳ vọng để Thủ đô của Đức có thể trở thành trung tâm hàng không xuyên lục địa, quốc tế có lẽ là vấn đề phi thực tế”. “Hiện nay, đã có quá nhiều trung tâm hàng không được trang bị tốt hơn và vững chắc hơn, nhưng điều trở ngại lớn nhất đó là khả năng chi tiêu của người dân Berlin vẫn còn thấp.

Vì vẫn còn có thị trường du lịch thương mại địa phương nhỏ, đặc biệt là đối với các tuyến đường dài nên chưa có hãng hàng không nào đủ sức đưa Berlin trở thành siêu trung tâm hàng không ở châu Âu nếu xét về mặt kinh doanh. Lý do đơn giản là không đủ nhu cầu khoang hạng nhất đến và đi từ Berlin”.

Nhận định về thời điểm khánh thành sân bay, nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ, sân bay mới sẽ sẵn sàng khánh thành vào thời điểm nào đó để tận dụng làn sóng mới của các hãng hàng không giá rẻ đường dài đang nổi lên và khai thác thị trường ngách.

Theo Bình An

Báo Giao Thông