1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dấu ấn Huyền thoại châu Á:

Kỳ 1: "Chắp cánh” cho Singapore “hóa rồng”

Cuộc bứt phá của Singapore gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, người được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi là nhân vật huyền thoại ở châu Á. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài về chính trị gia lỗi lạc này.

Dù chỉ là một đảo quốc với hơn 5 triệu dân, diện tích chỉ xấp xỉ thành phố Los Angeles của nước Mỹ, thế nhưng trong nửa thế kỷ qua Singapore đã có bước phát triển ngoạn mục. Cuộc bứt phá đó gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, người được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi là nhân vật huyền thoại ở châu Á. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài về chính trị gia lỗi lạc này.

Trong suốt 31 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu được đánh giá chính là vị “tổng công trình sư” của tất cả những thay đổi về mọi mặt trong đời sống xã hội của Singapore…

“Không bao giờ bế tắc cả!”

“Không bao giờ bế tắc cả!”-đó là cách thức ông Lý Quang Diệu đã xây dựng một quốc gia bé nhỏ mà phồn vinh như Singapore.
 
Trong cuốn sách "Đối thoại với Lý Quang Diệu" của nhà báo Mỹ Tom Plate, vị “tổng công trình sư” chia sẻ: "Nguyên tắc cơ bản của tôi là gì? Khi đối mặt với khó khăn, vấn đề lớn hoặc những dữ kiện mâu thuẫn, tôi xem xét lại tất cả những giải pháp khác nếu như giải pháp tôi đưa ra không hiệu quả. Tôi chọn giải pháp có khả năng thành công cao nhất, nhưng nếu vẫn thất bại thì tôi lại chọn giải pháp khác nữa. Không bao giờ bế tắc cả”.
 
Ông Lý Quang Diệu phát biểu trong một cuộc họp năm 1965 (Ảnh: Time)
Ông Lý Quang Diệu phát biểu trong một cuộc họp năm 1965 (Ảnh: Time)

Sinh năm 1923 tại Singapore, ông Lý Quang Diệu lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Anh, rồi phát xít Nhật cai trị. Năm 1945 khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, ông sang Anh theo học tại Đại học Cambridge. Trở về nước, ông tham gia làn sóng chống thực dân Anh. Năm 1954, ông tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của Singapore. Và chỉ 5 năm sau khi ra đời, năm 1959, Đảng PAP giành thắng lợi trong bầu cử, đưa Tổng thư ký Đảng là Lý Quang Diệu trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore. Ông đảm nhiệm cương vị này tới năm 1990, khi quyết định rút lui khỏi chính trường.

Năm 1963, Singapore tham gia vào Liên bang Malaysia, nhưng chỉ 2 năm sau, đến năm 1965 lại tách ra thành nước độc lập. Việc tách khỏi Liên bang Malaysia đồng nghĩa với việc tự cung, tự cấp. Singapore phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Nạn thất nghiệp, thiếu lương thực, tài nguyên thiên nhiên không có gì đáng giá, thiếu nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển, căng thẳng sắc tộc…Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Quang Diệu và PAP đã cùng nhau chèo lái đưa Singapore vào quỹ đạo phát triển bài bản.
 
Về đối ngoại, Singapore có một tầm nhìn xa về chiến lược khi chủ trương bắt tay rộng mở với mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
 
Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối "quốc trị" của riêng mình với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh...)
 
Thủ tướng Lý Quang Diệu là người có công đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, biến Singapore thành một trong những nước "trong sạch" nhất thế giới. Thời gian cầm quyền, ông đã ban hành những luật lệ cần thiết dành cho Văn phòng Điều tra tham nhũng nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, điều tra các tài khoản ngân hàng và các khoản hoàn trả thuế lợi tức của những cá nhân bị tình nghi cùng với gia đình của họ. Với sự ủng hộ của ông Lý Quang Diệu, Văn phòng được giao thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra đối với bất kỳ viên chức hoặc bộ trưởng nào.
 
Tất cả những điều đó đã mang lại một kết quả được thế giới thừa nhận, giống như ông từng tự hào tuyên bố: "Nếu bạn xưng mình là người Singapore, bất cứ nơi nào bạn đi đến, bạn mang theo sổ hộ chiếu Singapore, người ta tức khắc biết bạn tượng trưng cho tính liêm chính, năng lực và sự đáng tin cậy. Ở các nước vùng Vịnh giàu có, khi họ tìm một chuyên viên tài chính, bạn biết không, họ đã tìm người Singapore !"

