Không chiến Nga - Ukraine: Màn so găng "nảy lửa" và bài học đắt giá
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, sau 18 tháng chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, đã có nhiều bài học được rút ra cho hoạt động không chiến trong tương lai.
Sau 18 tháng chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, giới chuyên gia quân sự nhận định cuộc xung đột đã mang lại nhiều bài học cho hoạt động tác chiến hiện đại.
Ví dụ, các cuộc không chiến giữa 2 bên đã cho thấy sự cần thiết của máy bay không người lái trong hoạt động tác chiến hiện đại, hay tầm quan trọng của khả năng kiểm soát không phận và tác động tới những tính toán chiến lược trên tiền tuyến.
Đạt ưu thế hoàn toàn trên không: Bài toán hóc búa?
Nhận định với chuyên trang quân sự Eurasian Times, chuyên gia Vijainder K Thakur, cựu phi công Không quân Ấn Độ, cho rằng sự phát triển của các hệ thống và chiến thuật phòng không hiện đại khiến cho việc có thể kiểm soát hoàn toàn không phận trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đó.
Trong một cuộc không chiến bất đối xứng trước đó, bên kiểm soát được toàn bộ không phận có thể hoạt động tương đối tự do và có khả năng triệt tiêu hoặc hạn chế tối đa không quân đối phương.
Tuy nhiên, tính linh hoạt và hiệu quả của các hệ thống phòng không hiện đại khiến cho việc đạt được ưu thế tuyệt đối trên toàn bộ không phận đối phương là mục tiêu hóc búa.
Các hệ thống tiên tiến, như Patriot và S-300, S-400, hay tầm gần như NASAMS và Pantsir giờ đây có thể hoạt động trong chế độ ngầm. Ở chế độ này, các lá chắn thường tắt radar tìm kiếm để ngăn tiêm kích đối phương bắn tên lửa chống radar (ARM) vào các tổ hợp phòng không nhằm thực hiện mục tiêu áp đảo phòng không (SEAD).
Thay vì sử dụng radar của riêng mình để theo dõi mục tiêu, các hệ thống phòng không chạy trong chế độ ngầm truy dò vũ khí đối phương bằng cách sử dụng dữ liệu từ một radar khác, ví dụ từ máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS).
Ngay khi mục tiêu đến trong tầm bắn của tên lửa, tổ hợp phòng không mới bật radar dẫn đường và phóng hỏa lực đánh chặn.
Với chiến thuật như vậy, không bên nào có thể chắc chắn rằng nỗ lực áp đảo phòng không đối phương đã loại bỏ được hết các mối đe dọa, để không quân có thể hoạt động một cách tự do.
Năm 2022, nhà phân tích Robert Farley nhận định rằng, SEAD không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo ông, các máy bay Nga dường như gặp phải khó khăn trong việc phát hiện và phá hủy hoàn toàn phòng không Ukraine.
Nga dù vượt trội hơn Ukraine về tiềm lực quân sự nhưng không thể đặt dàn tiêm kích của họ rơi vào kịch bản rủi ro trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực lớn và lâu dài như vậy. Việc thay thế tiêm kích, đào tạo lại phi công không phải là điều có thể một sớm một chiều làm được.
Vì vậy, Nga đã không đánh cược các quân nhân và máy bay tốt nhất của họ để theo đuổi mục tiêu vừa khó thực hiện vừa khó duy trì lâu dài như SEAD.
Mặt khác, do sự phát triển của các hệ thống phòng không đối phương, các tiêm kích và máy bay ném bom của bên tấn công sẽ buộc phải phóng hỏa lực từ các khu vực nằm ngoài tầm đánh chặn để giảm thiểu rủi ro bị bắn hạ.
