1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Qatar: Bẫy hiểm của Mỹ với đồng minh

Những gì đã xảy ra với Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq cho thấy cái bẫy của người Mỹ luôn rất nguy hiểm với đối tác, đồng minh...

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn còn nóng và sẽ còn nóng. Vấn đề bắt đầu và xoay quanh việc Ả-rập Saudi khởi xướng và nhanh chóng kéo đồng minh vào “đánh hội đồng” Qatar với nghi ngờ quốc gia này đồng phạm khủng bố.

Tuy nhiên, cái đích mà mũi tên của Riyadh hướng tới là Tehran – kẻ thù lớn nhất của Riyadh, còn tiểu quốc Trung Đông thực ra chỉ là một quân cờ di động.

Giới phân tích cho rằng Riyadh có thể gặp nguy hiểm, nếu quyết gia tăng đối trọng với Tehran, mà hậu quả chính quyền Saddam Hussein đã phải nhận lãnh trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq, giai đoạn 1980 -1988 là một bài học không thể lãng quên.


Cuộc khủng hoảng xoay quanh quân cờ di động Qatar đang đưa Ả-rập Saudi vào thế nguy hiểm

Cuộc khủng hoảng xoay quanh quân cờ di động Qatar đang đưa Ả-rập Saudi vào thế nguy hiểm

Đất nước kiệt quệ vì mộng Bá chủ Trung Đông

Sau Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, cuộc xung đột giữa tư tưởng Hồi giáo thống nhất - dòng Shi'ite mà Iran là đại diện với tư tưởng Hồi giáo quốc gia Ả-rập - dòng Sunni mà đại diện là Iraq của Saddam Hussein, đã hình thành, theo History.

Xung đột giữa Hồi giáo dòng Shi'ite và Hồi giáo dòng Sunni tại Trung Đông đã trở thành trung tâm xung đột của thế giới Hồi giáo.

Với mong muốn đưa Iraq lên tầm cường quốc khu vực, Tổng thống Saddam Hussein đã chuyển xung đột tư tưởng thành xung đột vũ trang, với việc tấn công Iran, qua đó nhằm gia tăng lượng dự trữ dầu mỏ cho Iraq – điều kiện quan trọng để hiện thực hoá mộng bá chủ.

Ngày 22/9/1980, Iraq đã xua quân xâm lược Iran, bắt đầu cho một cuộc chiến tranh quy ước dài nhất thế kỷ 20. Mãi đến ngày 20/8/1988 cuộc chiến này mới chấm dứt.

Cuộc chiến tranh Iran - Iraq đã làm thay đổi căn bản hình chính trị tại Trung Đông

Hậu quả cuộc "huynh đệ tương tàn" này là thiệt hại rất lớn về kinh tế - tài chính cho cả hai bên, ước tính khoảng 1.200 tỷ USD. Phát triển kinh tế đình trệ và công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ tàn lụi. Thảm hoạ kinh tế của Iraq nghiêm trọng hơn Iran rất nhiều.

Iraq đã phải gánh món nợ quốc tế lên tới 130 tỷ USD, khiến cho tăng trưởng GDP của nước này thời hậu chiến quá chậm chạp. Đây được cho là nguyên nhân quan trọng khiến Saddam quyết định gây chiến với Kuwait – một quốc gia từng hỗ trợ cho Iraq trong cuộc chiến với Iran.

Việc “túng làm liều” của Saddam Hussein đã bị trừng phạt, khi Liên quân 34 nước thực hiện chiến dịch Bão táp sa mạc, giải phóng Kuwait vào tháng 2/1991, đưa Iraq vào cảnh cùng quẫn hơn với khoản bồi thường chiến tranh lên tới 200 tỷ USD và quốc gia này còn bị cấm vận.

Thực tế đó khiến cho Iraq của Saddam Hussein không còn là đối trọng của Iran, trước khi bị Mỹ lật đổ vào năm 2003. Ả Rập Saudi - một đồng minh khác của Iraq trong cuộc chiến với Iran - được cho là đã tiếp quản vai trò của Iraq, tạo ra một đối trọng mới với Iran tại Trung Đông.

Cho dù tính chất cuộc xung đột Ả-rập Saudi – Iran khác tính chất của cuộc xung đột Iraq – Iran, song bản chất thì vẫn là một, đó là cuộc đua tranh cho ngôi vị "Bá chủ Trung Đông" và hy vọng trở thành trái tim của thế giới Hồi giáo.


 Những giếng dầu không còn là công cụ giúp Riyadh hiện thực hoá mộng bá chủ Trung Đông

Những giếng dầu không còn là công cụ giúp Riyadh hiện thực hoá mộng bá chủ Trung Đông

Xung đột Ả-rập Saudi – Iran không dẫn đến một cuộc chiến tranh trực diện, mà chuyển sang hình thức tranh giành ảnh hưởng trong khu vực qua việc “kết đối tác, lập đồng minh”. Ả-rập Saudi đã tham chiến ở Yemen, Syria, viện trợ cho Ai Cập..

Hậu quả là chi tiêu của chính phủ Ả rập Saudi giai đoạn 2003 - 2015 đã tăng gấp 4 lần, đẩy mức giá hòa vốn của dầu thô - mức giá mà chính phủ Hoàng gia cân đối ngân sách- lên tới hơn 100 USD/thùng, theo IMF.

