1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kế hoạch 33 tỷ USD biến "vùng đất ngủ yên" thành thủ đô mới của Indonesia

(Dân trí) - Với kinh phí đầu tư lên tới 33 tỷ USD, chính phủ Indonesia muốn biến một vùng đất hẻo lánh, chưa phát triển trên đảo Borneo thành thủ đô mới của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Kế hoạch 33 tỷ USD biến vùng đất ngủ yên thành thủ đô mới của Indonesia - 1

Một tàu kéo kéo than di chuyển trên sông tại Samarinda, Kalimantan (Ảnh: Getty)

Vào ban ngày, ánh nắng chói chang không ngừng tắt trên con đường bên cạnh ngôi nhà gỗ của cô Ipad. Một chiếc xe máy đi ngang qua khua cát bụi bay lên.

Vào ban đêm, âm thanh thỉnh thoảng của những chiếc xe tải chở than đá hoặc quả cọ xé tan màn đêm.

Khu vực này của Indonesia dự kiến sẽ chuyển mình từ một vùng rừng hẻo lánh trên đảo Borneo thành một thành phố lớn - thủ đô mới của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với 260 triệu người.

Tại quán phục vụ trà đá và mì ăn liền của Ipah, bà mẹ đơn thân 18 tuổi này lo ngại về những thay đổi mà kế hoạch xây dựng thủ đô mới có thể mang tới.

“Các thành phố tại Kalimantan yên bình và an toàn”, Ipah nói, nhắc tới phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo. “Thủ đô là một thành phố không bao giờ ngủ, quá nhiều khói bụi và tiếng ồn”.

Thủ đô Jakarta hiện thời của Indonesia là một đại đô thị đông đúc và ô nhiễm với hơn 10 triệu dân. Thành phố này cũng có tốc độ sụt lún nhanh nhất thế giới. Đó là những lý do khiến Indonesia có kế hoạch di chuyển thủ đô tới một “thành phố trong rừng” tại tỉnh Đông Kalimantan.

Mục đích của dự án, vốn lần đầu được nêu ra gần 70 năm trước, là nhằm thoát khỏi nguy cơ động đất trên đảo Java và đưa trung tâm chính trị của Indonesia ra gần khu vực trung tâm quần đảo hơn và ra xa hòn đảo vốn thống trị về chính trị.

Kế hoạch 33 tỷ USD biến vùng đất ngủ yên thành thủ đô mới của Indonesia - 2

Thủ đô mới của Indonesia dự kiến sẽ đặt tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo (Đồ họa: AFP)

“Trong vòng 5 năm, chúng tôi cho rằng thủ đô mới sẽ có khoảng 200.000-300.000 dân. Trong vòng 10 năm, dân số của thủ đô mới có thể đạt 1 triệu người, sau đó tăng lên 1,5 triệu”, Bộ trưởng Quy hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro cho hay.

“Chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát sự phát triển của hòn đảo để thành phố không mở rộng tới mức ngoài vòng kiểm soát”, ông Brodjonegoro nói thêm.

Quan chức trên cho hay, tầm nhìn được đưa ra trong những lời giới thiệu bóng bẩy về một thủ đô có kinh phí đầu tư 33 tỷ USD được truyền cảm hứng từ cách thức quản lý tốt thủ đô Seoul (Hàn Quốc), sự xanh sạch của Singapore, và sự phân tách hành chính với kinh doanh của thủ đô Washington (Mỹ).

Thủ đô mới dự kiến sẽ nằm cách thủ đô Jakarta hiện nay khoảng 1.300km. Khu vực quy hoạch hiện là một vùng rừng thưa thớt dân cư thuộc Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara, nằm giữa 2 thành phố Balikpapan và Samarinda.

Với việc xác định địa điểm cho thủ đô chưa được đặt tên, Tổng thống Joko Widodo tuần trước đã tiến gần hơn một bước tới việc hiện thực hóa một kế hoạch mà giờ đây dự kiến bắt đầu vào năm 2024.

“Người dân chúng tôi rất cảm ơn Thượng đế”, Abdul Gafur Mas’ud, người đứng đầu khu vực Bắc Penajam Paser, cho biết. “Khu vực này vốn bị xem là không phát triển”.

Văn phòng của ông Abdul đã nhận được những lẵng hoa chúc mừng và tâm trạng của người dân khu vực cũng đầy lạc quan kể từ khi Tổng thống Widodo đưa ra quyết định trên. Nhiều người đã nói đến những hi vọng về các ngôi trường tốt hơn, các con đường mới, hệ thống điện và nước sạch tin cậy.

Cơ hội mới đi kèm nhiều mối lo

Nhưng sau những niềm vui ban đầu, những lo ngại cũng xuất hiện như giá đất có thể tăng cao, người di cư đổ xô tìm kiếm việc làm và những lo ngại về môi trường.

Nguy cơ tham nhũng cũng có thể xảy ra tại Indonesia, giống như đã từng xảy ra với các thủ đô mới trên thế giới như Brasilia (Brazil) hay Naypyidaw (Myanmar) với các dự án lớn và những con đường cao tốc cơ bản vẫn vắng bóng người.

“Người dân của chúng tôi phải chuẩn bị nhanh chóng”, Awang Yacoub Luthman, quan chức khu vực Kutai Kartanegara Ing Martadipura Sultanate, cho biết, và nói thêm rằng di cư là vấn đề mà ông lo ngại nhất. Đông Kalimantan vẫn tự hào là cởi mở với các tôn giáo ngoài đạo Hồi, cũng như chào đón người di cư. Trên thực tế, nhiều cư dân là con cháu của những người Java tới khu vực trồng dầu cọ và khai mỏ vào những năm 1970.

Nhưng dự án thủ đô mới sẽ diễn ra ở một quy mô hoàn toàn khác.

Báo địa phương Tribun Kaltim cho biết giá đất đã tăng lên 4 lần kể từ khi quyết định di dời thủ đô được công bố.

Ông Bagus Susetyo, chủ tịch địa phương của Hiệp hội bất động sản Indonesia, cho hay hiện tượng trên là do các công ty bất động sản lớn không sở hữu đất vì họ có những khu đất lớn tại thành phố Balikpapan gần đó.

Mặc dù một số người có thể hưởng lợi do giá đất tăng, nhưng nhiều người Indonesia không sở hữu khu đất mà họ sống trên đó, trong đó có cô Ipah. Giờ đây, Ipah sẽ phải đi xin đất vì cô sẽ mất nhà.

Không chỉ các nhà dân bị ảnh hưởng. Khu vực Đông Kalimantan cũng nổi tiếng với các vùng rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như đười ươi, gấu chó và khỉ mũi dài.

Bộ trưởng Quy hoạch Brodjonegoro đã nói về ý tưởng xây dựng một khu bảo tồn đười ươi giống một khu bảo tồn gấu trúc tại thành phố Thành Đô của Trung Quốc.

Số phận của những con đười ươi rất nhạy cảm tại Indonesia do chúng đã trở thành biểu tượng mà các nhà vận động sử dụng để chĩa vào ngành công nghiệp dầu cọ lớn nhất thế giới của Indonesia do tình trạng phá hủy rừng để trồng cọ.

Các nhà bảo tồn cũng lo ngại về các hậu quả của việc di dời thủ đô tới Đông Kalimantan.

“Trung tâm thành phố có thể nằm ở rất xa, nhưng sự phát triển thì diễn ra khắp nơi, cũng giống như Jakarta vậy”, Aldrianto Priadjati, giám đốc điều hành Quỹ sống sót đười ươi Borneo, nói.

An Bình

Theo Reuters