1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kỳ họp quốc hội khác thường của Trung Quốc giữa sức ép quốc tế về Covid-19

(Dân trí) - Sau sự trì hoãn lịch sử do đại dịch Covid-19, 2 kỳ họp quan trọng nhất của Trung Quốc sẽ khai mạc trong tuần này trong bối cảnh Bắc Kinh đối mặt môi trường thách thức nhất trong nhiều thập niên qua.

Kỳ họp quốc hội khác thường của Trung Quốc giữa sức ép quốc tế về Covid-19 - 1

Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 3 (Ảnh: AFP)

Hàng nghìn đại biểu quốc hội Trung Quốc sẽ có mặt tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ 6 tuần này để tham dự các kỳ họp quan trọng, trong bối cảnh nước này đối mặt nhiều khó khăn nhằm hoàn thành các mục tiêu chính trị và xã hội đã đề ra trước khi đại dịch Covid-19 gây ra cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên tại nước này sau nhiều năm tăng trưởng “nóng”.

Kỳ họp quốc hội (NPC) và Hội nghị tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) thường niên đáng lẽ đã diễn ra trong tháng 3 nhưng bị trì hoãn lần đầu tiên sau 20 năm qua do sự bùng phát của căn bệnh Covid-19 bí ẩn.

Các kỳ họp là dịp để Bắc Kinh thảo luận và công bố các chương trình nghị sự hàng năm, các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách quốc gia. Trước đó, trong một cuộc họp của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 4, các thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc được miêu tả là “chưa từng có”.

Khó khăn tứ bề

Các kỳ họp năm nay diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đồng loạt chỉ trích Bắc Kinh về cách đối phó với đại dịch Covid-19, vốn khởi phát tại thành phố Vũ Hán. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc dịch bệnh và hối thúc một cuộc điều tra quốc tế.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng rơi xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều thập niên qua, khi các trao đổi ngoại giao bị thay thế bằng các cuộc “khẩu chiến” về nguồn gốc dịch bệnh và những lời đe dọa trả đũa lẫn nhau. Các chuyên gia cho rằng sự cần thiết phải cân bằng kinh tế trong nước do tác động của đại dịch và làn sóng chỉ trích trên toàn cầu có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi suy nghĩ chiến lược.

“Các nguồn lực quốc gia đang suy giảm và đại dịch đang tạo ra môi trường phức tạp trên toàn cầu. Tôi cho rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi chiến lược ở mức độ nào đó”, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định.

Tuy nghiên, Richard McGregor, nhà nghiên cứu về Đông Á tại Viện Lowy Sydney, Australia, cho rằng đại dịch sẽ không làm thay đổi suy nghĩ chiến lược của Bắc Kinh.

“Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi - củng cố chính trị ở trong nước và mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài trên các mặt trận, từ thương mại, công nghệ tới quân sự, đặc biệt ở Biển Đông, và cạnh tranh với Mỹ”, chuyên gia trên nói.

Trong khi đó, việc Trung Quốc phải đối mặt ra sao với sức ép quốc tế ngày càng gia tăng về đại dịch đang gây ra một cuộc tranh luận mạnh mẽ ở trong nước. Một bên là các nhà ngoại giao, được mệnh danh là “chiến binh”, và những người ủng ủng hộ đáp trả những tiếng nói chỉ trích ở nước ngoài, một bên là những người khác, như cựu Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh, cho rằng những lời đáp trả và bảo vệ mạnh mẽ của Bắc Kinh trước làn sóng chỉ trích sẽ là không đủ để thay đổi sự thành kiến về Trung Quốc.

Thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc do đại dịch Covid-19 đang gây ra những trở ngại với Bắc Kinh, trong đó có sáng kiến Vành đai, con đường với tham vọng mở rộng các kết nối thương mại và cơ sở hạ tầng trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn thúc đẩy việc mở rộng cái gọi là Con đường tơ lụa kỹ thuật số trong các tuyến dữ liệu viễn thông.

Trung Quốc hồi đầu năm nay đã thông báo tỷ lệ sụt giảm kinh tế đầu tiên kể từ năm 1976, khi các số liệu chính thức cho thấy kinh tế nước này đã giảm 6,8% trong quý I/2020. Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Năm nay là hạn chót mà Bắc Kinh đặt ra nhằm tăng gấp đôi GDP so với năm 2010, và đã có những tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có điều chỉnh mục tiêu và thời gian trong một thế giới hậu đại dịch, vốn đã khiến các mục tiêu này trở nên khó đạt được.

2020 cũng là năm đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc kế hoạch 13 năm. Các cuộc thảo luận về kế hoạch 5 năm tới ở quy mô cấp tỉnh đã bắt đầu và sẽ kết thúc vào mùa thu này. Một kế hoạch chi tiết hơn dựa trên việc thảo luận sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong kỳ họp quốc hội năm tới.

Những thay đổi trong kế hoạch 5 năm tới

Phần lớn mọi người đều đồng thuận rằng việc phác thảo chính sách cho kế hoạch 5 năm tới diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với năm 2015. Nhưng có các quan điểm khác nhau về việc các thay đổi này sẽ được chuyển thành các chính sách như thế nào.

Zhao Xijun, Phó hiệu trưởng trường tài chính tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần xem xét kỹ hơn từ góc độ kinh tế toàn cầu trong kế hoạch 5 năm tới và cũng cần thông minh hơn về việc phát triển kinh tế sau khi rút ra các bài học trong 5 năm qua.

“Đầu tư nước ngoài không nên được xem là viện trợ song phương mà nên dựa theo thị trường. Trung Quốc cũng cần cân nhắc xem Mỹ và châu Âu phản ứng ra sao với các hoạt động này”, Wang Huiyao, chủ tịch quỹ nghiên cứu Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, nhận định.

Ông Wang nói thêm rằng, trong kế hoạch 5 năm tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thúc đẩy việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài đối với các sản phẩm công nghệ cao như các chất bán dẫn và có thể chứng kiến những thay đổi lớn trong lĩnh vực y tế công.

“Chúng ta cũng có thể nhìn thấy một nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy các lĩnh vực chế tạo tiên tiến, cho phép trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) đóng một vai trò lớn hơn trong những năm tới”, ông Wang nhận định.

Kêu gọi về điều tra về nguồn gốc Covid-19

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, các nhà hoạt động, những người sống sót sau khi mắc Covid-19 và các học giả tại Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra về sự bùng phát của dịch bệnh trước các kỳ họp quan trọng nhất trong năm.

Năm nay, các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi những tổn thất kinh tế mà đại dịch gây ra dự kiến sẽ là chủ đề chính tại 2 kỳ họp, nhưng giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không phản hồi đối với những lời kêu gọi về một cuộc điều tra.

Cho tới nay, gần 5 triệu người trên thế giới đã mắc bệnh và hơn 317.000 người tử vong vì Covid-19 trên thế giới. Ngày càng có những kêu gọi ở trong và ngoài nước về một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh và yêu cầu giới chức phải chịu trách nhiệm.

Yang Min, một công dân 50 tuổi tại Vũ Hán có con gái tử vong vì Covid-19 hồi đầu tháng 2, viết trên mạng xã hội Weibo hồi tháng 4 rằng đã có bằng chứng về dịch bệnh từ hồi đầu tháng 1 nhưng giới chức không làm gì để cảnh báo người dân. Cô đã kêu gọi một cuộc điều tra nhưng cho biết hồi tuần trước: “Tôi không kỳ vọng gì về 2 cuộc họp tới. Mong muốn của tôi là sẽ có một cuộc điều tra và một số người phải chịu trách nhiệm”.

Brother Nut nói anh muốn mọi người suy nghĩ về “nguồn gốc của đại dịch, con số người chết thực tế và làm thế nào để tưởng nhớ họ”. Nhưng anh cho biết anh không hi vọng chính phủ sẽ đồng ý mở một cuộc điều tra, mà thay vào đó sẽ cố gắng nhấn mạnh thành công trong công tác chống dịch.

Chen Daoyin, một nhà khoa học chính trị độc lập, cho rằng các cuộc thảo luận tại 2 kỳ họp trên dự kiến sẽ tuân thủ các chủ đề mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. “Trọng tâm của chính phủ không chỉ là về duy trì sự ổn định chính trị trong nước mà còn không cho phép cộng đồng quốc tế tìm cớ để đổ lỗi cho Trung Quốc”, ông nói.

Hai kỳ họp quan trọng năm nay sẽ chỉ có một cuộc họp báo do Thủ tướng hoặc các thành viên khác của Bộ Chính trị đảng Cộng sản chủ trì. Các kỳ họp cũng chỉ diễn ra trong thời gian 1 tuần, giảm một nửa thời gian so với thông thường. Các đại biểu quốc hội từ Hong Kong sẽ được xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến một ngày trước khi bay tới Bắc Kinh.

Giới chức Trung Quốc cũng hạn chế mời các nhà ngoại giao nước ngoài tham dự, chỉ mời mỗi đại sứ quán nước ngoài một đại diện tham dự lễ khai mạc cả NPC và CPPCC. Những người muốn tham dự phải tới nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh trước một ngày để xét nghiệm Covid-19.

Ngoài ra, sẽ chỉ có 3 hãng truyền thông nhà nước được vào tác nghiệp bên trong các kỳ họp.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm