IS lập thành trì mới ở cửa ngõ châu Âu
(Dân trí) - Thành phố Sirte của Libya trở thành căn cứ hoạt động mới của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong kế hoạch nhằm tiến sâu vào châu Âu và là khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ ở quốc gia Trung Đông.
Kể từ khi IS tuyên bố hiện diện ở Sirte, Libya hồi tháng 2 năm nay, thành phố này đã trở thành căn cứ đầu tiên của IS bên ngoài Syria và Iraq. Kể từ đó, lực lượng của IS không ngừng mở rộng từ 200 người lên 5.000 người, trong đó có cả những đối tượng làm quản lý hoặc chuyên viên tài chính, theo ước tính của giới chức tình báo và các nhà hoạt động ở Libya.
Việc mở rộng hoạt động ở Libya cho thấy IS có thể phát triển mạng lưới và thích nghi với tình hình bất chấp các cuộc không kích của Nga, Pháp và liên quân do Mỹ đứng đầu.
Hôm thứ Năm tuần trước, gần 2 tuần sau vụ khủng bố Paris, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đều cho rằng châu Âu phải chú tâm đên sự trỗi dậy của IS ở Libya. Thủ tướng Italia Renzi cảnh báo, Libya có thể trở thành “trường hợp khẩn cấp tiếp theo” nếu không được lưu tâm.
Ở Libya, IS loại bỏ sự thách thức từ các nhóm dân quân liên kết với chính quyền và tuyển mộ người biết cách vận hành những cơ sở dầu khí gần Sirte - khu vực có tới 700.000 dân. Giới chức Libya cho biết, họ lo ngại rằng việc các tay súng này giành quyền kiểm soát thêm nhiều mỏ dầu và nhà máy lọc dầu gần Sirte để tăng nguồn tiền phục vụ cho các cuộc tấn công ở Trung Đông và châu Âu chỉ là vấn đề thời gian.
Sirte được coi là cửa ngõ với một số mỏ dầu và nhà máy lọc dầu lớn của Libya. “Chúng đã lộ rõ ý định. Chúng muốn mở rộng cuộc chiến đến Rome”, Ismail Shoukry, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự khu vực bao gồm Sirte nhận định.
IS đang hưởng lợi từ cuộc xung đột đang ngày càng làm suy yếu quyền kiểm soát của chính phủ ở Libya. Nhóm này đã lợi dụng sự chia rẽ sâu sắc ở Libya - nơi tồn tại 2 chính phủ đối đầu để lập ra một thành trì mới.
Gần 1 năm qua, Mỹ và các nước châu Âu không ngừng hối thúc 2 chính phủ ở Libya đi đến thỏa thuận chia sẻ quyền lực để đối phó với mối đe dọa từ IS. Và mặc dù Liên hợp quốc đã đứng ra làm trung gian để đưa ra thỏa thuận hòa bình sơ bộ hồi tháng 10, đến nay hai bên vẫn chưa chịu thực thi.
IS đang trỗi dậy tại Libya (Đồ họa: BBC)
Tân đại sứ của Libya tại Liên hợp quốc, ông Martin Kobler, nói: “Chúng tôi không có một nhà nước thực sự. Chúng tôi có một chính phủ mong manh. Ngày này qua ngày khác chúng tôi trì hoãn các thỏa thuận chính trị và đó chính là cơ hội vàng cho IS trỗi dậy”.
Kể từ đầu năm 2014, Libya bị chia rẽ và được điều hành bởi 2 chính phủ. Chính phủ được quốc tế công nhận và một số cường quốc khu vực ủng hộ đặt trụ sở ở thị trấn Tobruk, phía đông Libya. Ở phía tây là chính phủ tự phong của phe Hồi giáo, đặt trụ sở tại Tripoli.
Trong tháng này, Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào IS ở Libya. Cuộc không kích được cho là đã tiêu diệt một trong những phó thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi. Những tuần gần đây, hàng loạt những tay súng ngoại quốc được IS tuyển mộ đã đặt chân đến Sirte, trong khi nhiều tay súng từ Syria và Iraq cũng được đưa trở lại Libya, giới tình báo Libya cho biết.
“Sirte sẽ không thua gì Raqqa" là câu nói thường xuyên được các chỉ huy IS sử dụng trong chương trình phát thanh ở Sirte, một nhà hoạt động và một số người dân bản địa cho biết. Raqqa là thành trì của IS ở Syria.
Tại Sirte, IS đưa ra những quy định giống như tổ chức mẹ ở Syria. Cụ thể, chúng cấm sử dụng mạng lưới điện thoại, âm nhạc, hút thuốc, trong khi phụ nữ ra đường phải che kín người, lực lượng tuần tra phải đi bằng các phương tiện có logo của IS, nhà tù cũng bắt đầu mọc lên.
Tuy nhiên, không giống như ở Syria, nơi mà IS tìm cách để có thể tự đáp ứng các dịch vụ cơ bản, thì ở Sirte, các trạm xăng không hoạt động, bệnh viện bỏ không do đó người dân muốn chữa bệnh phải di chuyển nhiều cây số đến các thành phố khác. Tuy nhiên, việc di chuyển này gặp trở ngại do các trạm kiểm soát của IS.
“Không có dịch vụ, chỉ có trừng phạt. Sirte đang trở nên tăm tối”, Omar, một kỹ sư 33 tuổi chia sẻ.
Dabiq, tạp chí tuyên truyền của IS, số mới đây dẫn lời Abu Mughirah al-Qahtani, người được cho là "lãnh đạo" IS ở Libya, tuyên bố sẽ lợi dụng địa chính trị và nguồn dự trữ dầu của Libya để làm gián đoạn an ninh và kinh tế châu Âu.
Khoảng 85% dầu thô của Libya năm 2014 được xuất khẩu sang châu Âu, trong đó, Italia là nước nhập khẩu lớn nhất. Ngoài ra, một nửa sản lượng khí đốt tự nhiên của Libya cũng được xuất sang Italia.
“Sự kiểm soát của IS ở khu vực này sẽ dẫn đến gián đoạn kinh tế, đặc biệt là đối với Italia và các nước châu Âu khác”, al-Qahtani nói.
Minh Phương
Theo WSJ