1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Kiến đấu voi": Vì sao Ukraine khiến Hạm đội Biển Đen Nga tê liệt?

Minh Phượng

(Dân trí) - Dù Nga đang giành nhiều thắng lợi trên chiến trường, nhưng Hạm đội Biển Đen của họ bị tê liệt và ngay ở trong căn cứ cũng phải chịu tổn thất nặng nề. Liệu Ukraine có vũ khí thần kỳ?

Kiến đấu voi: Vì sao Ukraine khiến Hạm đội Biển Đen Nga tê liệt? - 1

Ukraine tuyên bố đánh chìm 2 tàu đổ bộ hạng nhẹ của Nga ở Crimea (Ảnh: POWER STEERING).

Tàu không người lái của Ukraine đã thành công trong việc vô hiệu hóa thành công Hạm đội Biển Đen của Nga. Vì sao vậy và bài học cho Hải quân Nga là gì?

Tàu không người lái của Ukraine có gì nguy hiểm?

Quả thực, công nghệ tàu không người lái (USV) của Ukraine không hề phức tạp bởi nó thực chất là một phiên bản cải tiến của tàu máy thông thường, với hệ thống điều khiển được cải tiến và bổ sung thêm vũ khí, thiết bị quang điện tử.

Động cơ và thiết bị điện tử của tàu không người lái có thể dễ dàng mua được trên thị trường dân sự. Khí tài quang điện tử của tàu không người lái, được kết hợp với thiết bị liên lạc đầu cuối của vệ tinh Starlink, để tạo thành hệ thống điều khiển bán tự động.

Người điều khiển có thể thu thập thông tin tình báo từ tín hiệu vệ tinh NATO, các phương tiện trinh sát và dẫn đường khác nhau, điều khiển tàu USV tới khu vực chiến đấu được chỉ định, tiếp cận mục tiêu và sau đó phát động các cuộc tấn công.

Việc điều khiển trực tiếp tàu không người lái, được thông qua video từ máy quay trên tàu, được truyền qua hệ thống Starlink.

Để tăng mức độ chính xác và tin cậy, những chiếc USC còn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị toàn cầu GPS, đề phòng sự cố của hệ thống Starlink.

Ưu điểm chính của USV là chi phí thấp. Quân đội Ukraine có thể lắp ráp nó ở hầu hết mọi xưởng sản xuất nhỏ với các bộ phận nhập khẩu. Ngay cả khi Nga tìm thấy các địa điểm này và tấn công, Ukraine vẫn đủ nguồn cung cấp.

Ngoài ra tàu không người lái có kích thước nhỏ, có thể sản xuất ở sâu trong nội địa và vận chuyển bí mật ra các khu vực ven biển.

Hiện nay USV của Ukraine ngoài mang thuốc nổ, còn có thể mang vũ khí tiến công. Ví dụ tàu không người lái Haiying được trang bị bệ phóng, có thể khai hỏa đạn pháo phản lực không điều khiển BM-21 Grad.

Một phiên bản cải tiến khác chỉ lắp 2 mô-đun phóng rocket B-8V20A hoặc S-8 (đạn không điều khiển dùng trên máy bay chiến đấu của Liên Xô).

Thậm chí loại tàu không người lái Sea Baby của Ukraine, còn được trang bị tên lửa không đối không R-73, được cải tiến để có thể phóng đi từ mặt nước và bắn hạ những mục tiêu bay thấp.

Tuy nhiên xác suất để một tên lửa không điều khiển trên tàu không người lái bắn trúng mục tiêu là rất thấp. Cách duy nhất để Ukraine giành được lợi thế trước Hải quân Nga là phát động một cuộc tấn công bão hòa thông qua chiến thuật bầy đàn bằng tàu không người lái tự sát và chi phí cho việc làm này cũng không quá cao.

Kiến đấu voi: Vì sao Ukraine khiến Hạm đội Biển Đen Nga tê liệt? - 2

Tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga được cho là bị Ukraine phá hủy tháng 4/2022 (Ảnh: OSINT).

Tại sao Hạm đội Biển Đen của Nga bất lực?

Khi xung đột nổ ra, lực lượng hải quân nhỏ bé của Ukraine nhanh chóng tê liệt và gần như bị xóa sổ bởi sự đánh phá của Nga, mất toàn bộ tàu nổi, từ vận tải cho đến tuần tra.

Trong bối cảnh như vậy,  Ukraine chủ yếu sử dụng tàu không người lái, tên lửa hành trình và UAV để tiến hành các cuộc tấn công phối hợp, đạt hiệu quả rất cao, khiến Hạm đội Biển Đen của Nga tan nát.

Trước một cuộc chiến "phi đối xứng" trên biển, Hạm đội Biển Đen nhanh chóng bất lực trước sức tấn công từ các loại vũ khí tưởng chừng như rất thô sơ của Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một hạm đội tương đối có tên tuổi như Hạm đội Biển Đen, lại chịu tê liệt trước vũ khí tấn công tưởng chừng như rất thô sơ của Ukraine? Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu đó là:

Thứ nhất, sự lạc hậu về sức mạnh trên biển của Nga đơn giản là truyền thống lịch sử. Hải quân Nga chưa bao giờ thực sự mạnh.

Những tàu chiến khổng lồ của Hạm đội Biển Đen - sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh - có tác dụng răn đe những đối thủ "yếu bóng vía" hơn là hiệu quả trong chiến đấu. Chẳng hạn như tàu tuần dương Moskva nhìn chung là lạc hậu, thô sơ và nhất là các khí tài trinh sát đều là đồ cổ, radar chưa được nâng cấp và hiện đại hóa, hiệu quả hoạt động kém.

Nếu chỉ nhìn vào số lượng tên lửa mà tàu tuần dương Moskva mang theo cũng như tầm bắn và sức công phá của tên lửa, có vẻ như nó có khả năng tấn công rất mạnh. Nhưng một yếu tố quan trọng là những vũ khí của con tàu này không hề có khả năng tàng hình, nên có thể dễ dàng bị bắn hạ.

Hệ thống radar và điều khiển hỏa lực của Moskva còn lạc hậu nữa, đặc biệt là khả năng liên lạc vệ tinh cũng như hệ thống chỉ huy chiến đấu. Con tàu này giống như một con voi, dù có sức mạnh, tuy nhiên phản ứng chậm, không như tàu chiến của Mỹ, giống một con sư tử nhanh nhẹn.

Do vậy khi phải đối mặt với những vũ khí tiên tiến và linh hoạt, được hỗ trợ bởi thông tin tình báo chất lượng cao, chiếc tàu chiến kiểu cũ này dễ bị biến thành bia tập bắn.

Dù lực lượng Moscow có thể đang liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, nhưng Hạm đội Biển Đen còn phải rút lui về căn cứ. Thậm chí ngay cả trong căn cứ, họ vẫn chịu tổn thất nặng nề.

Thứ hai, khả năng ứng phó tác chiến của các tàu chiến cỡ lớn của Hải quân Nga không tốt, cùng với đó là khả năng trinh sát và phản ứng của hệ thống phòng thủ căn cứ cũng hạn chế.

Như vậy, thực tế không phải tàu không người lái của Ukraine mạnh, mà là khả năng ứng phó của lực lượng hải quân Nga quá yếu và trong một thời gian dài chưa được nâng cấp đầy đủ. Hệ thống vệ tinh của Nga cũng kém xa hệ thống định vị vệ tinh GPS và Starlink của Mỹ.

Trước mối đe dọa từ USV Ukraine, Hải quân Nga cũng đưa ra một số giải pháp, trong đó trực thăng đang được coi là cách tốt nhất để tiêu diệt chúng.

Trực thăng tuần tra căn cứ hải quân và trực thăng trên tàu làm nhiệm vụ trên biển có thể dễ dàng phát hiện tàu không người lái và tiến hành tấn công. Tuy nhiên, mới đây Ukraine đã lắp đặt tên lửa không đối không R-73 trên tàu không người lái, khiến trực thăng Nga gặp nguy hiểm.

Ngoài ra các sonar mà trực thăng của Nga mang theo cũng lạc hậu, chưa thể phát hiện kịp thời tàu không người lái Ukraine đang tiếp cận căn cứ. Trong khi những chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U của Nga thì quá ít, không đủ lấp đầy khoảng trống về trinh sát trên biển.

Vì vậy, việc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga đành bất lực trước USV của Ukraine không khiến mấy người ngạc nhiên.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine