1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dấu ấn Huyền thoại châu Á:

Kỳ 2: Ông Lý Quang Diệu trong mắt chính trị gia và truyền thông thế giới

Sau 31 năm làm Thủ tướng, năm 1990 Lý Quang Diệu rút lui khỏi chính trường. Khi rời ghế Thủ tướng, ông vẫn tham gia đều đặn các cuộc họp của chính phủ.

Ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng cao cấp cho đến năm 2004 và sau đó làm Bộ trưởng Cố vấn đến năm 2011. Nhờ kinh nghiệm và tầm nhìn của mình, Lý Quang Diệu trở thành người có tiếng nói có trọng lượng trên thế giới. Ông được mệnh danh là “chiến lược gia của các chiến lược gia”, “thủ lĩnh của các thủ lĩnh” và “bậc thầy của các bậc thầy”.

Trí tuệ ít ai bì kịp

Với nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu Henry A.Kissinger, mặc dù có điều kiện được diện kiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng Lý Quang Diệu là một trong những người ông ấn tượng nhất. “Không có gì phải nghi ngờ về câu trả lời trong trường hợp của Lý Quang Diệu, một con người có trí tuệ và óc phán đoán ít ai bì kịp”.
 
Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, Singapore ngày nay chính là một bằng chứng rõ ràng cho tầm nhìn của Lý Quang Diệu hướng đến một nhà nước không chỉ tồn tại được mà còn phải có ưu thế nhờ sự vượt trội. “Trí tuệ siêu việt, tính kỷ luật và sự khéo léo sẽ thay thế cho các nguồn lực. Ông tập hợp những đồng bào của mình vào một nhiệm vụ mà trước đó họ chưa bao giờ nhận thức được: trước tiên là làm cho thành phố của họ sạch sẽ, sau đó toàn tâm toàn ý vượt qua thái độ thù địch của những người láng giềng và tình trạng chia rẽ sắc tộc bằng những thành tích vượt trội.
 
Singapore ngày nay chính là bằng chứng rõ ràng mà ông mang lại”, ông Kissinger viết trong lời giới thiệu của cuốn sách mang tên “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và Thế giới” của nhóm tác giả G.Allison, R.D. Blackwill và A.Wyne.
 
Kỳ 2: Ông Lý Quang Diệu trong mắt chính trị gia và truyền thông thế giới
Ông Lý Quang Diệu tham dự cuộc diễu hành kỷ niệm Quốc khánh Singapore hồi năm 2012 (Ảnh: Straits Times)

Cùng chung nhận định, cựu Tổng thống Nam Phi F.W.de Klerk cho rằng, Lý Quang Diệu là con người làm thay đổi cả lịch sử Síngapore bằng cách đưa ra những quyết định đúng đắn cho đất nước mình: “Ông ấy lựa chọn những giá trị đúng và những chính sách kinh tế đúng để bảo đảm sự phát triển của một xã hội thành công. Ở góc độ này, ông ấy là một họa sĩ vẽ trên tấm toan lớn nhất mà xã hội có thể đưa ra”.

Với “Bà đầm thép” của nước Anh Margaret Thatcher, trong lời bình của cuốn sách "Bí quyết hóa rồng", cho rằng Lý Quang Diệu là người “chưa bao giờ phạm sai lầm”: “Khi còn đương nhiệm, tôi đọc và phân tích mọi phát biểu của Lý Quang Diệu. Ông ấy có cách thức thâm nhập vào lĩnh vực tuyên truyền và diễn đạt các vấn đề của thời đại chúng ta một cách đặc biệt sáng sủa cũng như có cách giải quyết chúng. Ông ấy chưa bao giờ sai lầm”.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đánh giá, ông Lý Quang Diệu đã biết cách tập hợp trí tuệ để giúp Singapre đi tắt đón đầu thành công. 
 
“Lý Quang Diệu đã tập hợp quanh mình những bộ óc xuất chúng nhất, biến cải những chuẩn mực đòi hỏi nhiều cố gắng nhất thành một hệ thống chính phủ. Dưới sự lãnh đạo của ông, tính ưu việt của quyền lợi chung, việc đẩy mạnh giáo dục, lao động, tiết kiệm và khả năng tiên đoán những nhu cầu của quốc gia đã giúp Singapore có được những gì mà tôi gọi là “đi tắt tới thành công”, ông Chiraq đã viết trong lời bình của cuốn sách "Bí quyết hóa rồng".

“Nhà điêu khắc” của những thay đổi

Không chỉ nhận được những lời “có cánh” của giới chính trị gia, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng là tâm điểm chú ý của các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới.

Trong bài tổng kết về “các anh hùng châu Á” số ra ngày 13-11-2006, Tạp chí Time khi nói về ông Lý Quang Diệu đã cho rằng, ông chính là “nhà điêu khắc” cho tất cả những đổi thay mang tính lịch sử của châu Á trong những thập niên qua.
 
“Ngày nay, ở tuổi 83, sau 50 năm hoạt động, ông Lý Quang Diệu có thể tự coi mình là một người và người châu Á duy nhất đóng vai trò nhân chứng, nhà điêu khắc và cố vấn cho tất cả những đổi thay mang tính lịch sử mà châu Á đã trải qua trong những thập niên qua: Sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc, kết thúc Chiến tranh Lạnh, tăng trưởng kinh tế và sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc mới.
 
Tất cả những điều này làm cho ông Lý Quang Diệu không chỉ là chính khách đàn anh và là tiếng nói của châu Á mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng và khả năng phục hồi của châu Á”.
 
Trong khi đó, hồi năm 2002, nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post, đã thốt lên rằng, Lý Quang Diệu “có lẽ là chính trị gia khôn ngoan nhất mà tôi từng phỏng vấn trong hơn 25 năm qua với tư cách là một nhà báo”.

“Bậc trưởng bối đáng kính”

Lý Quang Diệu được nhìn nhận là một chính khách đặc biệt, hiếm thấy trong nửa thế kỷ qua. Trong các vấn đề quốc tế, không có bất kỳ nhân vật nào được cả một thế hệ các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và thế giới háo hức "săn lùng", thường xuyên tham khảo ý kiến và chăm chú lắng nghe bằng vị ‘khai quốc công thần” của Singapore.

Theo tờ Foreign Policy, những đời tổng thống Mỹ từ thời Richard Nixon, mỗi khi lên nắm quyền, đều có cuộc gặp riêng với vị cựu Thủ tướng Singapore . Năm 2009, ông Barack Obama cũng có một cuộc hội kiến với ông Lý Quang Diệu trước khi đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách Tổng thống Mỹ. Khi đánh giá về cựu Thủ tướng Singapore, ông chủ Nhà Trắng đã không ngần ngại cho rằng, “Lý Quang Diệu là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong các thế kỷ 20 và 21. Ông là người giúp khởi động phép màu kinh tế châu Á”.

Năm 2009, trong một cuộc trả lời phỏng vấn về quan hệ với Trung Quốc, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu chia sẻ rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong chuyến công du ngắn ngày đến Singapore đã dành thời gian học tập cách thức quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực ở quốc đảo, nhờ đó góp phần thúc đẩy Trung Quốc chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường về sau:
 
“Năm 1978, ông Đặng lần đầu tiên đến và trông thấy một Singapore khác với những gì ông ấy đã được báo cáo trước đó. Ông ấy đã trông thấy một xã hội sung túc, trật tự, ai cũng có việc làm và nhà ở. Ông ấy hỏi tôi: “Các ông làm gì để đạt như vậy?” Tôi trả lời: “Thì chúng tôi giáo dục dân chúng tôi. Các công ty Mỹ, Nhật, Âu đem đến kỹ thuật, dân chúng tôi học họ...”.
 
Hiếm có một người được cả hai thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình học tập kinh nghiệm, được các đời Tổng thống Mỹ tham vấn về chính sách. Người đó không ai khác chính là cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
 
Tất cả những điều đó đã cho thấy được tầm vóc và sức ảnh hưởng từ vị “tổng công trình sư” của đảo quốc Sư tử. Và như lời của ông Tập Cận Bình (khi còn là Phó chủ tịch nước Trung Quốc), tại cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi năm 2011, đã khẳng định ông Lý Quang Diệu chính là “bậc trưởng bối mà chúng tôi kính trọng” và “tôi hoàn toàn ngưỡng mộ ông”.
 
(Còn tiếp)
 
Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân

Kỳ 3: “Cố vấn đặc biệt” của Việt Nam