1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Israel đủ sức ngăn Nga chuyển “rồng lửa” S-300 tới Syria?

(Dân trí) - Israel từng thành công trong việc thuyết phục Nga không chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Iran cách đây 11 năm, tuy nhiên kịch bản này có lặp lại với Syria hiện nay hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

Vào tháng 10/2007, chỉ một tháng sau khi Israel ném bom một lò phản ứng hạt nhân do chính quyền Syria bí mật xây dựng ở phía đông bắc nước này, cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã nhấc điện thoại và gọi cho Điện Kremlin.

Vào thời điểm đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đang có mặt tại Moscow để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Đông Âu. Ông Olmert lo ngại rằng các quan chức Mỹ sẽ tận dụng cuộc họp để cập nhật thông tin cho nhà lãnh đạo Nga về cuộc không kích của Israel, chẳng hạn như cách Israel phát hiện ra lò phản ứng hạt nhân của Syria như thế nào và tại sao Israel thực hiện động thái quân sự với Syria.

Để đón đầu cuộc gặp của các quan chức Mỹ, cựu Thủ tướng Israel muốn nói chuyện với Tổng thống Putin trước. Khi ông Putin bắt máy, ông Olmert đã hỏi khi nào họ có thể gặp mặt.

“Việc chúng ta có thể gặp mặt trực tiếp càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng”, ông Olmert nói.

“Hãy đến đây vào ngày mai”, Tổng thống Putin trả lời.

Tuy nhiên, ông Olmert nói rằng ông không thể đến Nga theo lịch ông Putin đề xuất vì việc sắp xếp một chuyến bay cũng như các thông tin an ninh cần thiết không thể chỉ hoàn tất trong một ngày.

Sau đó, Tổng thống Putin nói với cựu Thủ tướng Olmert rằng ông sẽ phải chờ thêm vài ngày sau khi ông Putin kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đã được lên kế hoạch từ trước tới Iran. Cả hai hẹn một ngày gặp mặt, tuy nhiên câu chuyện của ông Olmert không dừng lại ở đó. Ông Olmert nhận ra rằng ông cần nói chuyện thêm với nhà lãnh đạo Nga trước khi Tổng thống Putin có cuộc gặp với lãnh tụ tối cao Iran.

Khi đó, Israel vô cùng lo ngại về mối quan hệ giữa Nga với Iran. Moscow trước đó đã thông báo rằng sẽ cung cấp cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-300.

Theo Jerusalem Post, S-300 thực sự là cơn ác mộng của không quân Israel. Là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, S-300 được cho là có khả năng theo dõi tới 100 mục tiêu cùng một lúc và đánh chặn đồng thời 12 mục tiêu ở cách xa hàng trăm km.

Các sĩ quan không quân Israel cảnh báo việc Nga triển khai S-300 tới Iran sẽ gây nguy hiểm cho các chiến dịch của Israel trong tương lai khi phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Các sĩ quan này đã hối thúc cựu Thủ tướng Olmert làm tất cả mọi cách có thể để ngăn Nga đưa S-300 tới Iran.

Trong khi đó, một số quan chức khác của Israel tỏ ra bớt lo ngại hơn. Họ cho rằng ngay cả khi Nga chuyển S-300 cho Iran, Israel vẫn có thể thích ứng được với tình hình và phát triển các phương pháp mới, cả về chiến thuật và công nghệ, để vô hiệu hóa hoặc khắc chế hệ thống phòng không này.

Khi có cơ hội nói chuyện với Tổng thống Putin trước thềm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Iran, cựu Thủ tướng Olmert đã cố gắng ngăn kế hoạch chuyển giao S-300 diễn ra.

Ông Olmert đã nói với Tổng thống Putin rằng, một quốc gia được sở hữu loại vũ khí như S-300 sẽ khiến cho nước đó “bạo gan” hơn và không còn e ngại sức ép từ cộng đồng quốc tế. Theo cựu Thủ tướng Israel, S-300 sẽ tiếp thêm cho Iran sự tự tin để trở nên cứng rắn hơn với các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.

“Đừng chuyển nó cho họ”, ông Olmert nói với Tổng thống Putin.

Nhà lãnh đạo Nga không đưa ra cam kết nào với ông Olmert, song hứa sẽ suy nghĩ cẩn trọng về vấn đề này.

Đó là “cuộc đàm phán” giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Israel cách đây 11 năm. Khi đó, cuộc đàm phán này đã thành công. Cùng với sức ép từ Mỹ, Israel rốt cuộc đã thuyết phục Nga dừng chuyển S-300 cho Iran.

