1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hezbollah đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng với Israel vì có năng lực tập kích khắp đất nước đối phương, bao gồm cả những loại vũ khí do Iran cung cấp với độ tiên tiến hơn nhiều so với Hamas.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 1

Chiến binh Hezbollah tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Aaramta, Li Băng, giáp biên giới với Israel, vào ngày 21/5. Hezbollah từng được mệnh danh là "chủ thể phi quốc gia được vũ trang nhiều nhất thế giới" (Ảnh: NurPhoto).

Hoạt động chủ yếu ở Li Băng, Hezbollah không chỉ có lực lượng trên bộ lớn mà còn có trong tay kho tên lửa, rocket tầm xa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử khổng lồ.

Hezbollah từng được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ mệnh danh là "chủ thể phi quốc gia được vũ trang nhiều nhất thế giới" hay là "lực lượng dân quân được đào tạo như quân đội chính quy và được trang bị như quốc gia".

Các cuộc tấn công từ Hezbollah kết hợp với rocket của Hamas có thể áp đảo hệ thống phòng không tại Israel, khiến toàn bộ đất nước có nguy cơ bị bắn phá.

Việc Hezbollah tham chiến sẽ mở ra mặt trận thứ hai ở phía bắc Israel, ẩn chứa rủi ro xung đột lan rộng và trở thành cuộc giao tranh khu vực.

Rocket

Ngay từ năm 2016, Hezbollah đã được ước tính có khoảng 150.000 quả rocket và con số hiện tại sẽ còn lớn hơn. Hầu hết số rocket này tương đối nhỏ, có tầm bắn ngắn, có tính cơ động cao và không có tính năng dẫn đường. Dù vậy, chúng vẫn là mối đe dọa đối với Israel, nhất là khi được bắn hàng loạt.

Đầu tiên, Hezbollah có loại rocket cỡ 107mm, được bắn từ bệ phóng 12 ống do Iran cung cấp nhưng cũng có thể dùng bệ phóng cơ động vác vai. Loại rocket này có tầm bắn 8-9km, có thể mang theo đầu đạn nổ mạnh (HE) phân mảnh nặng 8kg.

Thống trị kho rocket của Hezbollah là rocket "Katyusha" 122mm, lấy ý tưởng từ thiết kế Liên Xô và Nga, bao gồm bệ phóng loạt rocket Grad. Thông thường, Katyushas của Hezbollah có tầm bắn khoảng 4-40km, mang theo đầu đạn nặng 10-40kg.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 2

Lực lượng Hezbollah bên cạnh xe bán tải gắn bệ phóng loạt tên lửa trong cuộc diễu hành ở Nabatiyeh, Li Băng vào ngày 7/11/2014 (Ảnh: AFP).

Katyusha có thể được bắn từ các bệ phóng 3 chân cơ bản hoặc từ phía sau xe tải và xe bán tải để rút lui nhanh, khiến Israel khó phản pháo.

Lớn hơn một chút là các loại rocket sử dụng nhiên liệu rắn do Iran phát triển, cỡ 240mm, như Falaq-1 với tầm bắn 9,5-11km, mang đầu đạn HE nặng 50kg. Fajr-3 có tầm bắn 43km, đầu đạn HE nặng 44kg, thường được bắn từ bệ phóng 14 ống.

Với cỡ đầu đạn từ 300mm trở lên, Hezbollah có loại rocket Khaibar-1 (tầm bắn 100 km, tải trọng đầu đạn 150kg), Falaq-2 (tầm bắn 9-11km, mang đầu đạn HE nặng 120kg), cùng với cặp vũ khí do Iran là Shahin-1 và Fajr-5.

Về rocket hạng nặng, Hezbollah có dòng Zelzal do Iran phát triển, với tầm bắn lớn và trọng tải nặng hơn nhiều so với Katyusha hoặc Fajr. Dòng rocket này có cơ chế xoay ổn định, có thể tập kích vào sâu tại phía nam Israel.

Nếu thiếu sự chính xác, Zelzal bù đắp lại bằng tầm bắn và sức hủy diệt, dù xe phóng vận chuyển loại rocket này cồng kềnh và khiến nó trở thành mục tiêu lớn hơn.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 3

Một chiếc xe chở rocket Fajr-5 trong cuộc diễu hành tại Nabatiyeh vào ngày 28/11/2012 (Ảnh: AFP).

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn thấp hơn 1.000km. Iran đã có những nỗ lực đáng kể trong phát triển SRBM và một số loại trong đó đã được cung cấp cho Hezbollah.

Fateh-110 của Iran là loại SRBM cơ động có nguồn gốc từ Zelzal-2, nhưng có thêm hệ thống điều khiển và dẫn đường, với tầm bắn 250-300km. Ngoài ra, trong tay Hezbollah còn có phiên bản tương tự do Syria sản xuất là M-600.

Fateh-110 và M-600 nằm trong số những vũ khí có tầm bắn xa nhất trong kho khí tài của Hezbollah, có thể mang đầu đạn HE nặng khoảng gần nửa tấn với xác suất sai số vòng tròn (CEP) là 500m.

Các biến thể và phiên bản sau này của Fateh-110 ngày càng trở nên chính xác do được dẫn đường bằng GPS. Chẳng hạn, các đòn tấn công bằng biến thể của Fateh-110 vào căn cứ quân sự Mỹ tại Erbil, Iraq hồi tháng 3/2022 và các mục tiêu ở Syria cho thấy năng lực tấn công chính xác thực sự.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 4

Một chiếc xe tải quân sự diễu hành tên lửa Fateh-110 trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 22/9/2010 (Ảnh: AFP).

