1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng lương thực trầm trọng khiến phương Tây e ngại trừng phạt Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu có nguy cơ gây ra nạn đói trên diện rộng khiến phương Tây lo ngại và đứng trước lựa chọn khó khăn hơn trước khi "xuống tay" trừng phạt Nga.

Khủng hoảng lương thực trầm trọng khiến phương Tây e ngại trừng phạt Nga - 1

Một tiệm bánh ở Beirut, Li băng. Các nhà máy lúa mì thiếu ngũ cốc ở Li băng đã buộc một số tiệm bánh phải đóng cửa (Ảnh: Reuters).

Tại Yemen, giá bánh mì đã tăng 35% chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Các nhà máy xay bột mì ở Li băng gần đây phải dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, khiến các tiệm bánh phải đóng cửa. Và ở Kenya, dầu ăn trở nên vô cùng khan hiếm.

Khi Mỹ và châu Âu dự tính các vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, ngày càng có nhiều lo ngại về hệ lụy kéo theo: vấn nạn đói kém đáng báo động trên toàn thế giới ngày càng nghiêm trọng và sẽ không dễ dàng đảo ngược.

Các nhà hoạch định chính sách đã và đang chạy đua mở chuỗi cung ứng và cung cấp tài chính lương thực cho các nước đang phát triển, nhưng do chi phí năng lượng tăng và xuất khẩu hạn chế từ Nga và Ukraine, một số nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang bị đe dọa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận đương đầu với các đòn trừng phạt, và cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng khi ông ra lệnh chặn xuất khẩu lương thực và ngũ cốc từ khu vực và gây áp lực về phía phương Tây trong vấn đề này.

Vai trò quan trọng của khu vực này trong chuỗi cung ứng thực phẩm gây ảnh hưởng theo tầng, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Phần lớn ngũ cốc và phân bón trên thế giới đến từ Nga, Ukraine và Belarus. Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 30% lúa mì và 75% dầu hướng dương cho thị trường toàn cầu.

Việc nguồn cung bị tắc nghẽn cùng với việc thời hạn và phạm vi các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga chưa rõ ràng, đã khiến nhiều nước phải áp lệnh cấm xuất khẩu để tích trữ hàng hóa, đề phòng cho những kịch bản xấu hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng qua cho biết, ông đang lên kế hoạch xây dựng loạt kho chứa tạm thời ở biên giới Ba Lan để hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine có thể được vận chuyển bằng đường sắt đến châu Âu và cả thế giới, thay vì đi qua biển Đen.

Tuy nhiên, ông Biden cảnh báo nỗ lực này sẽ mất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu lương thực của thế giới ngày càng trở nên cấp bách. "Tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đưa 20 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine ra thị trường nhằm giúp hạ giá lương thực" ông Biden nói tại một hội nghị AFL-CIO. "Nhưng việc này rất mất thời gian".

Thúc đẩy làn sóng bảo hộ mới

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, gần một nửa dân số ở các nước thu nhập thấp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, vốn thường dẫn đến bất ổn xã hội. Ông David Malpass, Chủ tịch WB, cảnh báo: "Nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng và nạn đói ngày càng gia tăng, thậm chí là nạn đói ở một số khu vực".

Người dân ở các nền kinh tế mới nổi thường chi phần lớn ngân sách hàng ngày cho thực phẩm, và những chi phí đó đang tăng lên. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực trong tháng 5 đã tăng gần 30% so với một năm trước đó, do giá ngũ cốc và thịt tăng cao hơn.

Giá phân bón tăng vọt, do các lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus, cùng với giá năng lượng toàn cầu cao, chi phí vận chuyển tăng chóng mặt càng khiến cuộc khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, "nếu không có phân bón, tình trạng thiếu hụt sẽ lan rộng từ ngô và lúa mì sang tất cả các loại cây trồng chính, bao gồm cả lúa gạo, với tác động tàn phá đối với hàng tỷ người ở châu Á và Nam Mỹ".

Việc tăng giá đang thúc đẩy làn sóng bảo hộ mới.

Các nước như Indonesia, Ấn Độ và Malaysia đã hạn chế xuất khẩu dầu ăn, lúa mì và thịt gà để bảo vệ thị trường nội địa. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khoảng 20 quốc gia có một số hình thức kiểm soát xuất khẩu để hạn chế tác động của giá lương thực tăng cao.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu, châu Mỹ, trong khối G7 đều nhận thức rất rõ những rủi ro lương thực, đặc biệt là với các nước đang phát triển khi họ có thể phải đối mặt liên quan đến mối lo an ninh lương thực vào cuối năm nay.

Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe cho hay, các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực đưa ra các biện pháp trừng phạt để giảm thiểu lạm phát lương thực. Tại Mỹ, Bộ Tài chính đã ban hành một số miễn trừ trừng phạt, hoặc giấy phép chung, nhằm cho phép lưu thông xuất khẩu thực phẩm.

Bất chấp nỗ lực đó, một số người lo ngại các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây vẫn làm nảy sinh những tác dụng phụ không mong muốn.

Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành gói trừng phạt mới trong tháng 6, trong đó cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga. Để thắt chặt các hạn chế với dầu Nga, EU cũng đang từng bước cấm các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hải với tàu chở hàng hóa của Nga, một bước đi nhằm cản trở khả năng chuyển hướng dầu của Nga đến các khu vực khác trên thế giới.

Để ngăn chặn sự phát triển như vậy, chính quyền Biden đã nhắc nhở các công ty nông nghiệp và vận tải biển rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn cản họ mua và vận chuyển phân bón của Nga.

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo về tác dụng phụ của động thái này, vì lo ngại tàu chở thực phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu các công ty bảo hiểm quá lo ngại về nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt, họ có thể tham gia vào cái mà được gọi là "tự xử phạt", từ chối vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào có nguồn gốc từ Nga vì lo ngại có thể gặp rắc rối.

Để ngăn chặn xu hướng đó, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh với các công ty nông nghiệp và vận tải rằng lệnh trừng phạt không cấm họ mua hay vận chuyển phân bón Nga. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi tháng 4 cho biết Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới, nhưng vẫn chú trọng đến vấn đề nguồn cung lương thực toàn cầu.

"Ngay cả khi tiếp tục tăng sức ép trừng phạt cũng như các biện pháp kinh tế khác chống lại Nga, chúng tôi vẫn nhấn mạnh cam kết cho phép thực hiện các hoạt động nhân đạo cũng như những hoạt động thiết yếu khác mang lại lợi ích với mọi người dân trên thế giới, đảm bảo các mặt hàng nông sản và thực phẩm cơ bản luôn sẵn có", Bộ trưởng Yellen nói.

Mối lo lớn cho châu Phi

Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng những cam kết như vậy không được đáp ứng và tác động dữ dội của các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga đang được thể hiện rõ ở châu Phi.

Tại một hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 5, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall cảnh báo rằng việc cắt các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT "đang cản trở đáng kể khả năng mua thực phẩm và phân bón" của các nước châu Phi.

"Khi hệ thống SWIFT bị gián đoạn, điều đó có nghĩa là ngay cả khi các sản phẩm có sẵn, việc thanh toán cũng trở nên phức tạp, nếu không muốn nói là không thể", ông Sall, hiện cũng là Tổng thống Senegal, cho biết.

Khi cuộc xung đột Ukraine kéo dài và tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng, những tranh cãi về việc liệu có nên đưa ra biện pháp trừng phạt nào đó nhằm vào Nga có thể ngăn chặn được nạn đói hay không.

Chuyên gia Ian Mitchell, thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nói rằng Ukraine đã trở thành một thỏi nam châm toàn cầu về viện trợ nhân đạo nhằm gây tổn hại cho các nước thu nhập thấp ở Trung Đông, châu Phi và Trung Mỹ vốn đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và giờ đây phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang. Ông lập luận rằng, các nước phương Tây cần bàn đến việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, các nhóm viện trợ nhân đạo đang phải vật lộn để hỗ trợ các nước nghèo khi lạm phát làm căng ngân sách của họ.

Ngân hàng Thế giới đã cam kết đầu tư 12 tỷ USD vào các dự án mới trong vòng 15 tháng tới để hỗ trợ nông dân và tạo thuận lợi cho thương mại, và nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn trên thế giới đã cam kết triển khai các kế hoạch viện trợ và tài trợ để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lương thực.

Đối với nhiều quốc gia, điều đó có thể là quá muộn.

Tjada D'Oyen McKenna, giám đốc điều hành nhóm cứu trợ nhân đạo Mercy Corps, cho biết hậu quả từ các lệnh trừng phạt kết hợp với lạm phát, bão giá đang gây ra những hậu quả không mong muốn đối với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Chi phí vận chuyển cao hơn cũng như kiểm soát xuất khẩu đang khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Mercy Corps đã nỗ lực bù đắp chi phí phân bón đang tăng ở Colombia và giúp các nông dân chăn nuôi bò sữa quy mô vừa ở Lebanon xây dựng thêm năng lực, nhưng vì lạm phát, số tiền viện trợ không thấm vào đâu.

Tại Yemen, Mercy Corps đã phải cắt khẩu phần muối và đậu khỏi các gói cứu trợ cho những hộ gia đình nghèo nhất, khi nguồn cung các mặt hàng này trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao.

"Nhiều thập niên tiến bộ về nghèo đói ở châu Phi đã bị đảo ngược", bà Mercy Corps cảnh báo.

Theo New York Times