Tuy nhiên, sau khi nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran vào năm 2015, Tổng thống Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran. Năm 2016, Iran thông báo đã nhận được toàn bộ các bộ phận cần thiết của S-300 và một năm sau đó Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố S-300 có thể hoạt động hoàn chỉnh tại nước này.

Lịch sử lặp lại với Syria?

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 (Ảnh: RT)
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 (Ảnh: RT)

Mặc dù vậy, việc Iran sở hữu S-300 cũng không phải là mối đe dọa quá lớn với Israel. Theo một số nguồn tin, không quân Israel đã tiến hành tập trận huấn luyện với các quốc gia sở hữu S-300 và Israel đã biết cách để đối phó với hệ thống này. Ngoài ra, S-300 vẫn có những điểm yếu nhất định dù hệ thống này được thiết kế để hạ gục các máy bay. Israel ngày càng trang bị nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Mục đích của Israel khi bỏ tiền mua dàn máy bay đắt đỏ này là chúng có thể hoạt động tự do trên bầu trời bất chấp các hệ thống phòng không hiện đại như S-300.

Tuần này Nga thông báo sẽ chuyển S-300 tới Syria, một trong số các đối thủ của Israel trong khu vực, nhằm giúp Damascus nâng cao năng lực phòng không. Động thái trên diễn ra sau khi Moscow cáo buộc các máy bay chiến đấu Israel cố tình núp bóng máy bay trinh sát Il-20 của Nga trong cuộc không kích tại Syria khiến hệ thống phòng không S-200 của Damascus bắn nhầm. Hậu quả là toàn bộ 15 người trên máy bay Il-20 thiệt mạng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ việc trong cuộc gặp tại New York hôm 26/9. Liệu ông Trump có thể tác động tới người đồng cấp Nga như thế nào trong việc chuyển S-300 tới Syria vẫn là câu chuyện chưa được sáng tỏ.

Tuy vậy, Syria khác với Iran. Vấn đề chính ở đây là vị trí địa lý của Syria rất gần Israel. Mặc dù hệ thống S-300 tại Iran có thể gây ra những hậu quả nếu Israel lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, song chuyện này sẽ chỉ xảy ra nếu Israel quyết định đưa máy bay tới Iran và không kích.

Đối với Syria, câu chuyện hoàn toàn khác. Với tầm hoạt động lên tới 250km, hệ thống S-300 được đặt tại Syria có thể đe dọa bất kỳ máy bay nào tới gần Israel để hạ cánh xuống sân bay Ben-Gurion. Mặc dù nhiều khả năng Syria sẽ không bắn rơi một máy bay dân sự của Israel vì điều đó sẽ vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ Israel, song chuyện này được cho là từng xảy ra trong quá khứ. Năm 2014, một tên lửa của Nga từng bị nghi ngờ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc các chiến dịch của không quân Israel tại Syria sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi Nga chuyển S-300 tới nước này. Israel nhiều lần tuyên bố rằng nước nước này có quyền tấn công các căn cứ của Iran tại Syria cũng như các vũ khí được chuyển cho một đồng minh của Iran là nhóm Hezbollah tại Lebanon.

Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai hoạt động quân sự tại Syria năm 2015, Israel gần như luôn cẩn trọng khi nói về các chiến dịch quân sự của nước này ở khu vực biên giới với Syria. Thủ tướng Netanyahu cũng thường xuyên tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Putin và đã thành công trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Nga cho phép Israel tự do hoạt động ở Syria để tiêu diệt các mục tiêu Iran cũng như Hezbollah.

Không quân Israel và quân đội Nga đã thiết lập một cơ chế hợp tác và giảm thiểu xung đột, đồng thời mở một đường dây nóng kết nối trực tiếp các sĩ quan Israel với những người đồng cấp Nga đồn trú tại Latakia, Syria.

Tuy nhiên hồi đầu tháng này, không quân Israel thông báo đã tấn công hơn 200 mục tiêu tại Syria và phóng hơn 800 tên lửa và đạn pháo xuống Syria trong hơn một năm rưỡi. Việc Israel công bố thông tin này được cho là động thái gây bất ngờ vì Israel từ trước đến nay vẫn kín tiếng trong các hoạt động tại Syria.

Nga đương nhiên biết các hoạt động của không quân Israel tại Syria, nhưng Moscow không cần Israel phải ra thông báo chính thức như vậy. Việc Israel thông báo cụ thể về số mục tiêu tấn công tại Syria có thể được hiểu theo nghĩa khác là Moscow thực sự “yếu ớt” và không biết cách bảo vệ chính quyền Syria. Điều này được cho là có khả năng đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và Israel.

Thành Đạt

Theo JPost