1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Italy phản bác Pháp và Ba Lan về ý tưởng đưa quân vào Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Italy cho rằng, phát ngôn của giới chức Pháp và Ba Lan không thể coi là tiếng nói đại diện cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Italy phản bác Pháp và Ba Lan về ý tưởng đưa quân vào Ukraine - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto (Ảnh: Reuters).

"Pháp và Ba Lan không thể thay mặt NATO lên tiếng. Ngay từ đầu, NATO không chính thức hay tự nguyện can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Việc điều quân đến Ukraine là bước leo thang đơn phương và sẽ làm mất cơ hội giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao", Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương ngày 10/3.

Bình luận trên được đưa ra nhằm phản bác ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đưa quân vào Ukraine.

Cuối tháng trước, sau một cuộc họp của các lãnh đạo phương Tây, ông Macron cho biết, họ đã bàn về khả năng đưa quân đến Ukraine, nhưng chưa đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, ông tuyên bố phương Tây "không loại trừ khả năng" đưa lực lượng quân sự đến Kiev.

Phát biểu của ông Macron ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các đồng minh phương Tây và Nga.

Trong khi hầu hết các nước, gồm Mỹ, Anh, Đức, phản đối sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Ukraine, một số quan chức tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Macron.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hôm 8/3 cho biết, sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine "không phải là không thể nghĩ đến" và ông ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Macron.

"Phương Tây nên đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine bằng sự leo thang bất đối xứng. Theo quan điểm này, sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể nghĩ tới", nhà ngoại giao Ba Lan nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladysław Kosiniak-Kamysz khẳng định, nước này sẽ không điều quân đến Ukraine. "Cả Tổng thống, Thủ tướng và tôi đều xác nhận điều này", ông nhấn mạnh.

Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tin rằng, phát ngôn của ông Macron đã kéo theo một cuộc tranh luận và điều đó giúp châu Âu nhận ra rằng họ cần làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Kiev.

Ông nhấn mạnh, hỗ trợ Ukraine "không phải làm từ thiện" mà để bảo vệ chính mạng sống của người dân châu Âu, đảm bảo an ninh cho châu Âu.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm