1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kẻ tấn công ông Abe bị nghi "lách" luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tại một quốc gia áp dụng luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt như Nhật Bản, nghi phạm trong vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo dường như đã tự chế tạo vũ khí để lách luật.

Kẻ tấn công ông Abe bị nghi lách luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt  - 1

Nghi phạm (phải) cầm vũ khí gây án tại hiện trường khi bị bắt (Ảnh: Asahi).

Theo AP, vụ cựu Thủ tướng Abe bị ám sát ngay giữa ban ngày đã gây một "cú sốc" lớn cho cả thế giới và nhất là ở Nhật Bản - một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới với tỷ lệ tội phạm thấp và luật kiểm soát súng đạn rất chặt chẽ.

Ông Abe, người từng nắm giữ chức thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, bị bắn khi đang đi vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại thành phố Nara.

Nghi phạm dường như đã lách các quy định về kiểm soát súng đạn rất chặt chẽ của Nhật Bản bằng cách tự chế tạo vũ khí. Cảnh sát cho biết, họ phát hiện một thiết bị dài 40cm tự chế ở hiện trường và các chuyên gia đã so sánh nó với một khẩu súng bắn đạn ghém.

Vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công vào ông Abe có thể là đồ "tự chế", theo chuyên gia N.R. Jenzen-Jones, giám đốc của Armament Research Services, một công ty chuyên điều tra vũ khí.

Chuyên gia này so sánh vũ khí của nghi phạm với một khẩu "súng hỏa mai" - vũ khí mà thuốc súng được nạp riêng biệt với viên đạn.

"Luật pháp về kiểm soát vũ khí ở Nhật Bản rất chặt chẽ, vì vậy tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy ở đây, là thứ vũ khí tự chế này không chỉ là một kế hoạch lách các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ mà còn cố vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ đối với đạn dược ở Nhật Bản", ông nói.

Các nhà chức trách đã tịch thu các vũ khí tương tự khi họ đột kích vào căn hộ của nghi phạm. Động cơ của nghi phạm - người đã bị bắt tại hiện trường - hiện vẫn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, đội ngũ an ninh của ông Abe có thể sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi. Theo AP, vì trước đó bạo lực súng đạn khá hiếm xảy ra ở Nhật Bản, nên việc bảo vệ an ninh trước nguy cơ súng đạn, đặc biệt với cựu chính trị gia, có thể không quá nghiêm ngặt.

Tại Nhật Bản, việc sở hữu súng đạn là không dễ khi người mua phải tuân theo những quy định rất khắt khe mới có thể sở hữu súng. Bạo lực súng đạn cũng là một khái niệm hiếm gặp ở Nhật Bản.

Với dân số 125 triệu người, Nhật Bản năm ngoái chỉ có 10 vụ án hình sự liên quan tới súng, làm 1 người chết và 4 người bị thương. Tám vụ trong số đó liên quan tới tội phạm băng đảng.

Tokyo, khu vực có mật độ dân cư cao hàng đầu cả nước, không ghi nhận bất cứ vụ nổ súng, bị thương hoặc tử vong do súng trong năm 2021, dù 61 khẩu súng đã bị thu giữ ở thành phố này.

Shiro Kawamoto, giáo sư tại Đại học Nihon, Tokyo, cho biết: "Người Nhật đang rơi vào trạng thái sốc. Đây là một lời cảnh tỉnh rằng bạo lực súng đạn có thể xảy ra ở Nhật Bản và cơ chế an ninh nhằm bảo vệ các chính trị gia Nhật Bản phải được kiểm tra lại. Việc cho rằng kiểu tấn công này sẽ không bao giờ xảy ra là một sai lầm lớn".

Theo luật Nhật Bản, việc sở hữu súng là bất hợp pháp nếu không có giấy phép đặc biệt. Nhập khẩu súng cũng là bất hợp pháp. Các quy tắc tương tự cũng áp dụng cho một số loại dao và một số vũ khí khác, như nỏ.

Những người muốn sở hữu súng phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, bao gồm cả việc được bác sĩ chứng nhận và khai báo thông tin về các thành viên trong gia đình. Họ cũng phải vượt qua các bài kiểm tra để cho thấy họ biết cách sử dụng súng một cách chính xác. Những được mua một vũ khí cũng phải mua một hệ thống khóa đặc biệt cho nó.

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm