1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thi thể cựu Thủ tướng Abe sẽ sớm được đưa về Tokyo

Thanh Thành

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát vào sáng ngày 8/7 tại thành phố Nara, cách thủ đô Tokyo khoảng 400km.

Thi thể cựu Thủ tướng Abe sẽ sớm được đưa về Tokyo - 1

Người dân đặt hoa tưởng niệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe tại hiện trường nơi ông bị bắn (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nguồn tin từ kênh truyền hình Asahi cho biết, thi thể của cựu Thủ tướng Abe Shinzo sẽ được chuyển về nhà ông tại Tokyo sớm nhất có thể vào ngày 9/7.

Cựu Thủ tướng Abe bị bắn khi đang ủng hộ chiến dịch tranh cử cho một thành viên đảng LDP của ông bên ngoài một nhà ga xe lửa ở thành phố Nara, cách thủ đô Tokyo khoảng 400km, vào sáng 8/7.

"Có một tiếng nổ lớn và sau đó khói bốc lên", doanh nhân Makoto Ichikawa, người có mặt tại hiện trường nói với Reuters. "Phát súng đầu tiên, không ai biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng sau phát súng thứ hai, có vẻ như cảnh sát đặc nhiệm đã xử lý kẻ tấn công".

Ông Abe được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng tim phổi và không có dấu hiệu sinh tồn và sau đó qua đời lúc 17h03 chiều nay giờ địa phương, do bị chảy máu quá nhiều vì vết thương sâu ở tim và bên phải cổ.

Ông Hidetada Fukushima, giáo sư phụ trách y học cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Nara, cho biết ông Abe đã phải truyền hơn 100 đơn vị máu trong 4 giờ đồng hồ.

Cảnh sát Nara tuyên bố kẻ xả súng, được xác định trên các phương tiện truyền thông là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, một cư dân ở Nara và từng làm việc tại Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Cảnh sát cho biết họ đang điều tra xem liệu y hành động một mình hay có tổ chức.

Vụ việc cựu Thủ tướng Abe, nhà lãnh đạo nắm quyền dài nhất của nước Nhật Bản hiện đại, bị ám sát đã gây chấn động một đất nước nơi súng đạn được kiểm soát chặt chẽ và bạo lực chính trị gần như hiếm khi xảy ra.

"Tôi đơn giản không nói nên lời trước tin ông Abe qua đời", Thủ tướng Fumio Kishida, nói với các phóng viên. Trước đó, khi ông Abe nằm trong bệnh viện để giành giật sự sống, Thủ tướng Kishida đã cố gắng kiềm chế cảm xúc.

"Vụ tấn công này là một hành động tàn bạo và hoàn toàn không thể tha thứ", ông nói.

Cả chính giới và người dân Nhật Bản đã bày tỏ sự tiếc thương, bàng hoàng lẫn phẫn nộ khi theo dõi tin tức về vụ nổ súng. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản, dù còn nắm quyền hay đã nghỉ hưu, bị bắn chết kể từ những năm 1930.

Nhật Bản thời hậu chiến tự hào về nền dân chủ trật tự và cởi mở. Các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản được tháp tùng bởi các nhân viên an ninh vũ trang nhưng thường đến gần công chúng, đặc biệt là trong các chiến dịch tranh cử khi họ phát biểu bên đường và bắt tay người dân qua đường.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm