Tường trình của phóng viên Lao Động từ thành phố chết:
Kinh hoàng Tacloban!
Người chết thì vẫn nằm la liệt đầy đường; người sống cũng chẳng khá hơn xác chết là mấy khi suốt mấy hôm nay trong tình trạng đói, khát, không nhà cửa, dẫn đến phải cướp bóc để giành thực phẩm, nước uống...
Sân bay Daneil Z.Romualdez ở TP.Tacloban hoang tàn sau bão.
Vừa bước xuống sân bay Daneil Z. Romualdez của Tacloban, chưa kịp hoàn hồn vì sự hoang tàn đến khó tin của cơ sở hạ tầng tại đây sau bão, chúng tôi đã nôn thốc tháo vì bất ngờ mùi xác chết theo gió xộc vào mũi.
Quanh chúng tôi, hàng ngàn người dân địa phương với vẻ mặt bơ phờ, tuyệt vọng đang chen chúc nhau chật kín cả sân bay đã từ nhiều ngày nay để tìm cơ hội rời xa “thành phố chết” càng sớm càng tốt.
“Tôi đã có trong tay tấm vé bay về thành phố Cebu từ ngày 11.11, nhưng cho đến bây giờ (15 giờ ngày 13.11 – PV), tôi vẫn chưa thể chen qua khỏi dòng người chật cứng để lên máy bay rời nơi này” - Leither Martin - người đàn ông tầm 40 tuổi - mếu máo phân trần với PV Báo Lao Động.
Những gương mặt thất thần trước cảnh sống chung với xác chết, thiếu điện, nước, thực phẩm và họ muốn thoát khỏi thành phố.
Ngoài các chuyến bay dân dụng hằng ngày tại đây còn có các chuyến bay quân sự để di tản những người dân bị bệnh nặng, trẻ nhỏ ra khỏi thành phố chết, nhưng dòng người vẫn không ngừng đổ về khu vực sân bay.
Leither Martin kể, lúc sáng sớm, có hai chiếc máy bay vận tải của quân đội Chính phủ Philippines hạ cánh xuống sân bay Tacloban, hàng ngàn người dân vốn cắm trại chờ sẵn bên ngoài sân bay đã tràn qua hàng rào sắt bị sập để chạy ra đường băng.
“Tôi cũng chạy theo họ nhưng tôi lại chậm chân vì chỉ có vài trăm người được lên máy bay” - Leither Martin khóc.
“Tôi đã gào thét, đã quỳ xuống van xin nhưng không ai cho chúng tôi lên máy bay” – một phụ nữ đứng cạnh Leither Martin thều thào kể. Mấy hôm nay, các lực lượng tình nguyện được huy động cung cấp nước uống, thực phẩm cho người dân đang chờ tháo chạy ở sân bay, nhưng vẫn không thể đáp ứng hết. “Hai hôm nay tôi chỉ uống nước và ăn chút lương khô để cầm hơi, không biết tôi có sống được để đi khỏi đây không...” – giọng ai đó thút thít...
Xác chết la liệt bên vệ đường
Rời sân bay, chúng tôi và nhóm phóng viên của VTV phải lội bộ khoảng 6 cây số nữa mới vào được trung tâm thành phố Tacloban. Dù cơn bão Haiyan đã càn quét gần một tuần, nhưng đường phố vẫn ngập bùn, trụ điện, cây ngã, nhà sập bị thổi tung ra đường vẫn còn ngổn ngang.
Xác chết dọc vệ đường.
Các hàng quán, chợ hầu như không hoạt động. Quân đội cũng được tăng cường được rải khắp thành phố để giữ an ninh trật tự. Tuy vậy, do số lượng người dân đói khát quá lớn nên xảy ra tình trạng hôi của, cướp giật, thậm chí giết nhau để giành giật từng gói thực phẩm, bình nước...
“Ở đây sống còn khổ hơn chết. Những người chết ngoài kia họ còn được nằm yên, nhưng chúng tôi buộc phải la lết đi kiếm cái ăn” - một người dân địa phương nói với chúng tôi giọng phẫn nộ.
“Chúng tôi gần như không thể kiểm soát nổi. Vừa hôm qua, chúng tôi buộc phải nổ súng vào 3 kẻ thuộc đội quân chuyên đi cướp bóc, hôi của để vãn hồi trật tự” - anh Bayaona Christian Joy G - sĩ quan quân đội của Manila được điều động về làm nhiệm vụ tại Tacloban - cho biết.
Theo anh Bayaona Christian Joy G, chính quyền Manila đã điều động 120 binh lính tới làm nhiệm vụ cứu trợ, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân tại Tacloban, tuy nhiên với thành phố rộng lớn và đầy hỗn loạn như hiện nay, con số này quả như muối bỏ bể.
Tính từ ngày cơn bão Haiyan càn quét qua đến nay đã gần một tuần, số người bị chết vẫn chưa thể thống kê chính xác bởi dưới các đống đổ nát khổng lồ chưa được dọn dẹp vẫn còn không biết bao người mắc kẹt.
Nhưng chắc chắn, đó là con số không hề nhỏ, bởi chỉ trên quãng đường khoảng 6 cây số từ sân bay vào thành phố, đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy la liệt những xác chết được quấn bằng những tấm nylon đặt bên vệ đường.
Bao trùm lên thành phố là một bầu không khí đậm đặc mùi chết chóc. Người dân đi lại trên phố hay ở trong nhà đều phải bịt mũi.
“Cứ mỗi ngày lại phát hiện thêm nhiều xác chết được tìm thấy khi người dân, lực lượng cứu hộ dọn dẹp các đống đổ nát. Các xác chết được tìm thấy được khuân ra để dọc bên đường. Mây hôm nay chúng tôi phải sống cùng với xác chết” - ông Toreto - một người dân sinh sống gần khu siêu thị Robinson - rên rỉ.
Ông Toreto làm chúng tôi rợn tóc gáy khi bất ngờ kéo tay chúng tôi chỉ về phía sau lưng, và đó là hình ảnh sẽ còn ám ảnh chúng tôi rất lâu nữa: Một chó hoang đang rúc đầu vào một xác chết!
Ở Tacloban những ngày này, người chết đâu có được nằm yên như ai đó vừa nói. Ông Toreto thở dài: “Mấy hôm nay cả thành phố đầy rẫy những con chó vô chủ lang thang đi bới tìm xác chết người, động vật... như vậy”.
“Chúng tôi muốn về quê hương VN”
Trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi và nhóm phóng viên VTV mỗi người một ngả đi bộ xuyên qua khu siêu thị Robinson - nơi được cho là có người VN sinh sống còn đang mắc kẹt.
Sau quãng đường khoảng 2km len lỏi phía sau khu siêu thị, qua nhiều ngóc ngách, nhiều chỗ vẫn còn lầy lội nước đọng và bùn lầy, có nơi nước vẫn ngập tới ngang đùi, các đồng nghiệp của chúng tôi đã tới được nơi hai gia đình người Việt vẫn còn đang mắc kẹt tại đây.
Một cảm giác gần như là vỡ òa khi nhìn thấy vợ chồng bà Mai Thanh Hương (60 tuổi, quê Nha Trang) và gia đình anh Nguyễn Phước (quê Phú Yên).
Bà Mai Thị Hương - một trong 5 người Việt còn bị mắc kẹt ở Tacloban chỉ vào số gạo ít ỏi - tài sản quý giá nhất của 2 vợ chồng.
Bất ngờ gặp hai người Việt hiếm hoi ở nơi này, Bà Hương ôm chầm lấy nhóm phóng viên mếu máo: “Chúng tôi trắng tay rồi, không còn gì cả. Tiền bạc không còn đồng nào, gạo cũng sắp hết, sức khỏe cũng không còn để chạy, giờ chỉ còn biết ngồi đây đợi mà thôi. Đám thanh niên họ đi hết rồi, chỉ còn có chúng tôi kẹt lại”.
Nếu vợ chồng bà Hương vì già cả không còn sức di chuyển những chặng đường dài thì gia đình anh Nguyễn Phước lại kẹt cô con gái nhỏ mới được 2 tuổi.
Mấy ngày qua anh còn lấn bấn ở lại vì vợ anh là người Philippines, nhưng đến giờ, anh cũng chỉ mong rời được Tacloban ngày nào tốt ngày đó.
Anh tâm sự: “Chẳng có cửa hàng thực phẩm hay siêu thị nào mở cửa vì bọn cướp đầy đường. Chúng tôi sắp không còn cái gì để ăn, không biết còn có thể cầm cự được đến lúc nào. Mong ước lớn nhất của chúng tôi bây giờ là được trợ giúp để thoát khỏi cảnh bế tắc này và được quay về quê hương”.
Được biết tại Tacloban có khoảng 100 người Việt sinh sống, đến nay vẫn chưa có thông tin người Việt nào tử nạn trong siêu bão Haiyan.
PV Báo Lao Động tại một điểm chờ xe buýt giờ hoang tàn và là nơi xếp xác chết.
Hầu hết mọi người đã tự tìm đường rời khỏi thành phố Tacloban, trừ 5 người còn mắc kẹt lại tại khu Block 9, Phase 1, Lot 25 V&G mà thôi. Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện số người Việt dồn về thị trấn Ormoc, cách Tacloban khoảng 3 giờ đồng hồ xe chạy, khá đông. Dự kiến Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines sẽ mang hàng hóa cứu trợ đến cho cộng đồng người Việt tại thị trấn này trong ngày hôm nay (14.11).
Hội Chữ thập Đỏ VN ủng hộ 50.000USD giúp đỡ nhân dân Philippines
Chiều 13.11, Hội Chữ thập Đỏ VN đã trao số tiền 50.000USD ủng hộ giúp đỡ nhân dân Philippines cho Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam. Nhằm chia sẻ với nhân dân Philippines trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai do bão Haiyan, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sẽ tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ tự nguyện của tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm.