1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

EU cáo buộc Nga biến lương thực thành "tên lửa tàng hình"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga biến lương thực thành "tên lửa tàng hình" và gây ra cuộc khủng hoảng với quy mô toàn cầu liên quan tới mặt hàng này.

EU cáo buộc Nga biến lương thực thành tên lửa tàng hình - 1

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel (Ảnh: EPA).

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ngày 6/6 cáo buộc Nga là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu diễn ra. Ông Michel nói rằng, Nga đã biến lương thực thành "tên lửa tàng hình chống lại các quốc gia đang phát triển".

Ông Michel đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trước mặt đại diện phái đoàn Nga Vassily Nebenzia. Quan chức châu Âu nói ông chứng kiến hàng triệu tấn ngũ cốc và lúa mì kẹt lại trong các công-ten-nơ và tàu tại cảng Odessa, Nam Ukraine vài tuần trước.

Ông Michel cho rằng các chiến hạm của Nga ở Biển Đen đã ngăn các tàu hàng rời cảng, đồng thời cáo buộc Nga nhằm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng vận tải và các nhà kho ngũ cốc, cũng như ngăn Ukraine trồng trọt và thu hoạch lương thực.

"Điều này đã khiến giá lương thực tăng vọt, đẩy nhiều người tới cảnh nghèo khổ và khiến nhiều khu vực trở nên bất ổn. Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng lương thực", ông cáo buộc.

Đại sứ Nga Nebenzia đã bước ra khỏi phòng họp khi ông Michel phát biểu và để một nhà ngoại giao khác ngồi vào ghế của phái đoàn Nga.

Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky sau đó đã chỉ trích các bình luận của ông Michel là "không lịch sự" tới mức ông Nebenzia quyết định rời đi.

Ông Michel đã ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhằm đạt được một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và đảm bảo rằng thực phẩm và phân bón của Nga được tiếp cận không hạn chế vào các thị trường toàn cầu.

Ukraine và Nga cung cấp 1/3 lúa mì, lúa mạch và một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới. Trong khi đó, Nga cùng đồng minh thân cận Belarus xếp thứ 2 và thứ 3 về sản xuất muối kali, chất chủ chốt trong phân bón.

Ông Gutteres tháng trước cảnh báo tình trạng nạn đói toàn cầu đã "ở một mức cao mới", với số người đối diện với mất an ninh lương thực nghiêm trọng tăng lên 276 triệu, so với con số 135 triệu vào 2 năm trước. Hơn 500.000 người hiện đang sống trong tình trạng đói kém - tăng 500% so với năm 2016.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow sẽ đảm bảo cung cấp lương thực để không xảy ra khủng hoảng, nếu phương Tây xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

"Đất nước chúng tôi sẵn sàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác thương mại, bao gồm trên các nền tảng quốc tế. Việc họ một mặt áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, mặt khác họ yêu cầu Nga cung cấp lương thực, là điều phi logic. Mọi thứ không thể diễn ra như vậy, chúng tôi không phải là những kẻ ngốc", ông Medvedev nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine