Quốc Đạt

"Kẻ thù vô hình" của quân đội Mỹ

Kẻ thù vô hình của quân đội Mỹ - 1

Tân binh Lính thủy lục chiến Mỹ trong bài tập luyện tại Đảo Parris, bang Nam Carolina vào năm 2019 (Ảnh: Wall Street Journal).

Kể từ khi Global Firepower - chuyên trang theo dõi thông tin quân sự của các quốc gia trên thế giới - bắt đầu công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự vào năm 2005, Mỹ vẫn luôn chiếm giữ vị trí dẫn đầu.

Nhưng trong thời gian gần đây, sự hội tụ của nhiều nguyên nhân đã tạo thành "cơn bão" hoàn hảo, khiến quân đội Mỹ phải đối mặt thách thức lớn trong công tác tuyển tân binh.

"Chúng ta đang phải cạnh tranh tại một trong những môi trường tuyển quân khó khăn nhất mà tôi từng thấy trong hơn 33 năm tại ngũ", Thiếu tướng Johnny Davis, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tuyển mộ Lục quân, thừa nhận trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào cuối năm 2023.

Nếu không được khắc phục, khủng hoảng thiếu hụt tân binh về lâu dài có thể buộc quân đội xứ cờ hoa giảm quy mô lực lượng, trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc gay gắt hơn bao giờ hết.

Khi mà ngày càng ít công dân Mỹ sẵn sàng hoặc đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, quân đội Mỹ có thể phải phụ thuộc nhiều hơn vào đồng minh và đối tác, những bên không phải luôn chia sẻ lợi ích với Washington.

Kẻ thù vô hình của quân đội Mỹ - 2

Một binh sĩ Mỹ đứng gác trong cuộc tuần tra chung của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ và người Kurd dẫn dắt tại Syria vào ngày 8/2 (Ảnh: Reuters).

Những con số đáng báo động

Sau những tranh cãi xung quanh chế độ quân dịch, kể từ năm 1973, Mỹ bắt đầu áp dụng mô hình quân đội hoàn toàn bao gồm quân nhân tự nguyện phục vụ. Vì thế mà việc tuyển tân binh đóng vai trò then chốt giúp bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ.

Nhưng thời gian qua, công tác tuyển tân binh của Mỹ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Năm tài khóa kết thúc tháng 9/2023 đánh dấu kết quả tuyển quân tồi tệ nhất của quân đội Mỹ kể từ năm 1999.

Trong số 5 quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, 3 nhánh "vỡ" chỉ tiêu tuyển binh là Lục quân, Không quân và Hải quân trong năm tài khóa 2023. Thủy quân lục chiến và Lực lượng Không gian hoàn thành mục tiêu nhưng môi trường tuyển quân vẫn rất khó khăn.

Năm qua, Lục quân Mỹ đã có nhiều cách tiếp cận sáng tạo khác nhau để truyền cảm hứng và kêu gọi giới trẻ Mỹ nhập ngũ. Không quân Mỹ cũng nới quy định về hình xăm và tiền sử dùng chất kích thích, trong khi Hải quân đưa ra chính sách khuyến khích tài chính cao kỷ lục.

Nhưng những cố gắng đó rốt cuộc không thành công. Quân đội Mỹ tổng cộng đã tuyển dụng hụt khoảng 41.000 tân binh so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, theo Military, Không quân Mỹ chỉ chiêu mộ được 24.100 phi công tại ngũ trong mục tiêu 26.877 người. Lục quân Mỹ tuyển thiếu khoảng 10.000 người so với mục tiêu 65.000 tân binh, trong khi Hải quân Mỹ thiếu gần 20% so với mục tiêu tuyển mới 37.700 thủy thủ.

Tình trạng khó khăn trên có thể được giải thích một phần là do dư âm của 2 năm Covid-19, khi quan chức tuyển binh không thể đến trường học hay tổ chức sự kiện để tiếp cận ứng viên. Nhưng các chuyên gia cho rằng bên dưới vấn đề bề mặt là những tồn tại tiếp diễn trong thời gian dài.

"Tôi nghĩ đây là năm cuối cùng quân đội có thể lấy lý do không thể tiếp cận học sinh ở các trường trung học và đại học là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường tuyển binh tổng thể", bà Katherine Kuzminski, nghiên cứu viên cấp cao chuyên về tuyển dụng quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới, nói với Military trong bài viết tháng 10/2023.

"Tôi nghĩ năm tới sẽ phản ánh những vấn đề dài hạn hơn", bà nói.

Kẻ thù vô hình của quân đội Mỹ - 3

Một vị tướng nói chuyện với lính Thủy quân lục chiến Mỹ tại Doanh trại Pendleton, bang California. Thủy quân lục chiến hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 nhưng môi trường tuyển quân vẫn rất khó khăn (Ảnh: Văn phòng Truyền thông Thủy quân lục chiến).

Cơn bão hoàn hảo

Đằng sau khủng hoảng tuyển binh của Mỹ là sự hội tụ của nhiều yếu tố tác động qua lại. Về ngắn hạn, nguyên nhân khiến Mỹ hiện khó tuyển tân binh là vì thị trường lao động khu vực tư nhân sôi động, ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., nói với phóng viên Dân trí.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thời gian gần đây ở mức thấp (3,7% theo số liệu tháng 1), đồng nghĩa với việc nguồn cung lao động ít hơn. Để thu hút nhân lực, doanh nghiệp tư nhân phải tăng tiền lương và đưa ra các đãi ngộ hấp dẫn, từ đó gây sức ép cạnh tranh cho quan chức tuyển binh.

Ngoài ra, một số yếu tố dài hạn khiến giới trẻ Mỹ không còn mặn mà với lựa chọn nhập ngũ. Một lý do trong đó là việc nước Mỹ hiện không còn tham gia vào các cuộc xung đột trên thế giới.

"Quân đội Mỹ vừa bước ra khỏi 2 thập kỷ chiến tranh, giai đoạn mà nhiều người ý thức rất rõ mình sẽ đóng góp hay sẽ làm gì khi nhập ngũ. Khi các cuộc xung đột chấm dứt, những người muốn đóng góp cho đất nước theo cách ấy không còn quan tâm tới việc nhập ngũ", Tiến sĩ Max Margulies, chuyên gia người Mỹ về chính sách tuyển dụng quân sự, nói với phóng viên Dân trí.

Mức tín nhiệm giảm sút đối với quân đội Mỹ cũng có thể đã đóng góp vào thách thức tuyển quân. Theo khảo sát hàng năm của Viện Tổng thống Ronald Reagan, vào năm 2018, 70% người được hỏi đã bày tỏ tín nhiệm cao với quân đội. Chỉ 5 năm sau, con số này giảm xuống còn 46%.

Nghiêm trọng hơn là vào khoảng 20 năm trước, chỉ hơn 25% thanh niên Mỹ nói rằng họ chưa bao giờ nghĩ tới việc nhập ngũ, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng. Nhưng trong những năm gần đây, con số này đã tăng đến hơn một nửa.

"Giới trẻ ngày nay không nói không với những gì quân đội có thể trao cho họ. Họ đơn giản là không biết gì nhiều về quân đội", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nhân sự Mỹ Ashish Vazirani nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện cuối năm 2023.

Ngoài ra, tiêu chuẩn cao mà quân đội Mỹ đặt ra cũng khiến việc tuyển quân gặp khó khăn vì quỹ ứng viên tiềm năng về tổng thể đã suy giảm.

Theo nghiên cứu năm 2020 của Lầu Năm Góc, nếu không được miễn trừ, 77% thanh niên Mỹ (tuổi 17-24) sẽ không đủ điều kiện nhập ngũ vì lý do béo phì, có tiền sử dùng chất kích thích hay có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.

Nếu những khó khăn trong việc tuyển quân tiếp tục trong thời gian dài, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh có thể bất lợi cho năng lực sẵn sàng chiến đấu của nước này. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc có thể sẽ phải giải tán một số lữ đoàn hoặc đơn vị hỗ trợ khi không đủ nhân lực, theo ông Cancian.

Kẻ thù vô hình của quân đội Mỹ - 4

Theo nghiên cứu năm 2020 của Lầu Năm Góc, 77% thanh niên Mỹ (tuổi 17-24) sẽ không đủ điều kiện nhập ngũ nếu không được miễn trừ vì tình trạng béo phì, có tiền sử dùng chất kích thích hay có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần (Ảnh: Wall Street Journal).

Không thể sửa một sớm một chiều

"Khủng hoảng tuyển quân ắt hẳn không xuất hiện chỉ sau một đêm và không thể được khắc phục sau một đêm", Thiếu tướng Davis nói.

Để ngăn chặn những xu hướng bất lợi cho công tác tuyển binh, Mỹ sẽ phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp theo tầm nhìn cả ngắn hạn và dài hạn, theo chuyên gia. Như về vấn đề tiêu chuẩn nhập ngũ, đây có thể là lúc quân đội cần cập nhật bộ tiêu chí hiện tại cho phù hợp với các nhiệm vụ hiện nay.

"Nhiều tiêu chuẩn hiện nay dựa trên mô hình những năm 1940-1950, khi quân đội Mỹ còn khá nghiêng về việc lấy số lượng làm gốc. Khi công nghệ phát triển hơn và ngày càng ít người đảm nhiệm các công việc "thâm dụng lao động", chúng ta có thể điều chỉnh tiêu chuẩn để không loại những người làm được việc vì những thứ không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc của họ", ông Margulies nói.

Trong khi các quân chủng khác còn ngần ngại, Hải quân Mỹ gần đây đã mở cửa với những người không có bằng phổ thông hoặc chứng chỉ GED, theo Navy Times. Điều kiện đi kèm là ứng viên phải đạt trên 50 điểm trong bài kiểm tra năng lực lực lượng vũ trang (AFQT).

Nhưng quân đội Mỹ cũng sẽ rất thận trọng với việc điều chỉnh tiêu chuẩn đầu vào vì những bài học trong quá khứ như Dự án 100.000, ông Cancian chỉ ra. Dự án 100.000 là chương trình gây tranh cãi của Lầu Năm Góc trong thập niên 1960, tuyển mộ những người trước đó không đủ điều kiện về y tế hoặc tâm lý, để lại nhiều hệ lụy cho quân đội.

Một cách làm khác là tăng cường tuyển quân từ những người mong muốn trở thành công dân Mỹ, thông qua việc coi thời gian nhập ngũ là điểm cộng trong đơn xin nhập tịch.

"Xét trên khía cạnh lịch sử, nước Mỹ là quốc gia của người nhập cư. Tôi thấy rất hợp lý khi trao cơ hội cho những người muốn phục vụ nước Mỹ qua quân đội và thưởng cho họ con đường nhập tịch nhanh hơn nếu họ làm tốt", ông Margulies nói.

Quân đội Mỹ cũng sẽ phải chủ động thích ứng với gen Z (sinh năm 1997-2012), thế hệ được cho là ngày càng lựa chọn con đường sự nghiệp phi truyền thống. Để làm điều này, họ sẽ phải tăng cường công tác truyền thông để xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi hơn với công chúng.

Mục tiêu ấy trở nên quan trọng khi mà khoảng cách giữa quân đội và người dân Mỹ đã xa cách hơn. Năm 1995, 40% thanh niên Mỹ có bố hoặc mẹ từng tại ngũ, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Tới năm 2022, con số này chỉ còn 12%.

Một số ý kiến thậm chí ví von quân đội Mỹ như "việc kinh doanh gia đình" vì phần lớn tân binh là con cái của các cựu binh. Ví dụ, gần 80% tân binh của Lục quân Mỹ có một thành viên gia đình từng phục vụ, theo số liệu từ quân chủng này.

Kẻ thù vô hình của quân đội Mỹ - 5

Tân binh của lực lượng Thủy quân lục chiến trong cuộc tập trận tại San Diego vào tháng 11/2022 (Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ).

Tư duy dài hạn

Về dài hạn, quân đội và thậm chí là cả chính phủ Mỹ sẽ phải tăng cường đầu tư vào thế hệ tương lai, Juan Quiroz, một sĩ quan Lục quân, viết trên Foreign Affairs.

Điều này có nghĩa là tập trung vào các chương trình xã hội để cải thiện đời sống nhân dân vì tình trạng đói nghèo làm tăng nguy cơ trẻ em mắc vấn đề sức khỏe (như béo phì) và có hành vi rủi ro, qua đó mở rộng nguồn cung tân binh.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng cần nhận thức được bất lợi của họ so với doanh nghiệp tư nhân khi tuyển dụng nhóm có học vấn cao, nhất là trên phương diện thu nhập.

"Thay vì cạnh tranh với các công ty tư nhân để giành lấy nhóm nhỏ người lao động lành nghề, giới hoạch định chính sách cần giúp trang bị cho thêm nhiều thanh niên Mỹ kỹ năng về phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, kỹ thuật dữ liệu, hệ thống vật lý mạng, trí tuệ nhân tạo và học máy", ông Quiroz viết.

Ông Quiroz cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nên hợp tác với Bộ Giáo dục để xây dựng các chương trình đào tạo những kỹ năng trên ngay tại cấp trung học và phổ thông. Hoặc chí ít là Lầu Năm Góc cũng cần tích hợp các chương trình học ấy tại 160 trường học - với hơn 66.000 học viên - thuộc quyền quản lý của mình.

Gần đây hơn, một số quân chủng Mỹ bắt đầu có biện pháp đối phó khủng hoảng tuyển binh. Chẳng hạn, tháng 10/2023, Lục quân Mỹ tuyên bố động thái cải cách đội ngũ quan chức tuyển quân theo hướng tiệm cận cách làm của doanh nghiệp tư nhân.

Nếu trong quá khứ, 2/3 nhân viên tuyển mộ của Lục quân Mỹ làm việc bán thời gian thì hiện nay, quân chủng này hướng tới xây dựng đội ngũ "chuyên viên thu hút tài năng" toàn thời gian. Cơ quan tuyển binh Lục quân cũng được nâng cấp từ 2 lên 3 sao, nhiệm kỳ lãnh đạo được kéo dài (từ 2 lên 4 năm) để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động marketing và tuyển binh.

Ngoài ra, xu thế tương lai của quân đội Mỹ sẽ là tận dụng nhiều hơn lực lượng dự bị, nhà thầu quân sự tư nhân, và viên chức dân sự để đảm nhiệm một số công việc như hậu cần, theo ông Cancian, người vững tin rằng quân đội Mỹ sẽ có cách ứng phó.

"Quân đội sẽ thích ứng", ông Cancian khẳng định.