Israel tập kích các điểm nghi cất giữ vũ khí hóa học, tên lửa ở Syria
(Dân trí) - Israel đã mở các cuộc tập kích vào các địa điểm tình nghi là nơi cất giấu kho vũ khí hóa học và tên lửa tầm xa ở Syria để ngăn chúng rơi vào tay các lực lượng thù địch.
"Lợi ích duy nhất của chúng tôi là an ninh của Israel và công dân của nước này", Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết trong tuyên bố hôm 9/12.
Theo ông, đó là lý do vì sao Israel tấn công các hệ thống vũ khí chiến lược, chẳng hạn như các kho vũ khí hóa học còn lại, hoặc tên lửa và tên lửa tầm xa, để chúng không rơi vào tay những kẻ cực đoan.
Các cuộc không kích được báo cáo tiến hành tại khu vực sân bay quân sự Mezzeh, phía tây nam thủ đô Damascus vào hôm 8/12. Sân bay này trước đây đã là mục tiêu trong các cuộc không kích của Tel Aviv, nhưng hiện vẫn chưa rõ bên nào đã thực hiện cuộc không kích mới nhất.
Ngoại trưởng Saar không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian hoặc địa điểm diễn ra các cuộc không kích.
Tuyên bố của ngoại trưởng Israel được đưa ra sau khi lực lượng nổi dậy Syria vào cuối tuần qua đã tiến vào thủ đô Damascus và lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chấm dứt hơn 13 năm nội chiến. Diễn biến này mang đến hy vọng về một tương lai hòa bình nhưng cũng đặt ra lo ngại về nguy cơ bất ổn an ninh khi Syria vẫn bị chia cắt bởi các nhóm vũ trang.
Israel coi sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Assad, một đồng minh quan trọng của Iran và nhóm Hezbollah tại Li Băng, là một tín hiệu tích cực, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình tiếp theo.
Trong khi Tel Aviv hoan nghênh khả năng giảm ảnh hưởng thù địch gần biên giới, vẫn có lo ngại về khoảng trống quyền lực tiếp theo và sự trỗi dậy của nhiều phe phái vũ trang khác nhau trong Syria.
Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích tại Syria trong những năm qua, chủ yếu nhắm vào các cơ sở quân sự liên quan đến Iran và Hezbollah. Mặc dù các cuộc tấn công này nhằm mục đích phá vỡ năng lực quân sự của các thế lực thù địch, các quan chức Israel hiếm khi bình luận về từng vụ không kích cụ thể.
Năm 2013, Syria đã đồng ý từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình sau làn sóng phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về một cuộc tấn công hóa học gần Damascus khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính phủ Syria bị nghi vẫn giữ lại một phần kho vũ khí hóa học của mình và bị cáo buộc triển khai các loại vũ khí như vậy trong những năm tiếp theo, làm gia tăng thêm mối lo ngại về việc sử dụng chúng trong cuộc nội chiến kéo dài.