1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Italia đang lặp lại sai lầm của Trung Quốc

(Dân trí) - Italia nên chuyển sang chính sách cách ly tập trung đối với bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ thay vì để họ tự cách ly tại nhà, các chuyên gia của Trung Quốc cảnh báo.

Italia đang lặp lại sai lầm của Trung Quốc - 1
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Italia đã sai lầm trong chính sách cho phép bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà. (Ảnh minh họa: Getty)

Italia đang lặp lại sai lầm của Vũ Hán

Theo Bloomberg, một nhóm chuyên gia của Trung Quốc đã tới Italia để cố vấn cho giới chức nước này trong chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19. Họ đã chỉ ra sai lầm trong cách ứng phó dịch hiện nay của Italia.

Liang Zong'An, người đứng đầu khoa hô hấp của bệnh viện Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), cho rằng các bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán đã mắc sai lầm tương tự ở giai đoạn đầu bùng phát dịch. Cụ thể, thời điểm đó, chỉ các bệnh nhân bệnh nặng mới được nhập viện, trong khi các bác sĩ khuyên các bệnh nhân với triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống y tế Vũ Hán đang bị quá tải.

Tuy nhiên, sau đó họ nhận ra rằng, những người có triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà có nguy cơ lây lan virus cho các thành viên trong gia đình, thậm chí cho những người khác khi một số người vẫn tự do đi lại. Nhật báo Corriere della Sera hôm 30/3 cho biết, cảnh sát Italia đã xử phạt hàng loạt người vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc, trong đó có khoảng 50 người được xác nhận mắc Covid-19 nhưng vẫn tự do đi lại thay vì tự cách ly.

Vũ Hán bắt đầu cách ly tất cả các ca mắc bệnh với triệu chứng nhẹ tại các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các công sở, sân vận động, phòng tập gym đầu tháng 2, một động thái được cho là giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan của Covid-19. Đến nay, Vũ Hán về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19. Theo số liệu công bố chính thức, Vũ Hán chỉ ghi nhận vài ca nhiễm mới trong khi dịch đang “tăng tốc” ở nhiều nơi trên thế giới.

Bác sĩ Liang cho biết, đội ngũ chuyên gia của ông khuyến cáo giới chức Italia nên áp dụng chính sách cách ly bắt buộc đối với các bệnh nhân kể cả với triệu chứng nhẹ của Covid-19.

Tại Trung Quốc, một nghiên cứu từ một tỉnh cho thấy 80% lây nhiễm theo nhóm bắt nguồn từ những người được khuyên tự cách ly tại nhà, Xiao Niang, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết.

Theo ông Liang, các gia đình ở Italia thường sinh sống trong không gian rộng hơn so với ở Vũ Hán. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cả gia đình vẫn bị lây nhiễm dù đã cố gắng cách ly người nhiễm bệnh trong phòng riêng biệt.

“Chúng tôi không thể nói liệu chính sách cách ly tại nhà của Italia đúng hay sai bởi mỗi nước có một cơ chế ứng phó riêng, nhưng chúng tôi đã nhận thấy một số vấn đề”, ông Xiao nói.

Ông Liang cho biết, các chuyên gia Italia mà họ gặp gỡ cũng không thể nói liệu có bao nhiêu cụm lây nhiễm phát sinh từ chính sách cách ly tại nhà.

Milan bắt đầu biến một số khách sạn thành nơi cách ly tập trung cho các bệnh nhân với triệu chứng nhẹ. Khách sạn đầu tiên có 306 phòng sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân cách ly từ tuần này.

Italia đã tới đỉnh dịch

Italia đang lặp lại sai lầm của Trung Quốc - 2
Siết chặt lệnh phong tỏa toàn quốc có thể giúp Italia làm chậm đà lây lan của Covid-19. (Ảnh: EPA)

Tính đến ngày 30/3, Italia ghi nhận 101.739 ca nhiễm bệnh, trong đó có 11.591 ca tử vong, trở thành quốc gia có nhiều người chết vì Covid-19 nhất thế giới, và số ca mắc bệnh nhiều thứ hai chỉ sau Mỹ. Giới chức Italia cho rằng, số người mắc bệnh thực tế có thể cao gấp 10 lần thống kê vì hoạt động xét nghiệm còn hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Italia cao do dân số già và nhiều người thậm chí không điều trị ngay cả khi phát hiện mắc bệnh.

Ông Xiao cho rằng các bệnh viện ở Italia đang chăm sóc người bệnh rất tốt, nhưng vấn đề là thiếu thiết bị y tế. Ông cũng cho rằng, việc Italia điều động quân đội từ ngày 22/3 để siết việc thực thi lệnh phong tỏa dường như đã tạo ra “bước ngoặt”. Theo chuyên gia này, Italia có thể đã đạt tới đỉnh dịch sau khi áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, hạn chế người dân đi lại. “Nếu các biện pháp này tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ giảm rõ rệt. Mọi người nên cách xa nhau ra. Điều đó có nghĩa không có sự tập trung nào".

Các quốc gia phương Tây từ Mỹ đến Tây Ban Nha đang đối mặt với các vấn đề giống như Vũ Hán trước kia, trong đó có việc thiếu các bộ xét nghiệm, thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế, các bệnh viện quá tải.
Tại Italia, các bác sĩ cũng nhiễm bệnh và đến nay ít nhất 61 y bác sĩ đã tử vong vì Covid-19. Tại Tây Ban Nha, các bác sĩ phải đưa ra lựa chọn khó khăn xem để ai có cơ hội sống do thiếu các thiết bị trợ sinh như máy thở.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm ngoái, đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Covid-19 đã khiến hơn 771.000 người nhiễm bệnh, khoảng 37.000 người tử vong. Hàng loạt quốc gia đã áp lệnh phong tỏa một phần hoặc toàn bộ đất nước để ngăn dịch lây lan.

 

Minh Phương
Theo Bloomberg