1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ cựu Thủ tướng Abe bị tấn công: Nhật Bản rúng động bởi cú sốc lớn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị nghi phạm dùng súng tấn công đã làm rúng động dư luận Nhật Bản, khi quốc gia này kiểm soát súng đạn rất chặt chẽ và bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra.

Vụ cựu Thủ tướng Abe bị tấn công: Nhật Bản rúng động bởi cú sốc lớn - 1

Ông Abe đã được chuyển tới bệnh viện bằng trực thăng (Ảnh: AP).

Theo Bloomberg, lần gần đây nhất một thủ tướng đương chức hay đã nghỉ hưu ở Nhật Bản bị tấn công bằng súng là 90 năm trước. Con số này phần nào cho thấy bạo lực súng đạn là một hiện tượng rất hiếm gặp tại Nhật Bản, quốc gia kiểm soát rất chặt chẽ việc sở hữu vũ khí riêng.

Đó là lý do vì sao, vụ việc ngày 8/7 khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị một nghi phạm bắn trúng bằng một khẩu súng tự chế đã gây ra cú sốc mạnh mẽ với dư luận Nhật Bản như vậy. Vụ việc xảy ra khi ông đang vận động tranh cử cho một ứng viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nara, thành phố phía đông Osaka.

Ông Abe đã được đưa tới bệnh viện địa phương và các bác sĩ đang cố gắng để cứu chữa để ông vượt qua cơn nguy kịch.

Khoảnh khắc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị tấn công

Nghi phạm bắn ông Abe được truyền thông Nhật Bản xác định là một người đàn ông khoảng 40. Lực lượng Cảnh sát An ninh của chính phủ - đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ các chính trị gia cấp cao - đã bắt giữ nghi phạm ngay lập tức.

Ông Hiromichi Watanabe, một thành viên cấp cao của LDP phát biểu tại trụ sở của đảng: "Đây là một cú sốc nghiêm trọng. Tôi không thể tin được một chuyện như thế này lại có thể xảy ra ở Nhật Bản".

Các vụ nổ súng khá hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản. Năm ngoái, quốc gia này ghi nhận 10 vụ, khiến 1 người thiệt mạng và 4 người bị thương, theo cơ quan cảnh sát quốc gia.

Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm súng đạn thấp nhất thế giới. Năm 2018, nước này chỉ ghi nhận 9 trường hợp tử vong vì súng đạn, so với con số hơn 39.700 ghi nhận tại Mỹ.

Theo báo Time, Nhật Bản nằm trong số những quốc gia an toàn nhất thế giới. 

Luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ

Tiếng súng tại hiện trường nơi cựu Thủ tướng Nhật Abe bị tấn công

Theo luật súng đạn của Nhật Bản, các loại súng duy nhất được phép bán là súng ngắn và súng hơi. Nhưng để mua được súng, người mua sẽ phải trải qua một quá trình lâu dài và phức tạp.

Để mua súng ở Nhật Bản, người muốn mua buộc phải tham gia một lớp học kéo dài cả ngày, vượt qua bài kiểm tra viết và bài kiểm tra tầm bắn với độ chính xác ít nhất là 95%. Họ cũng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt - bao gồm xem xét hồ sơ tội phạm, nợ cá nhân, có liên quan tới các tổ chức tội phạm hay không, cũng như xem xét các mối quan hệ với gia đình và bạn bè.

Vào năm 2019, 125 triệu dân Nhật Bản sở hữu 310.400 khẩu súng, tương đương với tỷ lệ 0,25 khẩu súng trên 100 dân, thấp nhất trong các nước thành viên thuộc nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, G7. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 120 khẩu súng trên 100 dân và 5 khẩu trên 100 dân ở Anh.

Năm 2007, cựu Thị trưởng Nagasaki Iccho Ito đã thiệt mạng sau khi bị một thành viên băng đảng bắn vào lưng. Kể từ đó, Nhật Bản đã siết chặt luật kiểm soát súng đạn, thông qua việc ban hành các hình phạt nặng hơn cho tội phạm sử dụng súng thuộc các băng nhóm có tổ chức.

Theo dự đoán của chuyên gia Nancy Snow tại Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế, vụ nổ súng nhằm vào ông Abe sẽ "thay đổi Nhật Bản mãi mãi".

"Nó không những chỉ hiếm mà nó còn gây chấn động về mặt văn hóa. Người Nhật Bản không thể tưởng tượng về việc xã hội của họ tồn tại nạn bạo lực súng đạn như một số quốc gia khác. Đây là khoảnh khắc không nói nên lời", chuyên gia Snow nhận định.  

Theo Bloomberg