“Nhân tài là tài sản quý báu nhất của quốc gia”

Trong cuốn hồi ký mang tên "From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000" (bản dịch tiếng Việt có nhan đề "Bí quyết hóa rồng"), ông Lý Quang Diệu khẳng định: “Nhân tài là tài sản quý báu nhất của quốc gia” và “càng có nhiều nhân tài là những vị bộ trưởng, các nhà quản trị và những người có chuyên môn cao thì các chính sách càng có nhiều ảnh hưởng, kết quả đạt được càng tốt hơn”. Từ nhận thức sâu sắc này, ông đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách tạo nguồn, nuôi dưỡng và thu hút nhân tài trong, ngoài nước.

Để có được lực lượng nhân tài dồi dào, Singapore sớm có chính sách xây dựng nguồn nhân lực, tạo cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Giáo dục phổ thông được miễn phí không chỉ có học phí mà cả sách giáo khoa, giao thông... Singapore không tổ chức các kỳ thi đại học mà xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở các cấp học phổ thông, nhưng đặc biệt yêu cầu cao ở thi tốt nghiệp đại học. Sinh viên học yếu không thể tốt nghiệp.

Cuối những năm 1970, Singapore đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân tài khi các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người di dân châu Á. Để mau chóng thoát khỏi vấn nạn, ông Lý Quang Diệu lập hai ủy ban. Một ủy ban có nhiệm vụ giúp những người có năng lực làm đúng nghề và một ủy ban kết hợp họ lại thành một xã hội. Với những người xuất sắc, ủy ban này cố gắng “thu hoạch sớm” bằng cách đề nghị việc làm ngay trước khi tốt nghiệp.
 
Kết quả, vào những năm 1990, dòng nhân tài “chảy vào" thông qua việc tích cực tuyển dụng đạt gấp 3 lần dòng “chảy ra”. Bên cạnh đó, ông thành lập hai cơ quan thu hút nhân tài từ Ấn Độ và các nước trong khu vực, bởi hơn bao giờ hết, ông biết rằng: “Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc máy tính Singapore ”.

“Thế giới không ai nợ nần chúng ta”

Sinh thời, ông Lý Quang Diệu luôn nhấn mạnh, mặc dù một nước nhỏ như Singapore luôn phải tìm cách “kết thêm bạn” càng nhiều càng tốt, song điều cốt yếu vẫn phải là giữ được chủ quyền và độc lập. “Hữu nghị, trong quan hệ quốc tế, không thể lệ thuộc nơi thiện chí hay hỉ nộ ái ố của thiên hạ. Chúng ta phải luôn giữ cho “ta là ta”. Chúng ta phải đầy đủ trách nhiệm với đất nước, sao cho các nước khác nhìn nhận rằng việc đất nước chúng ta tiếp tục tồn tại và thịnh vượng như là một quốc gia có chủ quyền và độc lập còn là lợi ích của họ”, ông phát biểu tại buổi nói chuyện ở trường S.Rajaratnam hồi tháng 4-2009.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cao tinh thần tự lực tự cường vươn lên của đất nước với câu nói nổi tiếng: “Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống". Chính vì vậy, ông luôn nhắc nhở người dân rằng “ngày nào người Singapore còn năng động, thích nghi và cạnh tranh tốt, ngày đó chúng ta còn có thể tiến lên”.

Ông Lý Quang Diệu được đánh giá là người nổi tiếng về việc tuyên bố quan điểm hay đưa ra quyết định mạnh mẽ. Ông từng nói: “Chúng ta quyết định những gì đúng đắn. Đừng ngại mọi người nghĩ gì”.

Ông từng thừa nhận đã làm “một vài điều đau xót và nghiệt ngã để xử lý mọi việc đúng đắn và có thể có một số người không đồng ý với điều tôi đã làm”, song cái đích cuối cùng vẫn là vì lợi ích chung của đất nước.

Qua ba thập niên dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, Singapore từ khởi đầu gần như “hai bàn tay trắng” đã tiến lên đứng vào hàng ngũ những quốc gia phát triển bậc nhất thế giới. Khi ông Lý Quang Diệu mới lên nắm quyền, thu nhập bình quân đầu người của Singapore chỉ khoảng 400USD/năm, thế nhưng đến nay con số này đã là hơn 60.000USD/năm.
 
Và như giới phân tích từng ví von, 50 năm qua, trên "hải lộ" do "thuyền trưởng" họ Lý vạch ra, bất chấp phong ba bão táp, “chiếc ghe” Singapore  đã trở thành một “con tàu” lớn.

(Còn nữa)

Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm