1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế Trung Quốc giảm 6,8%, tăng trưởng âm lần đầu tiên sau gần 30 năm

(Dân trí) - Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992.

Kinh tế Trung Quốc giảm 6,8%, tăng trưởng âm lần đầu tiên sau gần 30 năm  - 1

Ảnh minh họa: AFP

Reuters dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, trong quý I năm nay, GDP của nước này giảm 6,8%, đánh dấu tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng 28 năm qua.

Mặc dù giới chức Trung Quốc đã nỗ lực vực dậy một số lĩnh vực của nền kinh tế vào tháng 2 sau khi tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại nước này bắt đầu chậm lại, song các chuyên gia phân tích cho rằng giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức cực lớn trong bối cảnh đại dịch khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.

Ngân hàng đầu tư Nomura dự đoán, Trung Quốc sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế trong thời gian tới, ngân hàng trung ương có thể sẽ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau. "Tuy nhiên, khác với các đợt nới lỏng tài khóa trước kia, lần này, chúng tôi cho rằng nguồn tài chính mới sẽ được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19", ngân hàng Nomura nhận định.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ để giúp giải phóng dòng tín dụng cho nền kinh tế, nhưng việc nới lỏng đến nay vẫn còn hạn chế hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Khảo sát của Reuters dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Trung Quốc có thể xuống thấp nhất gần một thế kỷ.

Dịch Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Để kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc đã cho phong tỏa hơn 60 triệu dân ở tâm dịch Hồ Bắc, trong khi nhiều tỉnh, thành phố lớn khác ở Trung Quốc cũng áp dụng các lệnh hạn chế như khuyến cáo người dân ở trong nhà, đóng cửa các nhà máy, cơ sở kinh doanh không thiết yếu.

Minh Phương
Theo Reuters