1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Kẻ khóc, người cười” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc tuần qua liên tục đưa ra những đòn trả đũa lẫn nhau về thương mại khiến nhiều người lo ngại về những tổn thất mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như các quốc gia khác phải gánh chịu khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Trung Quốc ngày 4/4 công bố lệnh áp thuế nhập khẩu bổ sung lên tới 50 tỷ USD đối với các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào nước này, bao gồm đậu nành và xe ô tô, sau khi Mỹ thông báo kế hoạch áp thuế tương tự với hàng hóa Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh có dấu hiệu đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Hồi đầu tuần, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế trị giá 3 tỷ USD đối với 128 mặt hàng của Mỹ để đáp trả việc Washington trước đó đánh thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép vào Mỹ.

Trong bình luận trên mạng xã hội Twitter ngày 4/4, Tổng thống Donald Trump viết: “Chúng ta không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà chúng ta đã thua trong cuộc chiến đó từ nhiều năm trước bởi những những người ngốc nghếch và không đủ năng lực đại diện cho nước Mỹ. Chúng ta hiện có thâm hụt thương mại 500 tỷ USD mỗi năm, với khối tài sản trí tuệ trị giá 300 tỷ USD bị đánh cắp. Chúng ta không thể để chuyện này tiếp tục xảy ra!”.

Những đòn đáp trả qua lại liên tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với hệ quả lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù các nước đều có tâm lý chung rằng “không bên nào thắng nếu chiến tranh thương mại nổ ra”, song giới phân tích nhận định tác động của cuộc chiến này sẽ không đồng đều giữa các nền kinh tế và các lĩnh vực. Theo đó, một số sẽ đối mặt với sự thua thiệt, trong khi số khác có thể được hưởng lợi.

Bên thiệt hại

Các nền kinh tế xuất khẩu

Giới phân tích cho rằng các nền kinh tế tại châu Á, vốn có liên quan tới hoạt động thương mại trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc, đều chịu tác động từ cuộc tranh cãi thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Theo Steven Schwartz, giám đốc cấp cao về tín nhiệm châu Á tại tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Malaysia đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung. Đây đều là những bên xuất khẩu các mặt hàng như các linh kiện máy móc và các bộ phận cho các thiết bị liên lạc được sử dụng trong quá trình chế tạo các sản phẩm mà Trung Quốc bán cho Mỹ.

Chuyên gia kinh tế học cấp cao Tommy Wu tại tổ chức Oxford Economics nhận định Nhật Bản, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, cũng sẽ đối mặt với các rủi ro từ nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhật Bản đã xuất khẩu gần 700 tỷ USD giá trị hàng hóa năm 2017, trong đó Trung Quốc và Mỹ là các đối tác thương mại hàng đầu của Tokyo. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản như ô tô, máy tính, thiết bị điện, sắt và thép đều bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các bên cung cấp sản phẩm bán dẫn

Theo giới phân tích, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều sẽ bị thua thiệt nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra dẫn tới việc Bắc Kinh thay đổi các nhà cung cấp sản phẩm bán dẫn cho nước này. Các công ty Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 200 tỷ USD giá trị bán dẫn mỗi năm, hầu hết từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Mỹ từng hối thúc Trung Quốc có các biện pháp cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại với Washington. Theo Financial Times, trong trường hợp Trung Quốc muốn thỏa hiệp, nước này có thể đẩy mạnh các hợp đồng mua sản phẩm bán dẫn của Mỹ và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các nước vẫn cung cấp mặt hàng này cho Bắc Kinh từ trước đến nay.

Hong Kong

Một nền kinh tế khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là Hong Kong - nơi được xem là cửa ngõ cho phần lớn dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Mỹ.

Lãnh đạo cơ quan tài chính Hong Kong Paul Chan Mo-po từng cảnh báo cứ 1/5 việc làm tại Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng do cuộc tranh cãi thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, viện dẫn quyết định của Mỹ khi áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời hồi tháng 1 và các mặt hàng nhôm, thép hồi tháng 3.

Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: EPA)
Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Bên hưởng lợi

Các nước xuất khẩu đậu nành

Việc Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu nành từ Mỹ trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất của Mỹ sang thị trường Trung Quốc với tổng giá trị 14 tỷ USD mỗi năm đã tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác như Brazil và Argentina.

Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và chủ yếu dùng đậu nành để sản xuất thực ăn động vật. Theo chuyên gia kinh tế Allan von Mehren tại tổ chức Danske Bank Markets tại Đan Mạch, khi giá đậu nành từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác như khu vực Nam Mỹ.

“Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực mà Trung Quốc sử dụng để đáp trả (Tổng thống) Donald Trump”, ông Allan nhận định.

Chuyên gia chính trị học quốc tế Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho rằng Nga cũng có thể đóng vai trò bù đắp nguồn cung đậu nành thiếu hụt cho Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh “quay lưng” với Washington.

Các nước xuất khẩu thịt lợn và máy bay

Việc Trung Quốc nhắm mục tiêu tới các sản phẩm thịt lợn của Mỹ, với giá trị áp thuế lên tới 3 tỷ USD, có thể là tin tốt đối với các nhà cung cấp khác như Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch, theo chuyên gia Allan. Trong khi đó, chuyên gia Lukin cho rằng các nhà cung cấp thịt lợn của Nga cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từ Mỹ của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia Allan nhận định các công ty khác cũng được hưởng lợi khi Trung Quốc quyết định chọn mua các máy bay Airbus do châu Âu sản xuất, thay vì mua các máy bay Boeing của Mỹ.

Các nước mua thép

Theo Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những nước có nhu cầu mua hai mặt hàng này. Theo đó, khi Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu nhôm, thép sang các thị trường khác, thay vì vào Mỹ như trước đây, Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ giảm giá các mặt hàng kim loại này.

“Sẽ có sự dư thừa hoặc nguồn cung vượt mức, từ đó dẫn tới giảm giá các sản phẩm thép”, Bộ trưởng Lopez nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP