Israel đối mặt rủi ro nào nếu đánh vào Iran?
(Dân trí) - Israel có thể dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng không Iran để thực hiện một cuộc đáp trả, nhưng đổi lại, Tel Aviv có nguy cơ hứng đòn trả đũa thậm chí khốc liệt hơn của Tehran.
Giới chức Israel được cho là đã lựa chọn kế hoạch đáp trả Iran, nhưng chi tiết cách thức và thời gian đáp trả ra sao đến nay vẫn là một bí mật.
Một trong những phương án mà Israel có thể tính đến là đánh trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Theo Reuters, hệ thống phòng không già cỗi khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định đáp trả trực tiếp vào lãnh thổ Iran.
Các chuyên gia cho rằng, Israel có thể không gặp nhiều khó khăn khi tấn công các mục tiêu bên trong Iran, nơi có lực lượng không quân lỗi thời và hệ thống phòng không bản địa dựa trên các mẫu cũ của Nga.
Zvika Haimovich, một cựu chỉ huy không quân Israel, nhận định Iran là một "siêu cường về tên lửa đạn đạo chiến thuật và máy bay không người lái", nhưng hệ thống phòng không của nước này lại là một vấn đề khác.
Hệ thống phòng không Iran chủ yếu dựa trên các hệ thống phòng không S-200 và S-300 của Nga hoặc một số hệ thống tương đương sản xuất trong nước như Bavar-373, Khordad, Raad, Sayyad và Talash cũng như các loại máy bay chiến đấu đời cũ.
Iran đã triển khai những hệ thống tương tự ở Syria từ năm 2015 và điều này giúp Israel có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với chúng.
Ông Sidharth Kausha, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Thống nhất Hoàng gia ở London, cho rằng thách thức chính đối với Israel có thể không phải là né tránh tên lửa phòng không của Iran, mà là làm thế nào để tấn công thành công các căn cứ quân sự ở phía tây và nam Iran. Để phá hủy các mục tiêu này, Israel cần phải dùng bom xuyên phá.
Máy bay chiến đấu F-35 của Israel có thể tránh được mạng lưới phòng không của Iran, thường mang theo vũ khí nhỏ hơn. Trong khi đó, để chống lại các mục tiêu sâu dưới lòng đất, Israel cần đến những vũ khí lớn hơn. Điều đó có nghĩa là Israel phải dùng máy bay như F-16 và do vậy dễ bị radar của Iran phát hiện hơn. Để đảm bảo an toàn, các phi công Israel có thể sẽ phóng chúng từ khoảng cách xa hơn.
Vấn đề là liệu Israel có sẵn sàng mạo hiểm tấn công trực tiếp hay không. Điều này phụ thuộc một phần vào việc nước này tự tin đến mức nào về khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Iran, thậm chí với quy mô lớn hơn.
Theo Reuters, nếu tình hình leo thang hơn nữa, không loại trừ kịch bản Iran sẽ dùng vũ khí mạnh hơn trong kho vũ khí gồm hơn 3.500 tên lửa và hàng nghìn máy bay không người lái của mình để tấn công vào Israel một lần nữa.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm qua cảnh báo: "Trong trường hợp Israel theo đuổi phiêu lưu quân sự và có hành động chống lại lợi ích của Iran, chúng tôi sẽ đáp trả tối đa và ngay lập tức".
Việc Israel cùng với các đồng minh đánh chặn 99% tên lửa và máy bay không người lái trong vụ tấn công hôm 14/4 của Iran cho thấy năng lực phòng không và kho vũ khí đáng gờm của Israel.
Mặt khác, nó cũng cho thấy cái giá để đánh chặn không hề rẻ. Theo một số nhà phân tích, vụ tấn công khiến Iran mất 80-100 triệu USD, nhưng khiến Israel và các đồng minh mất hơn 1 tỷ USD để đánh chặn.
Chuẩn tướng Doron Gavish, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm phòng không của Israel, cho biết Israel đang nỗ lực để khôi phục kho dự trữ nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng khác từ Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm.
Nếu Israel phải đối mặt với Iran một mình trong một cuộc xung đột trong tương lai, họ có thể sử dụng hệ thống phòng không Vòm Sắt và David's Sling như những phương án dự phòng tiết kiệm hơn.
"Iran không phải là bên duy nhất biết cách tấn công. Israel có những lựa chọn tấn công rất quan trọng. Sẽ không có tình huống Israel chỉ tự vệ trong khi Iran tấn công", Amos Yadlin, tướng không quân đã nghỉ hưu và giám đốc cơ quan tình báo quân sự Israel, bình luận.