1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lực lượng khiến Israel thấp thỏm khi đáp trả Hamas

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trong lúc trả đũa Hamas ở miền nam, Israel luôn phải để mắt tới biên giới phía bắc vì lo ngại lực lượng Hezbollah có thể tham chiến, mở ra mặt trận mới cho Israel.

Lực lượng khiến Israel thấp thỏm khi đáp trả Hamas - 1

Khói bốc lên từ làng Dhayra tại Li Băng sau cuộc pháo kích của Israel. Ảnh chụp ngày 11/10 (Ảnh: Reuters).

Nỗi lo ấy đã ngày càng gia tăng sau một loạt cuộc đọ hỏa lực giữa binh sĩ Israel và các chiến binh Hezbollah trong những ngày gần đây.

Hôm 9/10, Hezbollah - lực lượng được Iran hậu thuẫn - đã bắn một loạt tên lửa sau khi 3 thành viên của tổ chức này thiệt mạng trong các cuộc oanh tạc của Israel. Hai ngày sau, giữa Israel và Hezbollah tiếp tục xảy ra đấu súng.

Không chỉ bày tỏ sự đoàn kết với Hamas, Hezbollah đã đọ hỏa lực với Israel kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10. Giới phân tích cho rằng Hezbollah có thể quyết định tấn công mạnh hơn vào Israel, đặc biệt là nếu quân đội Israel tiến vào Gaza.

Quan chức Israel đã cảnh báo rằng quân đội nước này sẽ nhắm mục tiêu vào toàn bộ Li Băng nếu Hezbollah tham chiến.

Hezbollah là ai?

Hezbollah, cái tên có nghĩa là "Đảng của Allah", là một tổ chức chính trị và vũ trang Hồi giáo dòng Shia được Iran hậu thuẫn. Nó được thành lập vào năm 1982 để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Li Băng, từ đó đã trở thành một trong những đối thủ lớn nhất của Israel trong khu vực.

Lực lượng khiến Israel thấp thỏm khi đáp trả Hamas - 2

Israel tiếp giáp Li Băng (Lebanon) về phía bắc, nơi lực lượng Hezbollah hoạt động (Đồ họa: BBC).

Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah, tuyên bố nhóm này có 100.000 chiến binh. Với trụ sở chính tại Li Băng, Hezbollah nói mình có trong tay tên lửa chính xác, có thể tấn công mọi vùng của Israel.

Mỹ cáo buộc Iran đã phân bổ hàng trăm triệu USD hàng năm cho Hezbollah trong những năm gần đây.

Hezbollah là một trong những khối chính trị có ảnh hưởng nhất tại Li Băng và nhận được sự ủng hộ của bộ phận lớn người Shia. Nhóm này thường được mệnh danh là "quốc gia trong quốc gia" do có quyền lực chính trị - quân sự rộng lớn.

Mục tiêu của Hezbollah là gì?

Sau khi thành lập, Hezbollah đã đưa ra tuyên ngôn nêu bật hệ tư tưởng và mục tiêu của mình, trong đó bao gồm việc đánh bại Israel và trục xuất các thực thể thực dân phương Tây khỏi Trung Đông.

Trong quá khứ, các chiến binh của Hezbollah đã tiến hành chiến dịch kéo dài chống lại lực lượng Israel ở Li Băng.

Sau gần 20 năm xung đột chết chóc, lực lượng Israel đã đơn phương rút khỏi miền nam Li Băng vào năm 2000. Hezbollah sau đó tự tuyên bố mình là đội quân Ả Rập đầu tiên buộc Israel phải rút lui.

Lực lượng khiến Israel thấp thỏm khi đáp trả Hamas - 3

Các chiến binh Hezbollah tham dự lễ tang 2 đồng đội thiệt mạng do pháo kích của Israel, tại làng Kherbet Selem, miền nam Li Băng, vào ngày 10/10 (Ảnh: AP).

Hezbollah có từng xung đột với Israel?

Trong cuộc đột kích xuyên biên giới vào tháng 7/2006, Hezbollah đã bắt sống 2 binh sĩ Israel để làm đòn bẩy thỏa thuận trao đổi tù nhân với đối phương. Israel đáp trả bằng quân sự, dẫn đến cuộc chiến kéo dài 34 ngày, còn được gọi là Chiến tranh tháng 7.

Cuộc xung đột kết thúc bất phân thắng bại vì không bên nào có thể giành ưu thế về mặt quân sự, nhưng nó khiến hơn 1.100 người Li Băng và 165 người Israel thiệt mạng.

Trong khi đó, thủ lĩnh Nasrallah nhiều lần nói rằng cuộc chiến năm 2006 là thành công của Hezbollah vì nhóm này đã chống lại được lực lượng lớn hơn và mạnh hơn của Israel.

Một cuộc điều tra của chính phủ Israel kết luận rằng cuộc chiến năm 2006 là cơ hội "bị bỏ lỡ" và không thành công.

Lực lượng khiến Israel thấp thỏm khi đáp trả Hamas - 4

Một đoàn xe tăng Merkava của Israel tập trung ở ngoại ô thị trấn phía bắc Kiryat Shmona, gần biên giới với Li Băng vào ngày 8/10 (Ảnh: AFP).

Phương Tây coi Hezbollah là tổ chức gì?

Mỹ và các nước phương Tây khác coi Hezbollah là "tổ chức khủng bố". Các quốc gia Vùng Vịnh là đồng minh của Mỹ, trong đó có Ả Rập Xê Út, cũng coi Hezbollah là nhóm "khủng bố".

Liên minh châu Âu chỉ xếp nhánh quân sự của Hezbollah vào diện "nhóm khủng bố", không bao gồm nhánh chính trị của lực lượng này.

Hezbolla đóng vai trò gì ở Li Băng?

Hezbollah có thành viên là Bộ trưởng trong chính phủ và các nhà lập pháp trong Quốc hội Li Băng. Một số đảng phái ở Li Băng cáo buộc Hezbollah đã đẩy nước này vào xung đột.

Năm 2016, ông Michel Aoun - chính trị gia Cơ đốc giáo được Hezbollah ủng hộ - đã trở thành Tổng thống Li Băng. Hai năm sau, Hezbollah và đồng minh giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước này sau 9 năm.

Trong cuộc bầu cử năm 2022, khối chính trị của Hezbollah mất thế đa số nhưng nhóm này vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực trong nền chính trị Li Băng.

Theo Al Jazeera, Bloomberg