1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS và bước đi trên bàn cờ chính trị giữa các nước lớn

Sự xuất hiện của Nga ở Syria là một yếu tố làm “thay đổi cuộc chơi”, khiến Mỹ mất đi thế độc tôn trên không phận Syria. Thế nên, Mỹ rất trông đợi Nga thay đổi thái độ trong vấn đề Syria, thậm chí có thể ủng hộ Mỹ lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nga đã tiến hành không kích trên bầu trời Syria nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đầu từ ngày 30/9 và đã làm suy yếu rõ rệt năng lực tác chiến của IS ở lãnh thổ Syria, tiêu diệt hàng trăm phiến quân (trong đó có ba chỉ huy mặt trận Nusra, một nhánh của al-Qaeda ở Syria).

Phía Moskva cho biết sẽ tiếp tục hành động không kích và gia tăng mức độ tấn công, đồng thời kêu gọi tất cả các nước liên quan triển khai hành động chung để ứng phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, chia sẻ thông tin về các tổ chức cực đoan ở Syria.

IS và bước đi trên bàn cờ chính trị giữa các nước lớn - 1

Giới quan sát nhận định, lý do khiến Nga thực hiện chiến dịch không kích là để giải cứu chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Moskva ở Trung Đông.

Có vẻ như đây là thời điểm “hợp lý” khi quân đội Syria đang ngày càng mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo. Nga không có nhiều bạn bè và đồng minh ở khu vực Trung Đông, và Syria là “trường hợp duy nhất” cần phải bảo vệ. Trên thực tế, nhiều máy bay do thám không người lái của Nga đã bay lượn tìm kiếm mục tiêu trên vùng trời xung quanh Latakia. Động thái này chứng tỏ ưu tiên của Nga là bảo vệ Latakia, căn cứ địa của ông Bashar al-Assad ở Syria.

Khi phát động chiến dịch không kích ở Syria, ông Putin khẳng định Nga sẽ không điều quân đến tham chiến trực tiếp ở Syria. Các máy bay của Nga sẽ chỉ hậu thuẫn cho các chiến dịch trên mặt đất của quân đội Syria nhằm giải quyết chiến trường. Thế nhưng, quân đội chính phủ Syria cũng rất khó có thể đảo ngược được tình thế và làm được gì hơn ngoài bảo vệ khoảng 20% diện tích lãnh thổ mà họ đang kiểm soát. Trong trường hợp sự tồn vong của chính phủ Syria tiếp tục bị đe dọa bất chấp chiến dịch không kích, Nga rất có thể sẽ bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột.

Nguy cơ làm xấu đi hơn nữa quan hệ với Mỹ cũng hiện hữu. Việc Nga tham chiến ở Syria buộc Mỹ phải coi Moskva như một đối tác quyền lực trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria. Mỹ trở tay không kịp trước động thái bất ngờ của Nga khiến ý đồ chiến lược của Washington là lật đổ chính quyền Syria sẽ bị kiềm chế. Khi ấy, vị thế chống khủng bố và vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông có thể dần suy yếu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với hoạt động không kích của Nga.

Trong tương lai, nếu cả hai siêu cường vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch không kích của riêng mình và những mối bất đồng khiến họ ngừng việc liên lạc, thông báo cho nhau về kế hoạch dội bom thì khả năng xảy ra những tình huống chạm trán trên thực địa là không tránh khỏi. Sự xuất hiện của Nga ở Syria là một yếu tố làm “thay đổi cuộc chơi”, khiến Mỹ mất đi thế độc tôn trên không phận Syria. Thế nên, Mỹ rất trông đợi Nga thay đổi thái độ trong vấn đề Syria, thậm chí có thể ủng hộ Mỹ lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

IS và bước đi trên bàn cờ chính trị giữa các nước lớn - 2

Hoạt động can thiệp quân sự của Nga tại Syria được nhiều quốc gia hưởng ứng. Trung Quốc hôm 2/10 đã đề nghị Nga cho phép các máy bay ném bom J-15 nước này sớm tham gia chiến dịch không kích. Đây sẽ là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Trung Quốc, hoạt động quân sự đầu tiên của nước này tại Trung Đông cũng như thử nghiệm hoạt động đầu tiên của tàu sân bay trong điều kiện chiến đấu thực sự.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hoan nghênh việc triển khai các binh sỹ Nga tại nước này để chống lại IS. Iraq và Nga cũng đã hoàn tất một thỏa thuận cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân Al-Taqaddum tại Habbaniyah làm trạm dừng cho hành lang trên không của Moskva tới Syria, cũng như tạo điều kiện để không kích các lực lượng IS ở miền Bắc Iraq và Syria.

Bản thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad tin rằng chiến dịch không kích của Nga chống khủng bố có khả năng thành công, đóng vai trò sống còn trong việc cứu Trung Đông khỏi sụp đổ. Quan điểm này được nhiều chính khách của Pháp và Đức ủng hộ, bởi vì kế hoạch tấn công IS ở Syria của Nga hoàn hảo hơn rất nhiều so với chiến lược “tấn công đồng thời” của Mỹ, vốn đã thất bại nặng nề.

Thực tế, cuộc chiến chống IS tại Syria đang diễn ra hết sức phức tạp. Nội bộ các nước NATO mâu thuẫn và tồn tại nhiều bất đồng. Hơn nữa vai trò và ảnh hưởng của Nga tại quốc gia Trung Đông này ngày càng lớn mạnh khiến Anh cũng như một số nước hết sức quan ngại.

Còn các nước Trung Đông thì lặng lẽ chuyển tiền, vũ khí và các hỗ trợ khác cho các chiến binh nổi dậy Syria với quy mô lớn chưa từng có. Việc các quốc gia trên đầu tư mạnh vào một cuộc xung đột ở Syria được xem là một phần của cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng với đối thủ khu vực là Iran và củng cố cam kết trước đó cần phải loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự can thiệp của Nga là một trở ngại lớn đối với những quốc gia ủng hộ phe đối lập, đặc biệt là các nước trong khu vực như Qatar, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà phân tích, Arab Saudi đã tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria ở miền Nam Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tăng hậu thuẫn cho phe nổi dậy tại miền Bắc.

Nỗi lo ngại về việc chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ sẽ để lại một khoảng trống quyền lực nguy hiểm đã khiến các nước Trung Đông ủng hộ giải pháp chuyển tiếp chính trị và hậu thuẫn cho phe nổi dậy. Dù chiến dịch không kích của Nga đã làm phá sản những toan tính này, nhưng các nước Trung Đông sẽ không đi xa tới mức điều quân đội vào Syria. Cách tốt nhất để đối phó với sự can thiệp của Nga là ủng hộ nhiều hơn nữa cho phe nổi dậy để tạo lập thế cân bằng trên chiến trường, “giúp” Moskva nhận ra những hạn chế trong mục tiêu đạt được ở Syria, và buộc phải điều chỉnh hướng đi “mềm hơn” phù hợp với hoàn cảnh…

Theo Lâm Anh

Công an nhân dân

IS và bước đi trên bàn cờ chính trị giữa các nước lớn - 3