Hezbollah có thể có sẵn hàng trăm tên lửa Fateh-110 và M-600. Không rõ liệu Hezbollah có phiên bản mới nhất của Fateh-10 hay không nhưng nếu có, đó sẽ là vấn đề lớn đối với Israel.

Nói chung, SRBM cho phép Hezbollah tấn công bất cứ nơi nào ở Israel và tạo ra tác động lớn. Đây là mối lo ngại đặc biệt nếu Hezbollah dùng SRBM nhắm vào các mục tiêu quan trọng ở Israel, như các địa điểm hạt nhân và căn cứ then chốt.

Tên lửa chống hạm

Hezbollah đã phô trương năng lực chống hạm theo cách gây chú ý sau khi tấn công tàu hộ tống lớp Sa'ar 5 INS Hanit của Hải quân Israel ngoài khơi Li Băng vào năm 2006.

Vũ khí được sử dụng là tên lửa C-802 do Trung Quốc sản xuất và được cho là trang bị thêm hệ thống dẫn đường do Iran cung cấp. C-802 là vũ khí cận âm, lướt trên biển với động cơ phản lực, tầm bắn 120km và đầu đạn nặng 165kg.

Iran mua C-802 từ Trung Quốc trong những năm 1990, sau đó tự phát triển biến thể "Noor". Cả hai loại đều được Iran chuyển cho Hezbollah, theo CSIS. Và cho đến khi xảy ra cuộc tấn công năm 2006, không ai - kể cả cơ quan tình báo phương Tây - biết rằng Iran đã chuyển được C-802 cho Hezbollah.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 5

Tên lửa Noor của Iran được phóng trong cuộc tập trận vào ngày 25/4/2010, ở miền nam Iran (Ảnh: AFP).

Theo các báo cáo của Israel, Hezbollah từ đó đã nhận được loại tên lửa chống hạm mạnh hơn: Yakhont do Nga sản xuất, phiên bản xuất khẩu của P-800 Oniks. Không rõ bằng cách nào loại tên lửa siêu thanh này lọt vào tay Hezbollah nhưng Syria cũng dùng loại tên lửa này để phòng thủ bờ biển.

Một số báo cáo trước đây của phương Tây cho rằng Hezbollah đã nhận 12 tên lửa Yakhont, dù con số này có thể đã tăng lên.

Sự tồn tại của tên lửa chống hạm làm phức tạp nghiêm trọng hoạt động hàng hải ở phía đông Địa Trung Hải, bao gồm cả khả năng ở xa bờ biển Li Băng. Đây không chỉ là vấn đề đối với Hải quân Israel mà còn có thể là đối với Hải quân Mỹ, lực lượng cũng sẽ can dự nếu Hezbollah tham chiến.

Máy bay không người lái

Tương tự rocket và tên lửa, Hezbollah đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Iran trong việc trang bị máy bay không người lái (UAV).

Từ năm 2004, UAV của Hezbollah đã thoáng bay vào không phận Israel và có thể ẩn thân trước hệ thống giám sát. Nhiều cuộc xâm nhập bằng UAV đã diễn ra trong những tháng tiếp theo, bao gồm chuyến bay giám sát dài 45km trên lãnh thổ Israel.

Kể từ đó, năng lực UAV của Hezbollah chỉ có tăng. Vào thời điểm Chiến tranh Li Băng năm 2006, Hezbollah có thể phóng nhiều UAV vào không phận Israel để thực hiện các cuộc tấn công cảm tử. IDF tuyên bố bắn hạ nhiều chiếc nhưng một số UAV vẫn có thể tấn công mục tiêu ở bắc Israel.

Kho vũ khí khiến Hezbollah có thể bắn phá khắp Israel - 6

Một chiếc UAV tại cột mốc tưởng niệm Hezbollah gần làng Jarjouaa phía nam Li Băng. Cột mốc này được xây dựng vào năm 2010 để kỷ niệm việc Israel rút quân khỏi đất nước (Ảnh: SOPA).

Đến năm 2010, quan chức Israel tuyên bố rằng, cả Hezbollah và Hamas đều sở hữu UAV lái có tầm hoạt động hơn 460km. UAV của Hezbollah không hẳn có thiết kế phức tạp nhưng chúng có số lượng lớn, gây khó khăn cho hệ thống phòng không của IDF.

Các loại UAV chính trong tay Hezbollah hiện bao gồm Mirsad-1, nhìn chung giống loại Abalil-T của Iran, có tầm hoạt động được cho là 150-200km và tải trọng 30km.

Lớn hơn và có nhiều năng lực hơn là Ayoub, có một số điểm tương đồng với Shahed-129 của Iran. Ayoub được đánh giá là có tầm bắn ít nhất 1.700km, khả năng hoạt động liên tục 15-24 giờ, và trọng tải khoảng 150kg. Năm 2012, Israel từng bắn hạ một chiếc Ayoub ở Dimona.

Ngoài UAV thế hệ đầu tiên, Hezbollah rất có thể đã nhận được các mẫu mới và tiên tiến hơn từ Iran, như các phiên bản sau của Mohajer, Sammad, Karrar và Saegheh với con số tổng cộng hàng ngàn chiếc, chưa bao gồm loại UAV cỡ nhỏ chuyên dùng giải trí và có sẵn trên thị trường.

Năng lực UAV của Hezbollah cũng không chỉ giới hạn ở các hoạt động trên bộ. Mới năm ngoái, Israel đã bắn hạ 3 UAV mà Hezbollah đã điều động tới phía đông Biển Địa Trung Hải hướng tới các giàn khoan ở mỏ khí đốt Karish.

Theo CSIS, War Zone