1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại

(Dân trí) - Người tiêu dùng và doanh nghiệp mất niềm tin. Doanh thu ô tô xuống dốc. Thị trường bất động sản gặp khó khăn. Công nhân nghỉ tết sớm trước 2 tháng. Đó là những điểm tối trong bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc hiện nay.

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ mua vé tàu tại Đông Quản. (Ảnh: New York Times)

Vào một buổi chiều, Yu Hong, 46 tuổi, đã lên tàu về quê ở tỉnh Hồ Bắc để nghỉ không lương trong 3 tháng. Nhà máy bóng đèn nơi ông làm việc ở thành phố Đông Quản đã cắt lương và giảm giờ làm của công nhân.

"Môi trường bây giờ đã khác trước rồi. Với những công nhân nhập cư như chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn kiếm thêm tiền", ông Yu nói.

Nền kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây và đặt ra thách thức lớn nhất cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong 6 năm lãnh đạo. Ở trong nước, ông Tập đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Những lựa chọn này có thể giúp kích thích nền kinh tế tăng trưởng, song cũng làm nảy sinh những vấn đề dài hạn, chẳng hạn nợ. Trên trường quốc tế, ông Tập buộc phải đưa ra những nhượng bộ trước Mỹ khi cuộc chiến thương mại với Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng nhiệt.

Việc đánh giá chính xác quy mô sụt giảm của nền kinh tế là điều khó khăn nếu chỉ dựa trên những số liệu kinh tế được cho là không đáng tin cậy của Trung Quốc. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các quan chức Trung Quốc ngày 14/12 đã thừa nhận tốc độ tăng trưởng chậm chạp đáng ngạc nhiên về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp hàng tháng. Nhiều nhà kinh tế nhận định sự sụt giảm hiện nay của kinh tế Trung Quốc là lần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm, khi Bắc Kinh buộc phải bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế để giữ cho tốc độ tăng trưởng không bị chững lại.

"Ông Tập Cận Bình từng ví Trung Quốc như một đại dương mà không cơn bão nào có thể quật ngã, nhưng trận siêu bão đang tấn công Trung Quốc là trận mạnh nhất từ trước đến nay", Diana Choyleva, nhà kinh tế học tại London nhận định, đồng thời dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thậm chí sẽ giảm xuống mức thấp hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính.

Trong 20 năm qua, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã trao cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc một nền tảng vững chắc chưa từng có. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đăng cai Thế vận hội mùa hè 2008, Bắc Kinh chưa phải nhờ cậy tới sự giúp đỡ của Mỹ cũng như các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, Trung Quốc bây giờ không còn được như vậy nữa.

Khó khăn của nền kinh tế

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Các công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Quảng Đông (Ảnh: New York Times)

Trong các tài liệu được công bố chính thức, Trung Quốc luôn thể hiện rằng nền kinh tế này vẫn phát triển ổn định. Các dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, đằng sau những con số này là sự sụt giảm đáng kể. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc xuống dốc trong tháng trước. Doanh số ô tô trong 3 tháng qua giảm với tỷ lệ kỷ lục. Thị trường bất động sản cũng không mấy khả quan.

"Chúng tôi không còn nhiều việc để làm, vì thế tôi quyết định về quê và nghỉ ngơi", Li Shulian, công nhân 46 tuổi tại nhà máy nhựa Đông Quản, nói khi đứng ở ga tàu cùng chồng và các con để chuẩn bị về quê. Nhà máy của Li đã cho công nhân nghỉ một tuần trong tháng 10, gần một tuần trong tháng 11 và cả hai lần đều không trả lương. Tiền làm thêm giờ cũng không có, do vậy thu nhập hàng tháng của bà đã giảm gần một nửa.

"Tôi chưa bao giờ về nghỉ lễ sớm như thế này kể từ khi tôi rời quê nhà vào năm 2005", Li nói.

Tình trạng ảm đạm của nền kinh tế có thể thấy rõ ở các "công xưởng sản xuất" của Trung Quốc như Quảng Châu và Đông Quản.

Li Xiaohong, một công nhân xây dựng 50 tuổi, đứng trước một cơ sở tuyển dụng ở ngoại ô Quảng Châu. Những tấm biển viết tay đều thông báo những công việc trả lương thấp và hầu hết đều giới hạn độ tuổi. Những người quá 50 tuổi sẽ không được tuyển.

Trong cả tháng trước, bà Li chỉ đi làm 2 tuần. Những công nhân xây dựng như bà không còn nhiều việc làm khi các doanh nghiệp phát triển bất động sản gặp khó khăn.

"Tôi từng rất bận rộn khi làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày, và chỉ có từ 3-5 ngày nghỉ một tháng. Nhưng bây giờ chúng tôi không còn nhiều việc để làm nữa", bà Li nói.

Câu hỏi được đặt ra bây giờ là chuyện gì sẽ xảy ra vào năm tới, đặc biệt ở những khu vực ven biển vốn phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Trong một bình luận trên Twitter hôm 14/12, Tổng thống Donald Trump viết: "Trung Quốc vừa thông báo rằng nền kinh tế của họ đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự tính vì cuộc chiến thương mại với chúng ta".

Ngoài khó khăn về kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với việc cân bằng quan hệ ngoại giao trên trường quốc tế. Các nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã bắt giữ hai công dân Canada nhằm trả đũa vụ Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei theo đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên, do lo ngại leo thang căng thẳng với Mỹ có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, nên giới chức Trung Quốc đã lựa chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Washington trong vấn đề này.

Một số nhà kinh tế tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ được cải thiện vào giữa năm sau. Trung Quốc cho đến nay dường như cũng đã tránh được kịch bản tổn thất quá nhiều việc làm như từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy vậy, các lựa chọn của Bắc Kinh để kích thích nền kinh tế bây giờ không còn hiệu quả như trước đây.

Thành Đạt

Theo New York Times