1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối phó khủng bố

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov đề nghị đưa các đơn vị tác chiến Chechnya đi đánh phiến quân IS ở Syria

Nga can dự vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria không phải là chuyện tình cờ mà là có chủ ý. Ông Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô đầu tiên, nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax. Theo ông, cần thiết phải ngăn chặn IS vì nếu không, những trận chiến lớn có thể sẽ nổ ra ở nhiều khu vực khác nhau.

Ngăn chặn từ xa

Bình luận về sự kiện Nga can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, nghị sĩ Iran Esmail Kosari khẳng định đó là bởi Moscow nhận thức rằng chẳng sớm thì muộn, nước này sẽ đối đầu với mối đe dọa IS. Theo ông, các nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng nếu họ không làm điều gì đó, IS sẽ quay sang và gây rắc rối nên họ đã đưa máy bay không kích IS ở ngay tại Syria - căn cứ địa của chúng. “Đó là lý do khiến Nga chiến đấu chống khủng bố bên cạnh Iran. Nga đã nhanh tay hơn các nước khác và nay họ đang cố ngăn chặn IS tiếp cận biên giới của họ” - hãng tin Trend dẫn lời vị nghị sĩ.

Trong khi đó, báo Đức Sueddeutsche Zeitung tỏ ra lo ngại rằng bạo lực có thể quay ngược trở lại nước Nga, như loại vũ khí boomerang của thổ dân Úc, sau khi phi công Nga bắt đầu dội bom xuống đầu phiến quân IS ở Syria. Nhà Đông phương học Alexei Malashenko, Trung tâm Carnegie Moscow, cũng thừa nhận chiến dịch quân sự của Nga ở Syria có thể sẽ kết thúc giai đoạn khá bình yên trên đất Nga. “Moscow phải chuẩn bị đối phó với vụ khủng bố mới. Đáng ngại là nhiều người trong thế giới Hồi giáo xem chiến đấu chống IS là chống lại cả đạo Hồi” - ông cảnh báo.

Tuy nhiên, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov tuyên bố IS không có cơ hội ở khu vực này. “Thông tin rằng tất cả phiến quân ở Bắc Kavkaz đều thề trung thành với IS chẳng qua là chuyện lừa bịp. Tôi ngờ rằng chẳng mấy phần tử nổi dậy còn sống sót đang ẩn náu trong rừng có thể giúp đỡ gì được bọn khủng bố IS này” - ông Kadyrov khẳng định.

Nhà lãnh đạo Chechnya quả quyết phiến quân IS chẳng có hy vọng làm nên chuyện gì ở Chechnya bởi vì toàn bộ khu vực này được các nhân viên thi hành pháp luật kiểm soát và 99,9% nhân dân Chechnya ủng hộ hòa bình. Tuy vậy, ông xác nhận nhà chức trách hiểu được mối đe dọa từ IS và sẽ nỗ lực ngăn chặn.

Đối phó khủng bố - 1

Lực lượng đặc nhiệm của Chechnya. (Ảnh: SPUTNIK NEWS)

“Chechnya là tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố, đang thực hiện thành công nhiệm vụ của mình và trở thành một trong những khu vực yên ổn nhất ở Nga” - ông Kadyrov bày tỏ, đồng thời cho biết Chechnya đang đạt kết quả trong việc đối phó với hiện tượng IS tuyển mộ tân binh trên mạng. Theo ông, internet tạo điều kiện cho bất cứ tổ chức quá khích nào đến từng nhà dân để chiêu mộ chiến binh. Vì thế, cộng đồng thế giới phải liên kết chống lại cái ác này.

Báo Vzglyad đưa tin: Người đứng đầu Cộng hòa Chechnya còn đề nghị đưa các đơn vị tác chiến Chechnya đi đánh phiến quân IS ở Syria. Ông đoan chắc bọn khủng bố ở Syria ngay khi vừa nghe tin các chiến binh từ Chechnya được cử đến, bọn chúng sẽ vội vã bỏ chạy ngay. Theo ông, binh sĩ Chechnya trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, số người tình nguyện đang ngày càng đông hơn.

Lên án

Mặc dù vậy, các quan chức an ninh hàng đầu Nga vẫn cảnh báo mối đe dọa mang tên IS là hiện thực đối với nước Nga và các lân bang. Tướng Sergei Smirnov, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang, cũng đã lên tiếng khuyến cáo về mối liên lạc giữa IS và các phe phái khủng bố ở miền Bắc Kavkaz.

Trong khi đó, các cộng đồng Hồi giáo lớn ở Nga đã ra tuyên bố lên án IS là kẻ thù của đạo Hồi, đồng thời kêu gọi trừng trị mọi thành viên của tổ chức khủng bố này. Thêm vào đó, các học giả Hồi giáo Nga lặp đi lặp lại rằng những người theo IS sẽ không được gọi là tín đồ đạo Hồi khi các phiến quân thuộc tổ chức này đã làm cho dư luận có cái nhìn tiêu cực về tôn giáo của họ.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Nga nhấn mạnh: “Các thành viên Hội đồng Ulama nhận thấy tất cả hành động của tổ chức tự nhận mình là “Nhà nước Hồi giáo” đều mâu thuẫn với đạo Hồi, bắt đầu từ việc thành lập tổ chức, xâm chiếm đất đai và thực hiện những vụ hành quyết công khai và tàn bạo. Tất cả thành viên của những nhóm người như vậy đều xứng đáng bị tử hình hoặc bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội”.

Cũng vậy, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh nhà nước Nga Nikolai Patrushev kêu gọi cộng đồng quốc tế bãi bỏ tiêu chuẩn kép về khủng bố và tiến hành đấu tranh với mối đe dọa IS phù hợp luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông Patrushev cho biết ông và các quan chức Nga khác thích sử dụng cụm từ “Nhà nước Hồi giáo” trong dấu ngoặc kép để tránh xúc phạm những người Hồi giáo chân chính không có mối liên hệ nào với bọn khủng bố và quá khích. Với cùng lý do đó, ông kêu gọi dư luận gọi tổ chức này theo tên ban đầu của nó: Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL).

Chưa hết, một trong những thủ lĩnh Đảng Nước Nga Công bằng, ông Oleg Nilov, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga xem xét đưa ra sáng kiến thành lập tòa án quốc tế xét xử tội ác của IS, mối đe dọa số 1 đối với thế giới văn minh kể từ Thế chiến thứ hai cũng như những kẻ tiếp tay cho IS. Ông Nilov gọi IS là cộng đồng tôn giáo của bọn phát-xít mới nổi và lên án chính sách khủng bố, giết chóc tàn bạo của chúng.

Đường dây nóng chống IS

Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Ngoại giao xã hội và Hỗ trợ công dân ở nước ngoài thuộc Viện Xã hội Nga, bà Elena Sutormina, cho biết viện mở đường dây nóng chống lại IS kể từ ngày 1-8 năm nay, đồng thời nhấn mạnh rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan xem Nga là mảnh đất màu mỡ để chiêu mộ chiến binh. Theo đó, mọi công dân đều có thể gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử kêu cứu, nhất là với những ai là nạn nhân của hoạt động tuyển mộ của khủng bố. “Vai trò của đường dây nóng là mọi người gọi đến đều được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ cần thiết” - bà Sutormina tuyên bố tại cuộc họp báo ở báo Rossya Segodnya.

Ngoài ra, bà còn nêu sáng kiến thực hiện các bài giảng về chuyên đề chống khủng bố ở các lớp lớn trong trường trung học.

Theo Ngô Sinh

Người Lao động

Đối phó khủng bố - 2