1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kéo dài căng thẳng quan hệ EU-Nga

Lãnh đạo 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-3 đã nhất trí duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ucraina được thực hiện đầy đủ, tức là ít nhất đến hết năm nay.

Theo AFP, trong tuyên bố chung đưa ra sau ngày họp thượng đỉnh đầu tiên, EU quyết định tiếp tục gắn thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga với tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk. Theo Chủ tịch EU Donald Tusk, các biện pháp trừng phạt sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay, thời hạn dự kiến các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.
 
"Thời hạn các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ gắn liền với việc hoàn tất thực hiện thỏa ngừng bắn, nhưng hãy nhớ rằng điều này chỉ có thể dự kiến được vào cuối năm 2015", AFP dẫn lời ông Donald Tusk phát biểu sau cuộc họp ở Brussels.
 
Lãnh đạo các nước EU tại một phiên họp ở Brussels ngày 19-3 (Ảnh: AP)
Lãnh đạo các nước EU tại một phiên họp ở Brussels ngày 19-3 (Ảnh: AP)

Ngoài ra, việc gia hạn trừng phạt nếu có cũng phải được bàn bạc vào tháng 6 tới sau khi phân tích tình hình tại khu vực xung đột ở Ucraina. Theo Chủ tịch Donald Tusk, EU có thể nới lỏng lệnh trừng phạt nếu Nga thực hiện cam kết chấm dứt hỗ trợ cho phe ly khai ở Ucraina, điều mà Mátxcơva kiên quyết bác bỏ. Ông Donald Tusk cũng cảnh báo về các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga nếu không giải quyết được các điều kiện trong thỏa thuận.

Được biết, gói biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang áp đặt đối với Nga sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Kể từ tháng 8-2014, Mátxcơva cũng áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm lương thực, thực phẩm của phương Tây.

Việc trừng phạt Nga là vấn đề khiến nội bộ EU chia rẽ trong thời gian qua. Trước sự kiện máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi xuống miền Đông Ucraina, một số nước như Đức và Italia đã tỏ ra miễn cưỡng với ý định tăng cường trừng phạt Mátxcơva. Trong khi đó, các nước Đông Âu và Anh lại thể hiện thái độ cứng rắn trong việc áp đặt trừng phạt Nga, đặc biệt sau khi Mátxcơva sáp nhập Crưm vào tháng 3-2014.

Liên quan đến tình hình Ucraina, tại hội nghị nói trên, lãnh đạo các nước EU kêu gọi các bên xung đột ở Ucraina thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk và tuyên bố sẵn sàng ủng hộ quá trình này, cụ thể là ủng hộ phái bộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thực hiện vai trò quan sát và kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận trên. Các nước EU cũng khuyến nghị nên khẩn cấp thông qua gói hỗ trợ tài chính lớn thứ ba trị giá 1,8 tỷ euro cho Kiev.

Cũng trong ngày 19-3, Nga đã đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) một dự thảo nghị quyết yêu cầu chính quyền Ucraina ngay lập tức phải tiến hành tham vấn với lực lượng đòi độc lập tại miền Đông nước này về các cuộc bầu cử tại khu vực Donbass.
 
Dự thảo nghị quyết của Nga cho rằng, trước hết cần tiến hành cải cách Hiến pháp Ucraina với sự tham gia của đại diện các CHND Lugansk và Donetsk tự xưng. Luật bầu cử cũng phải được soạn thảo với sự tham gia của đại diện hai cộng hòa tự xưng này. Mátxcơva khẳng định, những điều này phù hợp với Thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua.

Văn kiện nói trên được Nga đệ trình lên LHQ chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ucraina Petro Poroshenko ký ban hành đạo luật sửa đổi, cấp quy chế đặc biệt tự quản cho một số khu vực thuộc Lugansk và Donetsk , với điều kiện tại đây phải tổ chức bầu cử theo luật của Ucraina. Ngoài ra, hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng này được coi là "các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm".

Theo Trung Dũng
Quân đội Nhân dân