1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Israel có sẵn sàng tấn công trả đũa Iran?

Minh Phượng

(Dân trí) - Trung Đông đang căng thẳng khi Israel đang tính toán tấn công trả đũa Iran. Nếu vụ tấn công xảy ra, tiêm kích F-15I và F-35I của Israel dự kiến đóng vai trò là lực lượng chủ lực.

Israel có sẵn sàng tấn công trả đũa Iran? - 1

Tiêm kích tàng hình F-35I của Israel (Ảnh: IDF).

Israel sắp "đặt tay lên nút bấm"?

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen cho biết, quân đội Israel có thể sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc các mục tiêu quân sự khác của Iran trong vòng 48 giờ tới. Hiện giới chức Israel và Iran chưa có phản hồi về thông tin này.

Nếu nhận định của ông Cohen là chính xác, có lẽ Israel muốn triệt hạ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran một lần và mãi mãi, giống như họ đã từng làm với Iraq.

Trước những dấu hiệu nóng bỏng, toàn bộ Trung Đông đang trong tình trạng căng thẳng tột độ. Có tin nhiều quốc gia ở Trung Đông đã hạn chế các chuyến bay qua không phận của chính mình, để chuẩn bị chiến trường cho Israel và Iran.

Lực lượng tên lửa phòng không của Iran đã bước vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu toàn bộ, các máy bay chiến đấu của nước này đã nạp nhiên liệu và lắp tên lửa để chuẩn bị xuất kích thực hiện tuần tra ở khu vực phía Tây.

Tàu chiến của Iran bắt đầu rời cảng, ngay cả các tàu chở dầu lớn cũng đã sơ tán khỏi trung tâm dầu mỏ quan trọng nhất ở đảo Kharg.

Tướng Michael Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đã đến trung tâm chỉ huy của Israel, để gặp các quan chức quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Tướng Kurilla nói rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ IDF đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ và Israel đang cùng lên kế hoạch cùng tấn công Iran.

Nhiều máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-5M Super Galaxy và C-17 Globemaster III của quân đội Mỹ đã được triển khai tới khu vực Vịnh Ba Tư và có thể tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-15I của Israel.

Dự đoán nếu xảy ra cuộc tấn công của Israel vào Iran, tiêm kích F-15I và F-35I của Israel sẽ đóng vai trò là lực lượng chủ lực.

Mục tiêu nào của Iran có thể bị tập kích?

Trước hết, Israel không có đủ máy bay tiếp dầu trên không, để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Iran do vậy phải nhờ Mỹ hỗ trợ, theo Financial Times của Anh. 

Thứ hai, Tel Aviv có thể sẽ không thể tấn công các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran, vì bom khoan phá bê tông được trang bị cho máy bay Israel không thể xuyên thủng các căn cứ trong núi và sâu dưới lòng đất của Iran.

Chỉ có máy bay ném bom B-52, B-1B hay B-2 của lực lượng không quân chiến lược Mỹ, mang bom xuyên đất GBU-57A nặng 13 tấn - lớn nhất thế giới - mới có thể phá hủy được các cơ sở hạt nhân của Iran.

Do vậy, lực lượng Không quân Israel có nhiều khả năng sẽ tấn công các trận địa tên lửa phòng không và hệ thống năng lượng của Iran. Đặc biệt, việc tấn công vào hệ thống năng lượng của Iran, đặc biệt là ngành khai thác dầu khí, sẽ làm suy yếu hoạt động xuất khẩu năng lượng của Iran.

Mặt khác, việc tấn công sẽ dễ dàng hơn, hiệu quả tấn công sẽ tốt hơn và hiện trường vụ nổ sẽ rộng lớn, có thể tạo thành tác dụng răn đe nhất định.

Thế giới từng thấy những UAV đơn giản như của Ukraine cũng có thể tấn công các nhà máy lọc dầu Nga, thì máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Israel cũng có khả năng tấn công các cơ sở năng lượng Iran.

Báo Guardian của Anh đưa tin, IDF đang chuẩn bị tiến hành đòn tấn công trả đũa Iran nhân dịp kỷ niệm một năm chiến dịch "Đại hồng thủy Al-Aqsa" mà lực lượng vũ trang Hamas tiến hành vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 năm ngoái.

Israel luôn tin rằng Iran đứng sau các lực lượng vũ trang Hamas, Hezbollah và Houthi. Vì vậy, vào "ngày đặc biệt" này, Israel sẽ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa khốc liệt nhằm vào Iran.

Israel có sẵn sàng tấn công trả đũa Iran? - 2

Đồ họa thông tin về các cơ sở chính của Iran có thể bị Israel tấn công. Các cơ sở sản xuất hạt nhân được đánh dấu màu xanh lam, trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ chủ yếu được đánh dấu màu cam (Ảnh: Telegram).

"Gươm sắp tuốt khỏi vỏ"?

Tình hình ở Trung Đông hiện nay đang "căng như dây đàn", Israel với sự hậu thuẫn của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, đang phải gồng mình đối phó trên 7 mặt trận, gồm Iran và các nhóm vũ trang do Tehran hậu thuẫn ở Trung Đông.

Vào ngày 29/9, IDF đã tập kích vào các vị trí của Houthi ở Yemen, đáp trả những lần nhóm vũ trang này phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Israel gần đây. Cùng với hành động đó, IDF vẫn tiếp tục tấn công Hamas ở Dải Gaza.

Ngày 1/10, Quân đội Israel đã phát động tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Li Băng, giao tranh ác liệt nổ ra giữa lực lượng vũ trang Hezbollah và quân đội Israel, khiến hai bên thiệt hại nặng.

Vào đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/10, Iran đã bất ngờ phóng 200 tên lửa vào nhiều mục tiêu của Israel. IDF tuyên bố đánh chặn thành công nhiều tên lửa. Tất cả hành động trên đã đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế hỗn loạn.

Tình hình chiến sự cho thấy, phạm vi và các mặt trận mà Israel phải đối phó rất rộng. Mỗi mặt trận đều có sự khác biệt, nhưng Tel Aviv dường như đều hướng đến giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant tuyên bố, Tel Aviv đang bị đe dọa từ 7 khu vực, gồm Gaza, Bờ Tây, Yemen, Li Băng, Syria, Iraq và Iran. Trong đó Tehran đang hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang ở những khu vực trên, hình thành "trục kháng chiến", để đối phó ảnh hưởng của Israel và Mỹ tại Trung Đông.

Có thể "trục kháng chiến" với Iran làm nòng cốt đã phát hiện ra điểm yếu của Israel, đó là diện tích đất nước nhỏ, dân số ít, không thể tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài. "Trục kháng chiến" nhất quyết theo đuổi cuộc chiến tranh tiêu hao với Israel, cho dù có thiệt hại tới bao nhiêu.

Times of Israel thừa nhận, thủ lĩnh Hamas Sinwar đã xác định mình có thể sẽ sống sót cho đến khi chiến tranh kết thúc. Ông Sinwar phát động cuộc tấn công vào Israel, nhằm gây thương vong lớn nhất cho Israel. Làm suy yếu và hạ gục Israel là xóa bỏ sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông là mục tiêu của "trục kháng chiến".

Nếu không có Israel thì "quyền bá chủ" lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông sẽ biến mất, do vậy trong mọi hành động quân sự của Tel Aviv, đều sẽ có sự giúp sức của Washington.

Điều rắc rối nhất đối với Israel hiện nay, không phải là khả năng quân sự của các lực lượng vũ trang đối thủ, mà là sự bùng nổ dân số Hồi giáo ở Trung Đông trong những thập kỷ gần đây. Ở Trung Đông không có các công xưởng, dẫn đến số lượng lớn người không có việc làm, những đội quân thất nghiệp này, có thể cung cấp nguồn nhân lực vô tận cho "trục kháng chiến".

Trên thực tế, không chỉ các nước Ả Rập ở Trung Đông, mà ngay cả dân số gốc Ả Rập ở Israel cũng đang tăng trưởng bùng nổ. Năm 1948, khi Israel được thành lập, có 156.000 người Ả Rập ở nước này. Đến năm 2024, sau 76 năm, số dân gốc Ả Rập ở Israel đã lên tới gần 2,2 triệu người, tăng 1.296%.

Có hàng trăm triệu người ở các nước Ả Rập và Ba Tư, nhưng chỉ có vài triệu người Do Thái ở Israel. Nếu thế giới Ả Rập - Ba Tư nỗ lực chung tay hợp tác và với sự phổ biến của tên lửa, máy bay không người lái theo công nghệ hiện đại, họ hoàn toàn có thể khiến Israel rơi vào tình huống ngặt nghèo.

Ngay cả khi quân đội Israel ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran và một số bể chứa dầu của Iran, họ cũng không thể thay đổi tình hình chiến lược này. Trong tình thế có vẻ bất lợi, nếu Israel muốn tiếp tục đứng vững ở Trung Đông, thì nước này có thể muốn tiến hành nhiều cuộc ném bom có chủ đích hơn. Vì thế, Israel được cho là sắp "rút gươm ra khỏi vỏ".