Khi giá dầu cao, mọi việc đều không là vấn đề, song khi giá dâu thô sụt giảm kỷ lục khiến chi phí cho "kết hội, nối thuyền" trở thành cộng hưởng thâm hụt ngân sách của Ả rập Saudi. Năm 2015 và 2016, thâm hụt ngân sách của chính phủ Hoàng gia đều trên 20%/GDP.

Cũng trong 2 năm 2015 và 2016, chính phủ Ả-rập Saudi đã tiêu tốn khoảng 100 tỉ USD trong số 650 tỉ USD của quỹ dự trữ quốc gia. Cùng với đó là thâm hụt ngân sách trong 2 năm này cũng lên tới hơn 200 tỷ USD.

IMF thậm chí đã phải đưa ra dự báo nguy hiểm là Ả-rập Saudi có thể cạn tiền trong vòng bốn năm nữa. Như vậy là tham vọng "Bá chủ Trung Đông" của Riyadh đã góp phần làm cho kinh tế đất nước Ả-rập Saudi khó khăn hơn.

Giới phân tích cho rằng, nếu Riyadh không tạm gạt mộng bá chủ thì bài học của chính quyền Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq có thể sẽ lặp lại với Ả-rập Saudi.

Song Riyadh đã khởi phát cuộc khủng hoảng Qatar, cho thấy dường như họ đã sẵn sàng chấp nhận điều nguy hại đó.

Luôn ngậm quả đắng của Mỹ vì tham vọng Bá chủ Trung Đông

Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, chính quyền Saddam Hussein được sự ủng hộ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì Iraq đã tạo ra một đối trọng quan trọng với nhà nước Iran hậu cách mạng.


 Qủa đắng của Saddam là lời canh báo với Ả-rập Saudi

Qủa đắng của Saddam là lời canh báo với Ả-rập Saudi

"Tổng thống Jimmy Carter được cho là đã bật đèn xanh cho Saddam Hussein thực hiện một cuộc chiến chống lại Iran và đã thông báo với ông ta rằng Washington hỗ trợ Baghdad trong cuộc chiến với Tehran", theo History.

Điều đó cho thấy Mỹ đã nghiêng hẳn về phía Iraq của Saddam, song Baghdad lại không thể chiếm ưu thế trước Tehran trong tình trạng bị cô lập.

Thực trạng đáng ngờ đó đã được cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger lý giải là Washington không hoàn toàn đứng bên cạnh Baghdad như họ cam kết.

Một quả đắng với Saddam Hussein.

Hiện nay, Riyadh đang được Washington tạo lợi thế trước Tehran. Điều dó thể hiện rõ trong chuyến công du quốc tế đầu tiên tới Ả-rập Saudi của Tổng thống Trump, khi nhà lãnh đạo Mỹ đã lên án Tehran, khẳng định đứng bên cạnh Riyadh trong cuộc đối trọng này.

Gần đây nhất là ngày 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã lên tiếng rằng chính sách của Mỹ ngoài việc ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, còn có hướng hỗ trợ những nhân tố bên trong Iran dẫn dắt việc chuyển giao hòa bình chính phủ nước này. Riyadh như mở cờ trong bụng.

Về quân sự, Ả-rập Saudi là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông nên việc hỗ trợ luôn được xem trọng.

Trong cuộc tỷ thí tại Yemen giữa Ả-rập Saudi và chính quyền Yemen với lực lượng du kích Houthi được Iran hậu thuẫn, tàu chiến Mỹ luôn túc trực ngoài khơi Yemen nhằm hỗ trợ cho các đồng minh.


Saddam Hussein vì tin lời hứa của Mỹ khiến Iraq tan hoang

Saddam Hussein vì tin lời hứa của Mỹ khiến Iraq tan hoang

Tuy nhiên, dường như những lợi thế được Washington tạo ra vẫn không thể giúp Riyadh tạo ra ưu thế trước Tehran.

Giới quan sát chưa nhận thấy điều gì bất thường, song dư luận đã bắt đầu hoài nghi về sự hỗ trợ của Washington với Riyadh - hoặc là không thực chất, hoặc là kìm chế đồng minh.

Cũng nên nhắc lại rằng, dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, vốn đặt nặng lợi ích chính trị, cho dù quan hệ Washington - Tehran còn đang trong giai đoạn nhạy cảm, vậy mà một thương vụ giữa tập đoàn Boeing với Tehran trị giá lên tới 25 tỷ USD đã được xúc tiến.

Nếu ngày 8/7/2016, Hạ viện Mỹ không phê chuẩn biện pháp ngăn cản thì một thương vụ lớn nhất giữa Mỹ và Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979 đã được thực hiện.

Trong khi chính quyền Trump hiện nay lại xem trọng lợi ích kinh tế thì việc Riyadh bị Washington cho rơi vào thế việt vị đối với Tehran là hoàn toàn có thể xảy ra, mà thái độ nhẹ nhàng của Washington với "đồng phạm khủng bố Qatar" - đồng minh của Iran - là một dấu hiệu.

Có thể thấy rằng, những gì đã xảy ra với chính quyền Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq liên quan tới lời cam kết ủng hộ của Wasington, được xem là lời cảnh báo cho Riyadh trong cuộc xung đột Ả rập Saudi - Iran hiện nay.

Trong quan hệ ngoại giao quốc tế, dường như người Mỹ luôn chuẩn bị những quả đắng để tặng cho đống minh, đối tác của mình.

Theo Ngọc Việt

Báo Đất việt