Loại vũ khí được sử dụng để tấn công tầm xa như tên lửa hành trình, bom lượn đắt hơn đáng kể so với loại hỏa lực không dẫn đường dùng cho các cuộc tấn công tầm gần. Mặt khác, với các tên lửa dẫn đường tầm xa, đầu đạn của chúng sẽ nhỏ hơn đáng kể, làm giảm hiệu quả phá hủy mục tiêu.
Vấn đề chi phí sẽ được đưa ra cân nhắc khi một nền không quân xem xét về việc có nên tấn công một mục tiêu kiên cố hay không. Với các cuộc tấn công tầm xa, không chỉ là đạn dược có giá đắt hơn mà các bên còn phải gia tăng số lượng vũ khí để đảm bảo có thể phá hủy mục tiêu hiệu quả.
Nói một cách ngắn gọn, việc kích hoạt sức mạnh không quân từ tầm xa đắt đỏ và kém hiệu quả hơn về mặt chiến thuật. Tuy nhiên, các nền không quân sẽ không có lựa chọn nào an toàn hơn trong hoạt động tác chiến tương lai khi họ phải đối đầu với các hệ thống phòng thủ ngày càng hiện đại của đối phương.
Uy lực của tên lửa không đối không tầm xa
Việc NATO cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại trong năm thứ 2 của chiến sự khiến Nga đối mặt với thách thức lớn trong việc áp đảo hoàn toàn Kiev để kiểm soát được toàn bộ không phận đối thủ.
Theo ông Thakur, điều tốt nhất mà Nga có thể làm lúc này là thiết lập ưu thế trên không đối với một dải không phận Ukraine chạy sâu vài trăm km vào Ukraine dọc theo tiền tuyến dài hơn 1.000km.
Nga có thể làm điều này bằng cách triển khai hệ thống phòng không tích hợp tầm xa S-300 và S-400 ở gần mặt trận. Ngoài ra, Nga cũng sử dụng các máy bay Su-35 và MiG-31 làm nhiệm vụ tuần tra 24/7 vùng không phận tranh chấp gần tiền tuyến.
Để hoạt động tuần tra được hiệu quả, Nga đã trang bị cho các tiêm kích tên lửa không đối không để bắn các tiêm kích Ukraine bay ở độ cao thấp hơn, cũng như dùng tên lửa ARM để bắn các radar của Kiev được kích hoạt trong khu vực.
Theo các chuyên gia, Su-35S của Nga kết hợp với tên lửa không đối không R-77-1 được xem là một trong những cặp vũ khí hiệu quả hàng đầu khi không chiến ở Ukraine.
Được sản xuất bởi nhà thầu hàng đầu của Nga Vympel, R-77-1 là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động ngoài tầm nhìn (BVR) có thể tấn công các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa hành trình trong phạm vi hàng trăm km.
Viện RUSI (Anh) năm ngoái dẫn lời các phi công tiêm kích Ukraine thừa nhận, cặp Su-30SM và Su-35S hoàn toàn áp đảo các máy bay chiến đấu của Ukraine.
Su-35S duy trì độ cao và sử dụng radar N135 Irbis-E để đảm bảo không phận tại khu vực hoạt động không có các mối đe dọa trên không từ đối thủ. Nhờ vậy, các trực thăng tấn công của Nga như Ka-52 và Mi-28 hay cường kích Su-25 có thể hoạt động an toàn hơn ở các khu vực mà Moscow kiểm soát.
Năm ngoái, Nga tuyên bố tiêm kích đa năng Su-35S của nước này đã bắn rơi cường kích Su-25 và tiêm kích MiG-29 của Ukraine trong một nhiệm vụ chiến đấu.
Theo Eurasian Times, tầm bắn của tên lửa không đối không Nga xa tới đâu, thì Moscow có thể đạt ưu thế trên không sâu tới đó ở phía bên kia chiến tuyến. Ví dụ, tên lửa RVV-BD của Nga có tầm bắn 300km thì Moscow có thể phá hủy các mối đe dọa của không quân đối phương trong khoảng cách đó.
Chuyên gia Thakur nhận định, tên lửa không đối không tầm xa và tên lửa chống radar được xem là rất quan trọng trong nỗ lực thiết lập khu vực áp đảo phòng không trong một vùng lãnh thổ tranh chấp. Tầm bay của tên lửa càng xa, khu vực "cấm bay" mà một không quân lập ra càng lớn.
Tầm quan trọng của phòng thủ đa tầng
Chiến sự Nga - Ukraine cho thấy hiệu quả của các hệ thống phòng không di động đa tầng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các loại mục tiêu khí động học, rocket và đạn pháo.
Phòng thủ đa tầng khiến vũ khí đối phương khó xâm nhập. Ví dụ, cường kích và tên lửa hành trình có thể bay thấp để tránh bị các hệ thống phòng thủ tầm xa phát hiện. Ở gần tầm hoạt động của các hệ thống tầm trung, vũ khí có thể bay ôm sát mặt đất theo chiến thuật che giấu địa hình nhằm tránh bị phát hiện hoặc giảm phạm vi phát hiện.
Tuy nhiên, để tấn công một mục tiêu nằm trong tầm bảo vệ của hệ thống phòng thủ đa tầng, các vũ khí này vẫn sẽ phải đối mặt với các hệ thống phòng không tầm rất ngắn (VHORAD).
Các hệ thống phòng không có thể sử dụng các loại thiết bị tìm kiếm khác nhau để theo dõi và đánh chặn mục tiêu như quang học, IIR (ảnh hồng ngoại), radar, SALH (truy tìm bằng laser bán chủ động) và SARH (radar tìm kiếm bán chủ động).
Việc triển khai các hệ thống phòng thủ với các loại đầu dò khác nhau sẽ hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn hỏa lực và mục tiêu trên không xuyên qua so với việc chỉ sử dụng một loại hệ thống tên lửa duy nhất.
Ngoài ra, theo chuyên gia Thakur, để phòng không hoạt động hiệu quả, nền quân đội cần phải liên tục cập nhật thuộc tính mục tiêu để nâng cấp phần mềm trên các lá chắn phòng thủ.
Các hệ thống phòng không hiện đại sử dụng thuật toán trên phần mềm để xác định mục tiêu và tối ưu hóa chiến lược đánh chặn dựa trên loại mục tiêu.
Đôi khi, thông qua hoạt động gián điệp hoặc do tịch thu được vũ khí, đối phương có thể giải mã các thuật toán đánh chặn và chống lại chúng bằng các thay đổi các thuộc tính của vũ khí tấn công. Trong trường hợp như vậy, một quân đội cần nhanh chóng cải thiện hoặc thay đổi các thuật toán đánh chặn.
Ví dụ, Nga có khả năng thay đổi thuật toán đánh chặn của các hệ thống Buk và Pantsir khá nhanh nhằm cải thiện tỷ lệ đánh chặn các tên lửa mạnh của Ukraine như HIMARS, HARM và Storm Shadow. Điều này đã giúp giảm tác động bất lợi của việc phương Tây cung cấp các hệ thống vũ khí này cho Ukraine.
Hồi giữa tháng 7, Bekhkhan Ozdoyev, Giám đốc bộ phận vũ khí thông thường, đạn dược và hóa học đặc biệt của nhà thầu quốc phòng Nga Rostec, tiết lộ hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir được nâng cấp của Moscow có khả năng bảo vệ 100% trước các rocket của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất.
"Các hệ thống Pantsir được nâng cấp hiệu quả tác chiến dựa trên kinh nghiệm từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Pantsir phiên bản mới có hiệu quả đánh chặn 100% với rocket HIMARS của Mỹ trong nhiều trường hợp", ông Ozdoyev cho biết.
"Bất cứ loại vũ khí nào cũng được hiện đại hóa và cải tiến sau khi được đưa vào thực chiến. Đây là một quá trình liên tục. Ví dụ, sau khi đối phương sử dụng hệ thống HIMARS, các chuyên gia đằng sau Pantsir đã cải tiến vũ khí để đánh chặn các tên lửa này", ông nói.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov thừa nhận Nga đã tìm ra cách đánh chặn vào các loại đạn pháo dẫn đường bằng GPS của Ukraine, bao gồm cả đạn của HIMARS. Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố họ và các đối tác sẽ tiếp tục cập nhật vũ khí để có thể qua mặt biện pháp đánh chặn của Nga.
"Nó giống một chu kỳ. Đây là cuộc chiến công nghệ. Nga tìm ra cách đáp trả, chúng tôi báo lại cho các đối tác và các đối tác tìm ra một phương án mới để đối phó với chiến thuật của Nga", ông giải thích.
Vũ khí mới và chiến thuật mới
Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia quân sự đã nhắc tới tương lai của UAV trong tác chiến hiện đại. Đây không phải cuộc giao tranh đầu tiên có sự tham gia của UAV, nhưng đây là cuộc chiến đầu tiên mà UAV được đánh giá là có tầm quan trọng cao như vậy. UAV hầu như có tác động tới nhiều giai đoạn của cuộc chiến.
Trong giai đoạn đầu, các UAV TB2 mà Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine đã phát huy hiệu quả khi chặn được đà tiến của Nga ở khu vực Kiev.
Sau khi các hệ thống phòng không, tác chiến điện tử được Nga đưa nhiều tới chiến trường, vai trò của UAV cỡ lớn dần mờ nhạt đi, nhưng các UAV cỡ nhỏ nhận nhiệm vụ trinh sát được xem mang lại nguồn tin tình báo chiến trường quý giá giúp cho hoạt động tác chiến diễn ra hiệu quả.
Một điểm đáng lưu ý là, UAV được cho đã làm thay đổi chiến thuật yểm trợ không lực tầm gần (CAS). Đây từng là một trong những năng lực quan trọng của tất cả các nền quân đội. Tuy nhiên, sự phổ biến của tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) đã đặt ra những thách thức cho các vũ khí khi thực hiện nhiệm vụ CAS.
Theo giới quan sát, Nga hiện chỉ sử dụng cường kích Su-25 - loại máy bay nổi tiếng với nhiệm vụ CAS - với vai trò tấn công tầm thấp sử dụng tên lửa không dẫn đường tầm xa.
CAS có nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh và tấn công các mục tiêu trên chiến trường khi chúng xuất hiện để yểm trợ cho lực lượng mặt đất tiến lên. Ví dụ, Su-25, được thiết kế để bay tầm thấp và chậm, có thể tấn công các mục tiêu mặt đất bằng rocket và tên lửa.
Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, Su-25 của Nga dường như đã không được sử dụng nhiều cho hoạt động CAS vì sự dễ tổn thương khi cường kích này bay vào khu vực MANPAD của Ukraine có thể tấn công. Dù được bọc thép 2 bên thân và mang theo mồi bẫy nhiệt đánh lửa tên lửa đối phương, nhưng Su-25 vẫn rất dễ tổn thương khi bay quá gần MANPAD của Ukraine.
Theo Eurasian Times, chiến sự Nga - Ukraine cho thấy chiến thuật CAS hiệu quả nhất là sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất hoặc UAV tự sát. Điều này giúp nhiệm vụ CAS giảm rủi ro bị mất tiêm kích hàng triệu USD hoặc đẩy phi công vào nguy cơ bị bắn rơi bất cứ lúc nào.
Với Su-25, Nga sẽ để cho cường kích này hoạt động ở ngoài tầm bắn của MANPAD Ukraine, trong khu vực không phận mà có các tiêm kích Su-35 hay MiG-31 bọc lót phía trên. Từ đây, cường kích Nga có thể bắn tên lửa tầm xa xuyên sâu vào phía bên kia phòng tuyến của Ukraine.
Theo Newsweek, Eurasian Times, Reuters